PC Quảng Bình: Triển khai giải pháp quản lý vận hành hiệu quả

  • 14:34 | Thứ Sáu, 04/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Các kỹ sư phòng Điều độ, Công ty Điện lực (PC) Quảng Bình vừa đưa vào áp dụng thực tế “Giải pháp cấu hình và rút bản tin relay từ xa cho các dòng recloser, rơle cũ trên lưới điện Quảng Bình” và đạt hiệu quả cao. Giải pháp giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, nhân lực, chi phí đi lại cho các nhân viên vận hành khi phải đến thao tác tại các rơle, reclose; đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vận hành, giảm thời gian xử lý sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
 
Kỹ sư Vũ Hoài Nam, chuyên viên phòng Điều độ, PC Quảng Bình cho biết: "Trên lưới điện phân phối tỉnh Quảng Bình hiện đang sử dụng rất nhiều chủng loại recloser, rơle cũ từ những năm 2000. Các dòng recloser, rơle này không được hỗ trợ tính năng cấu hình và rút bản tin relay từ Trung tâm điều khiển (TTĐK). Vì thế, để thực hiện cấu hình và rút các bản tin relay, các cán bộ kỹ thuật PC Quảng Bình phải bấm bằng tay trên tủ điều khiển hoặc dùng một laptop có cài phần mềm, kết nối bằng dây trực tiếp với tủ điều khiển qua cổng cấu hình. Điều này gây mất thời gian và rất nhiều bất tiện trong công tác quản lý, vận hành".
 
Thực tế cho thấy, khi sử dụng các loại recloser, rơle cũ thì mỗi lần có thay đổi về chỉnh định relay hay bổ sung tín hiệu cho hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu từ xa (SCADA) cán bộ kỹ thuật phải đến trực tiếp các rơ le, recloser này để chỉnh định hoặc cấu hình bổ sung.
 
Các thiết bị này phân bố chủ yếu ở địa bàn các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và Bố Trạch. Đây đều là những địa phương có địa bàn trải rộng, giao thông đi lại khó khăn nên mất rất nhiều thời gian khi phải di chuyển đến thiết bị. Điều này càng khó khăn hơn khi phương thức vận hành lưới điện của PC Quảng Bình liên tục thay đổi và việc hiệu chỉnh thông số relay phải thực hiện thường xuyên khi lưới điện ngày càng phức tạp (nhiều nguồn tới, nhiều mạch vòng).  
 Trước đây, cán bộ kỹ thuật PC Quảng Bình phải đến trực tiếp các rơ le, recloser để chỉnh định hoặc cấu hình bổ sung.
Trước đây, cán bộ kỹ thuật PC Quảng Bình phải đến trực tiếp các rơ le, recloser để chỉnh định hoặc cấu hình bổ sung.
Đặc biệt, khi xảy ra sự cố trên lưới điện, nhân viên vận hành của PC Quảng Bình cũng phải tiếp cận thiết bị thì mới lấy được dòng sự cố và các sự kiện chi tiết. Đây cũng là khó khăn lớn, làm chậm trễ công tác vận hành, phân tích, khoanh vùng và xử lý sự cố của các điều độ viên.
 
Xuất phát từ những khó khăn đó, các cán bộ phòng Điều độ PC Quảng Bình đã nghiên cứu một giải pháp để từ TTĐK có thể trực tiếp kết nối, cấu hình và rút được bản tin relay, bản tin sự kiện của các dòng recloser, rơle cũ này. Nội dung chính của giải pháp là tạo một kênh kết nối giữa cổng COM của máy tính kỹ thuật tại TTĐK và cổng cấu hình trên các recloser, rơle (cổng này khác với cổng truyền thông SCADA). Quá trình mô phỏng như dùng laptop để kết nối tại chỗ, chỉ khác là dây dẫn vật lý chuyển qua môi trường sóng 3G.
 
Như vậy, từ máy tính kỹ thuật của TTĐK, các điều độ viên cài đặt các phần mềm cấu hình và một phần mềm chuyển đổi COM-TCP/IP thông qua môi trường truyền 3G VPN của hệ thống SCADA Quảng Bình; đồng thời, cấu hình các cổng S1, S2 trên modem 3G Secflow-1 để làm cổng chuyển tiếp. Như vậy, điều độ viên có thể tạo một kênh kết nối từ xa (indirect connection) để từ TTĐK Quảng Bình cấu hình và rút bản tin relay các dòng rơle recloser cũ.
 
Theo ông Hoàng Hiếu Trung, Giám đốc PC Quảng Bình, từ tháng 6-2019 đến nay, giải pháp cấu hình và rút bản tin relay từ xa cho các dòng recloser, rơle cũ trên lưới điện đã được áp dụng thành công cho 100% các recloser, rơle cũ trên lưới điện phân phối Quảng Bình. Quá trình áp dụng, vận hành cho thấy giải pháp hoạt động ổn định và mang lại hiệu quả rõ rệt. Ước tính chi phí tiết kiệm mà giải pháp này mang lại đến nay là hơn 300 triệu đồng.
 
“Giờ đây, từ TTĐK Quảng Bình, điều độ viên có thể lập tức rút được bản tin relay ngay khi có sự cố lưới điện trung thế, giúp nhanh chóng phân tích, khoanh vùng, xử lý sự cố. Việc cấu hình, chỉnh định rơle và bổ sung tín hiệu cho hệ thống SCADA cũng được thực hiện ngay tại trung tâm; đồng thời, còn tạo thêm một kênh thao tác thiết bị song song với hệ thống SCADA. Đây chính là điểm mấu chốt giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của PC Quảng Bình”-ông Hoàng Hiếu Trung cho biết thêm.
 
Nguyễn Hoàng