"Triệu phú" làng biển

  • 08:35 | Chủ Nhật, 27/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cơ sở làng chài Hải Huyền của chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, ở phường Hải Thành (TP. Đồng Hới) có doanh thu gần 3 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Thương hiệu làng chài Hải Huyền không chỉ nổi tiếng trong và ngoài tỉnh mà còn vươn ra thị trường các nước lân cận.
 
Giữ gìn nghề truyền thống
 
Theo chân chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, Chủ tịch Hội LHPN phường Hải Thành, chúng tôi đến thăm cơ sở làng chài Hải Huyền nằm trên đường Nguyễn Thành Đồng, phường Hải Thành.
 
Tuy đang là mùa đông, thời điểm ít khách du lịch nhưng cơ sở của chị vẫn tấp nập khách ra vào mua bán. Vừa bận rộn đóng hàng cho khách, chị Huyền vừa kể về quãng thời gian khó khăn của những ngày đầu khởi nghiệp.
 
Chị Huyền chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình làm nước mắm truyền thống, tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ mẹ. Lớn lên, lấy chồng, cơ duyên lại đưa tôi về làm dâu trong một gia đình có truyền thống làm nước mắm nên ý thức giữ gìn và phát triển nghề truyền thống này đã hình thành từ đó. Sau một thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, vợ chồng tôi quyết định khởi nghiệp với nghề chế biến nước mắm và buôn bán hải sản”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề chế biến nước mắm truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề chế biến nước mắm truyền thống.
Những năm đầu mới bước vào nghề, kinh nghiệm còn ít, đồng vốn lại không nhiều, gia đình chị chỉ thu mua và chế biến được vài tạ cá tươi/ngày, chỉ sản xuất vào mùa nắng và chủ yếu là giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình.
 
“Trước đây, nước mắm và ruốc của gia đình tôi chưa có thương hiệu lại ít người biết đến nên việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn. Cả năm trời, các thành viên trong gia đình phải thức khuya dậy sớm nhưng thu nhập không được là bao, chỉ vừa đủ chi phí chứ chưa có lãi”, chị Huyền tâm sự.
 
Trong khi nhiều nơi ngày càng cải tiến việc sản xuất nước mắm để làm sao có lợi nhuận cao nhất, thì gia đình chị vẫn duy trì công thức chế biến truyền thống. Chị Huyền cho biết, để làm ra những chai nước mắm chất lượng, nguyên liệu nhập vào phải tươi và quy trình chế biến phải nghiêm ngặt, tuân thủ tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm. Cá cơm, cá nục tươi vừa đưa lên bờ, được phân loại, rửa sạch, trộn đều muối sạch rồi cho vào chum ủ với công thức 7 tấn cá/tấn muối. Trong thời gian đó, phải theo dõi sát sao, bảo đảm phơi nắng đều. Sau 1 tháng thì tiến hành quây cá, quá trình quây cá phải làm vào thời điểm trời nắng để cá nhanh chín và bảo đảm vệ sinh. Thường cá được muối trong vòng 10 tháng đến một năm, sau đó sẽ đến khâu cuối cùng là khâu rút nước mắm.
 
Những năm đầu, nước mắm của gia đình chị Huyền chủ yếu phục vụ bạn bè, gia đình và khách trong tỉnh. Nhưng nay, nhờ uy tín, chất lượng, sản phẩm nước mắm, ruốc của chị được rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, nhất là khách du lịch. Mỗi năm, gia đình chị bán ra thị trường gần 1.000 lít nước mắm và 1-2 tấn mắm nêm và ruốc.
 
Đưa thương hiệu làng chài vươn xa
 
Từ một cơ sở chế biến, thu mua hải sản nhỏ lẻ, sau nhiều năm tích lũy, chị đã mở rộng cơ sở sản xuất, mua sắm trang thiết bị, xây dựng thêm 2 kho đông lạnh để chế biến và kinh doanh hải sản. Đầu năm 2013, nhận thấy nhu cầu mua hải sản của khách ngoại tỉnh ngày càng tăng cao, chị đã bàn với chồng thành lập cơ sở làng chài Hải Huyền chuyên thu mua hải sản phục vụ người dân và khách du lịch.
 
Để có nguồn hải sản tươi ngon, chị đích thân xuống tận bến thuyền kiểm và nhập hàng. Công việc hàng ngày của chị luôn bắt đầu vào lúc 2 giờ sáng ở cảng cá Nhật Lệ. Bên cạnh đó, để bảo đảm hàng luôn ổn định, cung cấp đầy đủ cho thị trường Trung Quốc và thương lái trong và ngoài tỉnh, chị đã đầu tư góp vốn cho các chủ thuyền.
 
“Chỉ cần thuyền về gần đến bờ thì chủ thuyền sẽ gọi cho tôi để thu mua. Hải sản luôn là loại tươi nhất, ngon nhất và không lo thiếu hàng cung cấp cho các đầu mối. Hiện tại, tôi đang góp vốn cho hơn 10 thuyền của ngư dân Hải Thành và Bảo Ninh, mỗi thuyền từ 50-200 triệu đồng”, chị Huyền cho hay.
 
Ngư dân Nguyễn Xuân Lễ, xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) chia sẻ: “Tôi làm bạn hàng với chị Huyền đã rất nhiều năm. Các loại cá thu, hố, mực… tôi nhập cho cơ sở của chị luôn tươi ngon, bảo đảm sạch vì chỉ được bảo quản bằng đá lạnh. Đây là cơ sở thu mua rất có uy tín, nên hầu như sản phẩm tôi đánh bắt được đều nhập cho chị Huyền. Đầu ra ổn định, tôi không còn lo lắng đến việc bị các thương lái chèn ép giá, hay điệp khúc được mùa mất giá”.
Rất nhiều tàu cá trên địa bàn phường Hải Thành và xã Bảo Ninh được chị Huyền đầu tư góp vốn để vươn khơi, bám biển.
Rất nhiều tàu cá trên địa bàn phường Hải Thành và xã Bảo Ninh được chị Huyền đầu tư góp vốn để vươn khơi, bám biển.
Ngoài việc chú trọng chất lượng hải sản, cơ sở làng chài Hải Huyền còn quan tâm đầu tư cải tiến mẫu mã, nhãn mác để sản phẩm thu hút người tiêu dùng hơn, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Chị cũng đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác tìm kiếm khách hàng tiềm năng để tiêu thụ hàng hóa sau chế biến. Nhờ đó, cơ sở làng chài của gia đình chị cũng gặp nhiều thuận lợi và ngày càng phát triển. Từ một cơ sở thu mua hải sản nhỏ, đến nay, làng chài Hải Huyền của gia đình chị đã trở thành thương hiệu lớn được du khách trong và ngoài nước biết đến. Mỗi năm, làng chài Hải Huyền nhập cho thị trường Trung Quốc 20-30 tấn hải sản, chủ yếu là cá bò, cá thu, mực…Vào tháng cao điểm mùa du lịch, cơ sở của gia đình chị bán ra hàng tấn hải sản với doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng.
 
Bên cạnh sản xuất nước mắm truyền thống, mua bán hải sản, chị Huyền còn tự làm nem hải sản, chả cá để bán cho khách du lịch khi đến tham quan Quảng Bình. Nguyên liệu làm nem, chả cá đều là những hải sản tươi, sạch do đích thân chị Huyền và người trong gia đình lựa chọn và chế biến.
 
Vài năm trở lại đây sản phẩm mực khô, cá khô làng chài Hải Huyền còn được người Việt ở Mỹ, Anh, Đức, Hàn Quốc… biết đến và đặt mua nhờ sự thơm ngon và bảo đảm an toàn thực phẩm. Năm 2019, tổng doanh thu của cơ sở làng chài Hải Huyền đạt hơn 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7-8 lao động, với mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng.
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, Chủ tịch Hội LHPN phường Hải Thành chia sẻ: “Hướng tới thành lập các cơ sở sản xuất, chế biến hải sản và thực phẩm sạch phục vụ khách du lịch luôn là hoạt động mà Hội rất quan tâm và chú trọng thực hiện. Cơ sở làng chài Hải Huyền là một trong những cơ sở tiêu biểu của phường trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Với những gì đã làm và thành công trong phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng chị Huyền thực sự là tấm gương sáng để nhiều người học tập và noi theo”.
 
Lan Chi