Lệ Thủy: Nâng tầm cây lúa vụ hè-thu

  • 07:37 | Chủ Nhật, 06/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hơn 10 năm nay, huyện Lệ Thủy đã duy trì sản xuất vụ đông-xuân (ĐX) và vụ lúa tái sinh, diện tích vụ hè-thu (HT) rất ít. Việc này đã gây ra sự “tranh cãi” lớn trong sản xuất nông nghiệp ở vùng quê lúa này. Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Bồ (HTX Xuân Bồ), xã Xuân Thủy (Lệ Thủy), cho hay: “Năm nay, HTX đưa vào mô hình bỏ tái sinh làm HT trên cánh đồng hơn 10ha”.
 
Lúa tái sinh… thắng thế!
 
Ông Vũ Văn Thế (xã Lộc Thủy, Lệ Thủy) cho chúng tôi hay, lúa tái sinh (hay còn được gọi là lúa chét) được biết đến vào đầu những năm 2000. Khi đó, bà con nông dân gặt xong vụ ĐX thì bảo quản gốc rạ, tiết nước đầy đủ và bón thêm đợt phân đạm là coi như xong. Từ khi gốc rạ đâm chồi, đẻ nhánh, trổ bông tới khi lúa chín trong thời gian khoảng 45 ngày. Bà con thu hoạch về, có hạt thóc chắc ăn trong nhà khỏi lo lắng. Gạo của vụ lúa tái sinh ăn ngon hơn, bán được giá hơn nên có sức hút lớn.
 
“Tính toán cụ thể thì làm lúa tái sinh khỏe công, lợi nhuận cho chủ ruộng cao hơn nhiều làm lúa HT. Chính vì vậy, bà con theo nhau thực hiện tái sinh và buông bỏ lúa HT”-ông Thế nhắc lại chuyện.
 
Huyện Lệ Thủy là địa phương đứng đầu của tỉnh về diện tích lúa tái sinh. Theo cách tính toán đơn giản như vậy, cứ qua hàng năm, diện tích vụ HT thu hẹp lại và diện tích tái sinh lại lấn hết sang. Năm nào cũng vậy, cứ vào triển khai vụ ĐX là cấp ủy, chính quyền địa phương từ cấp huyện đến xã, thôn triển khai luôn diện tích HT. Số liệu, diện tích vụ HT của các xã đã được huyện bổ xuống. Xã nào không đạt kế hoạch gieo cấy thì lãnh đạo xã đó bị kỷ luật như chơi.
 
Quyết liệt là thế, nhưng vụ HT vẫn cứ èo uột, diện tích cứ eo dần. Cũng đã có cán bộ để dân làm tái sinh quá lớn mà bị phê bình, kỷ luật. Cũng đã có lúc, huyện ra “nghị quyết” gia đình đảng viên không làm HT mà để tái sinh là kỷ luật. Đến lúc không thể ‘ép” nông dân thì Lệ Thủy chấp nhận cho tái sinh… thắng thế. 
Nông dân HTX Xuân Bồ hồ hởi thu hoạch vụ lúa hè-thu do được mùa được giá.
Nông dân HTX Xuân Bồ hồ hởi thu hoạch vụ lúa hè-thu do được mùa được giá.
Bây giờ, diện tích vụ ĐX của Lệ Thủy hàng năm vào khoảng 10.160 ha. Vụ HT có 9.600 ha, trong đó diện tích tái sinh chiếm đến 8.500 ha. Nhiều xã vùng giữa, như: Xuân Thủy, Liên Thủy, Lộc Thủy, An Thủy, Phong Thủy, thị trấn Kiến Giang…, gần như toàn bộ diện tích đều dành cho vụ tái sinh.
 
Những mô hình làm thay đổi tư duy
 
Vụ ĐX năm nay kết thúc, các xã Lộc Thủy, Xuân Thủy mạnh dạn đưa một số diện tích vào làm lúa HT. Tại xã Xuân Thủy, HTX Xuân Bồ triển khai vụ HT trên diện tích 10ha, HTX Hoàng Giang gần 3ha. “Ngày mai, chúng tôi sẽ cho hặt hết diện tích này. Năng suất được xác định là 50 tạ/ha”-ông Dũng cho hay.
 
Tại trụ sở của HTX Xuân Bồ đã có cuộc “hội thảo” nhỏ về hiệu quả của lúa tái sinh và lúa HT. Theo ông Vũ Thanh Hải, Giám đốc HTX An Xá (xã Lộc Thủy), nơi có diện tích lúa tái sinh lớn và thường đạt năng suất cao nhất huyện, năng suất lúa tái sinh đạt đến 30 tạ/ha. Người nông dân chi phí các khoản bao gồm phân bón (đạm, kali…), các khoản dịch vụ (thủy lợi, bảo vệ, gặt…), hết khoảng 8 tạ/ha (giá thóc được tính 6 triệu đồng/tấn), thành tiền 4,8 triệu đồng. Phần lãi được tính 22 tạ/ha, thành tiền 13,2 triệu đồng/ha.
 
Với vụ HT, ông Dũng cũng cho con số chi phí cụ thể về giống, vật tư phân bón, các khoản dịch vụ… hết khoảng 25 tạ/ha, thành tiền khoảng 15 triệu đồng/ha. “Phần lãi cho nông dân được tính 25 tạ/ha, thành tiền khoảng 15 triệu đồng/ha”-ông Dũng nói như báo cáo.
 
Mọi người có mặt tham gia cuộc “hội thảo” đều nhất trí cho rằng, đưa ra mức năng suất như trên là có sơ sở cao-thấp cơ bản. “Bởi lẽ, bên lúa tái sinh là chúng tôi đã tính đến năng suất cao nhất. Nếu tính bình quân cho lúa tái sinh của huyện Lệ Thủy thì cũng chỉ đạt khoảng 22-25 tạ/ha mà thôi. Riêng lúa HT thì trung bình của huyện qua hàng năm thấp nhất cũng được 50 tạ/ha. Nếu năng suất lúa HT cao hơn thì mức lãi của nông dân cũng được nâng lên nhiều nữa”-ông Dũng khẳng định.
 
Mọi người cũng thống nhất rằng, khi thu hoạch vụ ĐX, nếu làm vụ HT thì sẽ sử dụng máy cơ giới để gặt, chi phí công chỉ 2,6 triệu đồng/ha. Nhưng muốn để lúa tái sinh phải gặt bằng thủ công (gặt liềm, để tránh cho gốc lúa bị dập, gãy…), thì chi phí tăng lên đến 6 triệu đồng/ha.
Sau khi thu hoạch toàn bộ diện tích 10ha lúa HT tại Xuân Bồ, nông dân Lê Văn Duẫn cho hay lúa bán rất được giá. “Thương lái mua tại ruộng với giá 8 triệu đồng/tấn nên anh em có con số lãi tăng lên gấp đôi. Vụ tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích HT thêm vài chục ha nữa!”-ông Duẫn hồ hởi cho biết.

Trên cánh đồng Xuân Bồ, lúa chín vàng như rắc nắng. Nông dân Lê Văn Duẫn (một trong những nông dân chủ ruộng) cho hay sử dụng giống lúa cực ngắn PC6 của Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình, lúa chống chịu được sâu bệnh, thời tiết hạn hán.

“Giống PC6 này có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ 80-83 ngày. Thực tế trên cánh đồng, từ khi chúng tôi gieo và đến hôm nay nữa là 82 ngày. Với thời gian như vậy là tránh được mưa lũ sớm và tránh được chuột phá. Năng suất ở những thửa ruộng tốt có thể lên đến 55 tạ/ha”-ông Duẫn chia sẻ.

Cùng xem mô hình lúa HT ở Xuân Bồ, ông Vũ Thanh Hải chia sẻ, xã Lộc Thủy cũng thực hiện mô hình 9ha sản xuất bằng giống lúa cực ngắn PC6 do Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình hỗ trợ và rất thành công.
 
Ông Hải cho hay: “Chúng tôi đã có bản thuyết trình cụ thể và báo cáo với Đảng ủy xã về kế hoạch mở rộng mô hình và được ủng hộ cao. Việc bây giờ là họp dân để triển khai khoảng 80ha trong vụ HT năm 2021”.
 
Để tăng thu nhập
 
Một thực tế cho thấy, sử dụng vụ lúa tái sinh sẽ làm thiệt hại tổng thu nhập xã hội cho huyện Lệ Thủy với số tiền không hề nhỏ. Chỉ tính mỗi ha lúa HT làm tăng thêm (ít nhất) là 2,5 tấn lúa (nếu với giá lúa 6 triệu đồng/tấn) thì tương đương 15 triệu đồng/ha. Trường hợp Lệ Thủy tăng diện tích HT lên 1.000ha (từ diện tích tái sinh), đồng nghĩa với việc tăng thêm được 15 tỷ đồng.
 
Mặt khác, nếu làm lúa HT thì chi phí cho mỗi ha tăng lên khoảng 10 triệu đồng so với lúa tái sinh. Như vậy, sản xuất 1.000 ha có thêm đầu tư chi phí 10 tỷ đồng. Ông Trần Văn Dũng lý giải: “Thực ra, 10 tỷ đồng này không mất đi mà trở thành nguồn thu của người dân mà thôi. Chẳng hạn đó là công của dịch vụ làm đất, vật tư phân bón, giống… Ví dụ là anh có máy cày thì được nhận làm đất mỗi vụ lúa HT cũng có được thu nhập 5 triệu đồng. Nhưng nếu không làm HT thì làm sao có số tiền này”. Cũng theo cách lý giải của ông Dũng, cộng cả hai khoản trên lại với nhau thì cứ không làm 1.000ha lúa HT mà cứ để tái sinh là Lệ Thủy “mất”… 25 tỷ đồng!
 
Mang tâm sự này trao đổi với các lãnh đạo huyện Lệ Thủy,  ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cũng nhìn nhận đó là những con số khá thuyết phục vì có cơ sở về thực tiễn. “Vì vậy, chúng tôi đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp-PTNT huyện nắm chắc các mô hình đã thực hiện lúa HT trên địa bàn để có cơ sở khoa học mở rộng tại các địa phương trong vụ HT sau”-ông Sơn nói.
 
Đinh hướng của huyện Lệ Thủy cho vụ HT những năm tới là giảm diện tích lúa tái sinh và tăng diện tích HT. Huyện sẽ chú trọng làm các mô hình sản xuất HT ở các xã vùng giữa để từ đó nhân rộng ra.
 
“Vấn đề là phòng Nông nghiệp-PTNT huyện cần tăng cường chỉ đạo sát các mô hình lúa HT để mọi người dân được thấy và so sánh hiệu quả. Qua đó, việc mở rộng diện tích lúa HT sẽ thuận lợi hơn. Mỗi năm, Lệ Thủy có thể tăng diện tích HT lên khoảng 1.000ha”, ông Lê Văn Sơn nhìn nhận.
Hạnh Châu