Chủ động nguồn hàng, bình ổn thị trường Tết Nguyên đán 2021

  • 07:47 | Chủ Nhật, 29/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, các doanh nghiệp phân phối, cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã chủ động lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ người dân. Để bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch nhằm bảo đảm các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân đón Tết đầy đủ, chu đáo, an toàn.
 
Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bão lũ kéo dài trên địa bàn tỉnh, tình hình sản xuất kinh doanh nói chung cũng như hoạt động bán lẻ nói riêng bị đình trệ, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhờ những biện pháp kích cầu thị trường linh hoạt nên tổng mức bán lẻ cả năm vẫn tăng, dù đây là mức tăng thấp nhất trong những năm qua, với dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 38.368 tỷ đồng, tăng 2,3% so năm 2019. 
Các mặt hàng cung ứng tại các siêu thị có chất lượng tốt, phong phú chủng loại.
Các mặt hàng cung ứng tại các siêu thị có chất lượng tốt, phong phú chủng loại.
Bà Lưu Thị Thúy Hằng, Phó Trưởng phòng quản lý Thương mại (Sở Công thương) cho biết, vào các tháng cuối năm, chuẩn bị cho dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng cao, khả năng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán sẽ cao hơn các tháng trong năm. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khôi phục lại khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bão lũ.
 
Siêu thị Co.opmart Quảng Bình là một trong những đơn vị có số lượng hàng hóa cung ứng lớn cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Mặc dù thời gian qua Siêu thị gặp ít nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bão lũ, tuy nhiên, với việc chủ động, kịp thời dự trữ hàng hóa cung ứng và bình ổn thị trường, siêu thị vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
 
Ông Dương Thảo, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Quảng Bình cho biết, trong đợt bão lũ vừa qua, siêu thị Co.opmart Quảng Bình vẫn mở cửa hoạt động bình thường để phục vụ khách hàng. Siêu thị đã đặt tăng chuyến đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống để đáp ứng nhu cầu của người dân, với giá cả ổn định như ngày thường. Ngoài ra, siêu thị còn có nhiều chương trình khuyến mãi một số nhóm hàng thiết yếu (thực phẩm, đồ dùng gia đình, may mặc…), giảm giá sâu để phục vụ cứu trợ và chia sẻ khó khăn với người dân bị thiệt hại do mưa lũ. 
Siêu thị Co.opmart Quảng Bình triển khai nhiều chương trình kích cầu mua sắm hấp dẫn dành cho khách hàng.
Siêu thị Co.opmart Quảng Bình triển khai nhiều chương trình kích cầu mua sắm hấp dẫn dành cho khách hàng.
Theo dự báo của Siêu thị Co.opmart Quảng Bình, nhu cầu mua sắm dịp Tết năm 2021 của người dân tăng khoảng 10%. Do đó, cũng như các năm, trước Tết 2 tháng, siêu thị đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng. Siêu thị luôn có các chương trình, như: khuyến mãi, giảm giá sốc, giảm giá sâu trong tuần… để kích cầu mua sắm, bình ổn giá.
 
Là đơn vị kinh doanh, cung ứng hàng hóa chủ lực ở thị xã Ba Đồn, siêu thị Thái Hậu (thuộc HTX TMDV Thống Nhất) cũng đã lên kế hoạch sẵn sàng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021.
 
Ông Hồ Văn Son, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX TMDV Thống Nhất cho biết, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, siêu thị Thái Hậu đã lên kế hoạch dự trữ khoảng 2.000 thùng bia, rượu các loại; 15 tấn bánh, kẹo; 5 tấn các loại hạt, mứt; 15 tấn đường, sữa, nước mắm… Các mặt hàng đều là hàng Việt Nam chất lượng cao, có giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú, đa dạng. Đặc biệt, đơn vị còn có các chương trình mua sản phẩm tặng quà, tích điểm… dành cho khách hàng mua sắm tại siêu thị.
 
Cùng với siêu thị Co.opmart Quảng Bình, siêu thị Thái Hậu, nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh, như: siêu thị Vinmart Quảng Bình, Siêu thị Diến Hồng, Trung tâm thương mại Tuấn Việt…, đã chủ động nguồn hàng phục vụ Tết với nhiều mặt hàng chất lượng, đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, để kích cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, hiện nay, các doanh nghiệp đã liên tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại, giảm giá cho khách hàng thông qua nhiều hình thức, như: mua hàng tặng quà, tổ chức bốc thăm trúng thưởng, giảm giá sản phẩm...
 
Theo kế hoạch, nhu cầu hàng hóa phục vụ trong tháng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 chủ yếu tập trung một số mặt hàng thiết yếu, như: gạo tẻ 26.880 tấn; gạo nếp 8.960 tấn; thịt lợn 2.016 tấn; thịt trâu, bò 672 tấn; thịt gia cầm 2.240 tấn... Nhu cầu về xăng dầu khoảng 700 tỷ đồng; nhiên liệu khác 45 tỷ đồng.
 
Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch số 1383/KH-SCT, ngày 19-11-2020 về bảo đảm các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân đón Tết Tân Sửu 2021 đầy đủ, chu đáo, an toàn, gắn công tác bình ổn thị trường Tết với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sở đã phối hợp với các cấp, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, Sở hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tổ chức các chương trình bán hàng Tết, hội chợ triển lãm thương mại, đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn nhằm kích cầu tiêu dùng, triển khai việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
 
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ban quản lý các chợ tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại chợ, các cửa hàng bách hóa tổng hợp, cửa hàng tự chọn dự trữ hàng hóa để bảo đảm cung ứng đầy đủ cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn đọng hàng sau Tết. 
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường các dịp cuối năm, giáp Tết.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường các dịp cuối năm, giáp Tết.
Cùng với đó, Sở Công thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh và các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, cao điểm vào những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng…, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Theo ông Phan Hoài Nam, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh cần chủ động rà soát, đánh giá nguồn cung hàng hóa, nhu cầu của người tiêu dùng ở từng thời điểm. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ bảo đảm được tiến độ sản xuất, dự trữ nhằm cung ứng đủ, kịp thời các nguồn hàng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Các doanh nghiệp cũng nên chủ động triển khai thực hiện các chuyến hàng về khu vực nông thôn, miền núi, cung ứng sớm, đầy đủ và có giá cả hợp lý các mặt hàng cho người dân…
 
Lê Mai