Tích cực khoanh vùng, không để bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan

  • 07:49 | Thứ Bảy, 05/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, với chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp ngành, địa phương, công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) được thực hiện tốt, trong một thời gian dài dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11-2020, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa và huyện Quảng Trạch đã xuất hiện các ổ DTLCP mới. Hiện, các lực lượng chức năng đang tích cực xử lý ổ dịch, khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
 
Khoanh vùng, kịp thời xử lý ổ dịch đúng quy định
 
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp-PTNT), từ ngày 22-11-2020 đến ngày 30-11-2020, dịch bệnh DTLCP đã xảy ra ở 4 hộ/4 thôn/2 xã của huyện Tuyên Hóa và 1 hộ ở xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch làm 23 con lợn chết, phải đưa đi tiêu hủy.
 
Cụ thể, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, tại xã Mai Hóa, DTLCP đã xảy ra tại 3 hộ/3 thôn (Đông Thuận, Xuân Hóa, Tân Hóa) làm chết 16 con lợn; tại xã Phong Hóa, DTLCP xảy ra tại 1 hộ ở thôn Minh Cầm Trang làm chết 5 con lợn. Tại xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, DTLCP xảy ra tại 1 hộ ở thôn Trung Tiến, làm chết 2 con lợn.
 
Cũng theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tại xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa có lợn ốm chết với các triệu chứng nghi bệnh DTLCP. Cơ quan thú y địa phương đã kiểm tra, lấy mẫu. Hiện đang chờ kết quả xét nghiệm.
Các lực lượng chức năng tiến hành phun tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn chết tại xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch theo đúng quy định.
Các lực lượng chức năng tiến hành phun tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn chết tại xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch theo đúng quy định.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, các ổ dịch mới xuất hiện đều nằm tại các xã đã xảy ra DTLCP trong năm 2019; môi trường chăn nuôi sau lũ lụt bị ô nhiễm, tạo điều kiện để mầm bệnh tồn tại, phát triển. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi trên địa bàn các xã còn hạn chế, đặc biệt là sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; hoạt động giết mổ chủ yếu là nhỏ lẻ, chưa được giám sát chặt chẽ… Ngay sau khi các mẫu xét nghiệm gửi Chi cục Thú y vùng III có kết quả dương tính, Sở Nông nghiệp-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương cấp bách triển khai các biện pháp chống dịch; tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại hộ chăn nuôi có lợn ốm chết; nơi tiêu hủy lợn bệnh…
 
Tại xã Phù Hóa, sau khi xuất hiện ổ dịch bệnh DTLCP ở thôn Trung Tiến, UBND huyện Quảng Trạch đã xác định vùng bị dịch uy hiếp gồm các thôn: Trường Xuân, Trường Long, Phú Cường, Hậu Thành (xã Phù Hóa); xã Cảnh Hóa; xã Liên Trường và các vùng phụ cận trong phạm vi 10km xung quanh ổ dịch. Để khoanh vùng dịch, phòng chống dịch bệnh DTLCP lan rộng, huyện Quảng Trạch đã khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp dập dịch; chỉ đạo các ban, ngành chức năng và xã Phù Hóa phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột tại khu vực chuồng trại của các hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn xã; khoanh vùng ổ dịch…
 
Tại huyện Tuyên Hóa, cùng với việc nghiêm túc triển khai các biện pháp dập dịch, phòng, chống dịch, xã Mai Hóa đã tạm thời cấm vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm thịt lợn tại chợ Mai Hóa nhằm kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
 
Tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống
 
Đến nay, bệnh DTLCP vẫn chưa có vắc xin, thuốc đặc hiệu điều trị bệnh, sức đề kháng của vi rút gây bệnh cao và có đường truyền lây đa dạng. Việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn chưa được kiểm soát chặt chẽ trong khi tình hình dịch bệnh DTLCP ở các tỉnh lân cận, như: Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An… đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo thông tin của Chi cục Thú y vùng III, hiện nay, trong vùng Bắc Trung Bộ còn 51 xã ở 15 huyện của 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị có dịch bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày.
 
Để ngăn chặn dịch bệnh DTLCP, không để dịch lây lan diện rộng trên địa bàn huyện, ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, ngày 30-11-2020, UBND huyện đã ban hành Chỉ thị số 1379/CT-UBND yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp dịch bệnh DTLCP với các hoạt động cụ thể, tương ứng với các tình huống; kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 20-2-2019 để tổ chức phòng, chống dịch bệnh…
 
Đặc biệt, các địa phương và lực lượng chức năng phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; huy động hệ thống chính trị, các nguồn lực của địa phương để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổng vệ sinh phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất…). Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm; đồng thời, không hoang mang đối với bệnh DTLCP…
 
Tại huyện Quảng Trạch, bên cạnh việc tích cực triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, ngăn chặn dịch bệnh, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung tuyên truyền các dấu hiệu nhận biết và biện pháp giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết để phòng, chống bệnh DTLCP có hiệu quả.
Chợ Mai Hóa (xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa) tạm thời cấm vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm thịt lợn tại chợ nhằm kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Chợ Mai Hóa (xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa) tạm thời cấm vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm thịt lợn tại chợ nhằm kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, để chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt biện pháp phòng, chống dịch bệnh DTLCP nhằm khống chế lây lan, góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, UBND tỉnh đã có công văn số 2231/UBND-KT, ngày 2-12-2020 yêu cầu các sở, ngành, địa phương vừa tập trung triển khai phương án đẩy mạnh khôi phục sản xuất chăn nuôi sau thiên tai, vừa khẩn trương thực hiện quyết liệt và đồng bộ biện pháp, kịch bản phòng, chống dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
 
Đối với các địa phương đang xảy ra dịch bệnh, cần tập trung nguồn lực để khống chế, dập tắt dịch bệnh trong diện hẹp, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan; đồng thời, chỉ đạo phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn UBND cấp xã triển khai biện pháp chống dịch. Trong đó, cần chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh; xử lý nghiêm trường hợp giấu dịch, không khai báo, bán chạy lợn bệnh hoặc vứt xác lợn chết ra môi trường.
 
Các địa phương chưa xảy ra dịch cần xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh DTLCP giai đoạn 2020-2025; tiếp tục triển khai tổ chức tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tăng cường cán bộ giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, đặc biệt là địa phương có tổng đàn lớn, nơi có ổ dịch cũ; kịp thời kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm bệnh trong trường hợp lợn ốm, chết nghi mắc bệnh DTLCP hoặc lợn chết không rõ nguyên nhân…
 
L.M-L.C