"Đổi màu" bức tranh kinh tế

  • 07:46 | Chủ Nhật, 29/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhìn vào “bức tranh” kinh tế Quảng Bình năm 2020, chúng ta dễ dàng nhận ra những gam màu tối do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và sự tàn phá của thiên tai, bão lũ. Dẫu vậy, bằng sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội dự kiến vẫn đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Và để duy trì, tiến tới “đổi màu” bức tranh tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, các cấp chính quyền địa phương cần phải có những quyết sách cụ thể, bảo đảm tính dài hơi…
 
Nỗ lực tăng trưởng kinh tế
 
Ngay từ đầu năm 2020, cũng như cả nước, Quảng Bình đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Vì thế, trong “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế thì việc tập trung thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới là thông điệp lớn, xuyên suốt của Chính phủ, được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng các chính sách hợp lý. Nhờ vậy, trong nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai, “bức tranh” kinh tế-xã hội tỉnh vẫn có nhiều gam màu sáng, cho thấy sự khởi sắc trở lại trên nhiều lĩnh vực. 
Việc nối lại các đường bay thương mại sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc nối lại các đường bay thương mại sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện tại, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã sôi động trở lại. Thống kê cho thấy hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 10 tháng năm 2020 đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ván ép từ gỗ đạt 53.934 m3, tăng 395,3%; gạch xây dựng bằng đất nung đạt 258,5 triệu viên, tăng 15,5%; điện thương phẩm đạt 762 triệu kWh, tăng 10,1%; đá xây dựng đạt 2,8 triệu m3, tăng 5,2%; xi măng đạt 1,6 triệu tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước thực hiện 10 tháng đạt 31.920,4 tỷ đồng, tăng 2,2% so cùng kỳ.
 
Một số lĩnh vực quan trọng cũng chuyển biến tích cực nhờ sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương. Đơn cử kết quả đầu tư công-“át chủ bài” của tăng trưởng kinh tế, tính chung 10 tháng năm 2020, khối lượng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh do địa phương quản lý thực hiện 2.899,7 tỷ đồng, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số ấn tượng mà Quảng Bình đạt được trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai liên tục hoành hành.
 
Việc khởi công, xây dựng và hoàn thành các công trình trọng điểm đã và đang được xúc tiến, triển khai quyết liệt. Trong 10 tháng đã phê duyệt chủ trương đầu tư 79 dự án với tổng mức đầu tư 16.300 tỷ đồng.
 
Riêng trong quý III-2020, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 26 dự án với tổng mức đầu tư hơn 9.269 tỷ đồng. Trong đó, đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Trang trại điện gió BT1 và BT2 thuộc Cụm trang trại điện gió B&T của Công ty Cổ phần điện gió BT1 và BT2 với tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng về giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, khu công nghiệp, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục... được hoàn thành, đưa vào sử dụng cũng đã tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh cho nền kinh tế. 
Nhiều doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng doanh thu.
Nhiều doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng doanh thu.
Cùng với đó, sự nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng đã góp phần không nhỏ tạo động lực tăng trưởng kinh tế địa phương.
 
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Giám đốc Thường trực Công ty TNHH S&D Quảng Bình có trụ sở tại huyện Quảng Ninh cho biết: "Để bảo đảm duy trì và tăng doanh thu, đơn vị đã chủ động tìm kiếm thêm các bạn hàng từ Trung Quốc; đồng thời, phát triển thêm các sản phẩm hàng may mặc mới. Vượt mọi khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, hiện đơn vị đang duy trì 3 ca làm việc/ngày của hơn 1.000 lao động, phấn đấu từ nay đến cuối năm đạt doanh thu 600 nghìn USD/tháng".
 
Dù thiên tai, dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp vẫn duy trì, phát triển. Thống kê cho thấy trong 10 tháng năm 2020 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 544 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 8.442 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 10-2020, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 6.855 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 80.669 tỷ đồng.
 
Hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp
 
Ưu tiên số một hiện nay để tăng trưởng kinh tế là phải giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Con số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng gia tăng cho thấy “sức sống” và tính hấp dẫn của các loại hình sản xuất kinh doanh khi tạo ra lợi nhuận lớn. Hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả sẽ góp phần làm bức tranh tăng trưởng kinh tế năm 2020 của tỉnh có thêm những gam màu tươi sáng hơn.
 
Dẫu thiên tai, dịch bệnh, “bức tranh” kinh tế Quảng Bình vẫn có những khởi sắc. Điều này cho thấy hiệu quả các chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ khi ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; các nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân… 
Nông dân toàn tỉnh tích cực khôi phục sản xuất sau lũ.
Nông dân toàn tỉnh tích cực khôi phục sản xuất sau lũ.
Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử…
 
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, hệ thống các ngân hàng cũng đã tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, duy trì thanh khoản hệ thống, bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời vốn tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh.
 
Trong chuyến thăm, làm việc với các sở, ngành, địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần nhanh chóng tìm mọi giải pháp, cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân và tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn. Các cơ quan liên quan khẩn trương vào cuộc, nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nhằm khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, giảm chi phí thuê mặt bằng, quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Các địa phương, đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thống kê, đánh giá, xác nhận thiệt hại kịp thời để có cơ sở vận dụng các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cho biết, tỉnh sẽ sớm ban hành nghị quyết khắc phục hậu quả mưa lũ với các nội dung thiết thực nhằm đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn.
 
Nguyễn Hoàng