Đổi mới trong sản xuất vụ đông-xuân 2020-2021

  • 07:16 | Thứ Tư, 02/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khắc phục những khó khăn, thiệt hại do thiên tai bão lụt, huyện Bố Trạch triển khai sản xuất vụ đông-xuân với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp đồng thuận của người dân. Từ bài học kinh nghiệm của những vụ sản xuất trước, vụ đông-xuân 2020-2021, Bố Trạch sẽ có một số thay đổi, từ cơ cấu giống, lịch thời vụ cho đến kỹ thuật canh tác… với hy vọng một vụ mùa đạt kết quả cao.
 
Theo đánh giá của phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch, năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng diện tích cây trồng trên toàn huyện vẫn tăng cao so với cũng kỳ năm trước. Công tác chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả được đẩy mạnh; công tác chuyển đổi bộ giống lúa trung và ngắn ngày được các địa phương trên địa bàn quan tâm. Toàn huyện đã gieo trồng được trên 17.000ha cây hàng năm, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng sản lượng đạt trên 45.000 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích, năng suất, sản lượng một số loại cây chủ lực, như: lúa và nhiều loại cây ăn quả, đều tăng.
 
Trong giai đoạn 2016-2020, Bố Trạch đã chi gần 990 triệu đồng hỗ trợ thực hiện trợ giá đối giống cây trồng chủ lực; trong đó, chi hỗ trợ giống lúa trên 600 triệu đồng, giống ngô lai trên 74 triệu đồng và giống lạc trên 300 triệu đồng...
 
Ngoài ra, năm 2020, thực hiện hỗ trợ cho các địa phương sản xuất lúa theo Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện đã cấp cho các địa phương sản xuất lúa với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng. Thông qua nguồn kinh phí được cấp, các địa phương đã sử dụng để đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa áp dụng giống mới trong sản xuất. 
Bố Trạch chú trọng thay đổi bộ giống lúa chất lượng cao vào sản xuất vụ đông-xuân 2020-2021.
Bố Trạch chú trọng thay đổi bộ giống lúa chất lượng cao vào sản xuất vụ đông-xuân 2020-2021.
Ông Nguyễn Cẩm Long, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có 3.800ha diện tích thực hiện cánh đồng lớn, có liên kết sản xuất và tiêu thụ với một số công ty để giải quyết đầu ra cho sản phẩm; trong đó, lúa 30ha, lạc gần 165ha, ngô lấy thân 45ha, sắn trên 3.600ha. Có khoảng 90% sản lượng trên diện tích cánh đồng lớn được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết bao tiêu, lợi nhuận tăng 16-20% so với diện tích không thực hiện cánh đồng lớn".
 
Tuy nhiên, trong vụ đông-xuân 2019-2020, vào giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ đến trổ, chắc xanh trên địa bàn huyện đã bùng phát bệnh đạo ôn lá gây hại, toàn huyện khoảng 150ha diện tích bị nhiễm; trên cây ngô, sâu keo mùa thu đã phát sinh gây hại, diện tích nhiễm trên 95ha.
 
“Theo kế hoạch, vụ đông-xuân này, toàn huyện phấn đấu thực hiện 5.000ha lúa, 700ha ngô, 800ha lạc... Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng vừa phù hợp với thổ nhưỡng địa bàn và bảo đảm tiến độ, tránh dịch bệnh, thiên tai, vừa giảm thiểu sức lao động cho nông dân, bước vào sản xuất vụ đông-xuân 2020-2021, huyện Bố Trạch sẽ tiến hành thay đổi về giống, lịch thời vụ và kỹ thuật canh tác. Ngoài những hướng dẫn cụ thể về lịch thời vụ gieo trồng, huyện chú trọng chuyển đổi, cơ cấu bộ giống các loại cây trồng chủ lực, như: lúa, ngô, lạc, đậu, sắn.”,  ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch trao đổi thêm.
 
Về giống lúa, Bố Trạch cơ cấu sản xuất giống lúa thâm canh, như: X21, VN20, Xuân Mai, lúa lai Nhị ưu 838; giống lúa chất lượng cao, như: IR353-66, XT28, PC6; giống lúa có triển vọng, như: QS447, QS88, Hà Phát 3; lúa nếp SVN1, IJ352 và một số giống sản xuất thử nghiệm, như: VNR20, PN99, Hương Việt 3. Giống ngô lai chú trọng: CP3Q, CP511, NK4300, NK6410, ngô nếp HN68, HN88; giống lạc: L14, SVL1; giống đậu xanh: DDX208, ĐX044…
 
Đồng thời, Bố Trạch cũng kiên quyết loại bỏ giống lúa P6, HT1, VN20 ra khỏi cơ cấu giống trên các đồng ruộng thường xuyên bị bệnh rầy nâu, đạo ôn gây hại, như: Hà Môn (xã Cự Nẫm), Khương Hà 5, Bắc Giang, Nam Giang (xã Hưng Trạch), Phú Hội, Phú Hữu (xã Liên Trạch), Đồng Sơn (xã Sơn Lộc)...
 
Bố Trạch cũng đã ban hành chính sách bù giá giống cây trồng cho nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, gồm các giống lúa chất lượng cao, giống ngô lai, giống lạc…
 
Huyện cũng chỉ đạo các địa phương, trên mỗi xứ đồng, chỉ bố trí sản xuất từ 1 đến 2 loại giống và mỗi địa phương nên cơ cấu từ 2 đến 3 giống chủ lực để thuận tiện cho việc làm đất, gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo các đơn vị liên quan hướng dẫn sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế sâu bệnh và việc cung ứng nước tưới tiêu hợp lý, bảo đảm các loại cây trồng sinh trưởng tốt.
 
“Là địa phương có diện tích gieo trồng lúa lớn nhất huyện Bố Trạch,vụ đông-xuân này, toàn xã Vạn Trạch sản xuất 320ha lúa, 250ha gồm ngô, sắn, khoai và rau, đậu đỗ các loại. Hiện, bà con trên địa bàn xã đã tiến hành làm đất, xuống giống lúa với cơ cấu bộ giống chất lượng cao, đã chứng minh được hiệu quả qua thử nghiệm, như: HN6, Bắc Thịnh, T6… Xã cũng dự kiến chi 300 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của cấp trên để bù giá giống cho bà con đưa vào sản xuất”- ông Nguyễn Hải Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch cho hay.
 
Tính đến thời điểm đầu tháng 12-2020, một số địa phương trên địa bàn huyện đã triển khai xuống giống. Huyện đang chỉ đạo các ngành liên quan và động viên bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo giốngnhằm hoàn thành sớm hơn mọi năm, bảo đảm khung lúa trổ vào cuối tháng 4-2020. Từ đó, Bố Trạch phấn đấu năng suất lúa đạt 56,5 tạ/ha, ngô đạt 56,5 tạ/ha và lạc đạt 25 tạ/ha...
 
Hương Trà