Hướng đi mới trong phát triển kinh tế vùng gò đồi Vạn Ninh

  • 12:00 | Thứ Năm, 03/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với tiềm năng sẵn có về đất đai, thời gian qua, người dân xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế mới hiệu quả phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
 
Chuyển đổi cây trồng theo hướng bền vững
 
Hiện nay, trên địa bàn xã Vạn Ninh, nhiều loại giống mới đã được đưa vào trồng thử nghiệm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, như: thanh long ruột đỏ, măng tây, các loại cây ăn quả… Kết quả đạt được không những góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, mà còn làm thay đổi tư duy của người nông dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.
 
Điển hình có mô hình cây thanh long ruột đỏ được triển khai thử nghiệm từ năm 2013 tại 3 hộ gia đình: anh Trần Văn Nhân ở thôn Đại Phúc; anh Bùi Tiến Cảm ở thôn Áng Sơn và chị Bùi Thị Hoa ở thôn Đồn. Hiện mô hình đã được nhân rộng ra toàn xã Vạn Ninh với diện tích hơn 12ha.
 
Đây là loài cây dễ trồng và dễ chăm sóc, bà con chỉ cần đầu tư giống ban đầu, sau đó, có thể cắt cành bố mẹ giâm làm giống, cây trồng cho trái đẹp, chất lượng, sai quả, năng suất cao hơn thanh long ruột trắng và có khả năng ra quả trái vụ.
 
Hiện ở Vạn Ninh, thanh long ruột đỏ được khách hàng ưa chuộng, thương lái tìm về tận các vườn để thu mua, đầu ra tương đối ổn định. Đây là cây trồng có nhiều tiềm năng, không chỉ cho năng suất, chất lượng mà hiệu quả kinh tế cao, do đó, chính quyền địa phương khuyến khích bà con tiếp tục nhân rộng nhằm thoát nghèo và tăng thu nhập. 
Cây măng tây đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây nông nghiệp khác ở xã Vạn Ninh
Cây măng tây đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây nông nghiệp khác ở xã Vạn Ninh
Bên cạnh đó, mô hình trồng cây măng tây xanh cũng đang được địa phương khuyến khích nhân rộng bởi hiệu quả kinh tế mang lại. Đây là mô hình mới được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thử nghiệm với diện tích 0,3 ha nhưng bước đầu mang lại thành công. Theo đánh giá của các hộ thực hiện mô hình, cây măng tây đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Đây là cây trồng cho thu hoạch lâu năm, ổn định từ năm thứ 2 đến năm thứ 8.
 
Ông Phan Văn Triều, một hộ trồng măng tây cho biết: "Tôi chưa thấy loại nông sản nào đem lại thu hoạch cao như măng tây. Cứ chăm chỉ nhổ cỏ, bón phân, còn tưới nước thì có hệ thống tưới phun sương, như vậy, măng tây sẽ phát triển rất tốt. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, người nông dân có thể thu về 20 triệu đồng/sào từ năm thứ 2. Thấy vườn măng tây nhà tôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân đã đến học hỏi để thực hiện. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm đất để trồng măng tây".
 
Không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn đem lại tín hiệu tích cực trong xây dựng nông thôn mới và các chương trình khác ở địa phương. Ngoài thanh long ruột đỏ, măng tây, nhiều loại cây trồng mới trên vùng gò đồi, như: sâm Bố Chính, nén, nghệ, các cây ăn quả (mít thái, cam mật, na dai, ổi…) cũng được nhiều hộ dân trên địa bàn chuyển đổi. Rõ ràng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Vạn Ninh đang ngày càng khẳng định hướng đi đúng và phát huy hiệu quả.
 
Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại
 
Xã Vạn Ninh hiện có 12 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 194 gia trại chăn nuôi lợn, gia cầm. Con số này tuy không nhiều nhưng cho thấy, những năm gần đây, từ các chính sách hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước và những lợi thế về đất đai, địa hình, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình theo hướng kinh tế trang trại. Những hiệu quả tích cực từ mô hình kinh tế trang trại đã góp phần vào việc nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân cũng như thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.
 
Nhiều gia đình trước đây sản xuất nông nghiệp thuần túy, nay đã triển khai các mô hình trang trại, gia trại đem lại nguồn thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình có hộ gia đình ông Trần Văn Hồng, ở thôn Đồn. Nhận thấy địa phương có sẵn lợi thế đất rộng, thuận lợi để phát triển trang trại chăn nuôi, năm 2007, ông Hồng mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi gà. Hiện tại, trang trại của ông có 10.000 con gà đẻ trứng. Với 4 lò ấp, 2 lò nở, mỗi năm, ông xuất bán từ 32-40 vạn con gà giống/năm, thu lãi trên 500 triệu đồng/năm.
 
Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại của ông Hồng còn góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng, đặc biệt, gia đình đã đầu tư các dãy nhà lạnh để chăn nuôi theo hướng công nghệ cao.
 
Theo ông Hồng, mô hình nhà lạnh tuy đầu tư chi phí khá lớn nhưng lại rất bền vững, có thể yên tâm sản xuất lâu dài. Khi nuôi trong chuồng lạnh khép kín, gà lớn nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ đẻ trứng cao, trứng to hơn so với nuôi trong chuồng hở. Đặc biệt là tiết kiệm được chi phí thuốc men và nhân công do hệ thống cho ăn, uống nước đều tự động. Chất lượng gà giống luôn đáp ứng được nhu cầu thị trường, nhờ đó, thu được hiệu quả cao.
Chăn nuôi theo hướng mô hình trang trại đang được nhiều hộ gia đình ở xã Vạn Ninh quan tâm đầu tư.
Chăn nuôi theo hướng mô hình trang trại đang được nhiều hộ gia đình ở xã Vạn Ninh quan tâm đầu tư.
Một mô hình kinh tế trang trại tổng hợp điển hình khác là của gia đình ông Võ Bình Minh, thôn Phúc Sơn. Từ một hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, những năm gần đây, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo hướng trang trại tổng hợp đem lại hiệu quả và hạn chế được rủi ro. Hiện nay, gia đình ông nuôi gần 1.000 con gà chọi và gần 100 con lợn thịt và lợn nái. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông cũng thu lãi về từ 300 đến 400 triệu đồng.
 
Ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết, trước đây, nông nghiệp của xã chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu vào cây lúa, ngô (đối với đất nông nghiệp), cây keo, tràm, sắn (đối với đất gò đồi) nên cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Từ khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Điều này được thể hiện ở thu nhập bình quân năm 2019 của xã đạt 34 triệu đồng/người/năm và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,4%.
 
Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích người dân lựa chọn giống cây trồng có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, phù hợp với từng loại đất để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Mặt khác, xã tăng cường vận động nhân dân mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Với vùng đất gò đồi cằn cỗi trồng sắn, trồng tràm, nay vùng gò đồi Vạn Ninh đã xuất hiện những mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi lớn... mang lại sự đổi thay, tươi mới cho vùng quê bán sơn địa này.
 
Thanh Hoa