Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh

  • 07:41 | Thứ Hai, 07/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp-PTNT) đã làm tốt công tác chuyên môn trong việc phát triển đàn vật nuôi, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm… Nhờ đó, đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển về quy mô, số lượng, chất lượng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
 
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 102.646 con bò; 33.018 con trâu; 225.189 con lợn; 4.097.771 con gia cầm và nhiều vật nuôi khác (thỏ, dê, ong, đà điểu…) cũng đang được nuôi với số lượng lớn.
 
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh đã có bước phát triển mạnh, ổn định; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn được phát hiện, xử lý khống chế kịp thời. Để đạt được những kết quả đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã làm tốt công tác tham mưu đề xuất các chính sách phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Ông Lê Hồng Kỳ, Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, nhằm cải tạo, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, Chi cục đã tích cực nghiên cứu, triển khai ứng dụng, đưa vào sản xuất các giống mới năng suất, chất lượng.
 
Cụ thể, đối với đàn bò, Chi cục đã chỉ đạo các địa phương đưa vào sản xuất các giống có năng suất thịt cao, như: Brahman trắng, Droughtmaster, BBB (Blanc Blue Belgium); công tác thụ tinh nhân tạo bò được xã hội hóa và duy trì. Đàn lợn được nâng cao về năng suất, chất lượng với nhiều giống mới được đưa vào sản xuất đại trà, như: Yorkshire, Landrace, Duroc, Piétrain... Đàn gia cầm tiếp tục phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng, nhiều giống gà thả vườn chất lượng cao tiếp tục được nuôi phổ biến, như: Lượng Huệ, Ri vàng rơm, J-Dabaco, Minh Dư... 
 Tiêm phòng là khâu quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Tiêm phòng là khâu quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, các vật nuôi đặc sản, giá trị cao, như: lợn rừng, lợn bản, hươu lấy nhung, dê, thỏ, chim trĩ thương phẩm…, cũng được chú trọng phát triển với quy mô trang trại, gia trạ, góp phần đa dạng hóa cơ cấu và nâng cao giá trị ngành chăn nuôi.
 
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi. Nhờ đó, đến nay, giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản được quản lý chặt chẽ về nguồn gốc, lý lịch và chất lượng. Đồng thời, thông qua quá trình phối hợp công tác, Chi cục cũng nắm bắt được thuận lợi, khó khăn và thế mạnh của các địa phương để có kế hoạch, định hướng và giải pháp chăn nuôi phù hợp trong thời gian tới.
 
Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững, Chi cục luôn đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh lên hàng đầu. Hàng năm, Chi cục chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ và bổ sung cho đàn vật nuôi, đặc biệt các bệnh nguy hiểm (cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, bệnh tai xanh ở lợn…); tổ chức các đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, trong đó, tập trung vào các vùng có nguy cơ cao, như: ổ dịch cũ, trại chăn nuôi, các cơ sở kinh doanh buôn bán, giết mổ…
 
Chi cục đã triển khai có hiệu quả, thường xuyên công tác kiểm tra hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, các chốt kiểm dịch liên ngành, góp phần bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm…
 
Nhằm nâng cao chất lượng đàn vật nuôi gắn với phòng, chống dịch bệnh, Chi cục đã chú trọng việc ứng dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất; hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh gắn với chăn nuôi an toàn sinh học.
 
Ông Lê Hồng Kỳ cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 194 trang trại chăn nuôi và hơn 20 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó, có 55 cơ sở an toàn dịch bệnh, 12 cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP và hơn 100 trang trại đã áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; một số trang trại đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến.
 
Điển hình, có 3 cơ sở chăn nuôi bò thịt vỗ béo áp dụng công nghệ cao, quy mô lớn là: Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình (huyện Bố Trạch), với công suất dưới 10.000 con, thường xuyên duy trì 5.000-7.000 con; Công ty TNHH Lê Dũng Linh (huyện Quảng Trạch) có công suất 5.000 con, thường xuyên duy trì 2.000 con; Công ty TNHH Đoàn Kết Phú Quý (huyện Quảng Trạch) công suất 950 con, thường xuyên duy trì 450 con. Có 8 trang trại liên doanh với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam tập trung ở huyện Bố Trạch, quy mô 1.000 đến 2.000 lợn thịt, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến khép kín; nhiều trang trại có quy mô 100 đến 200 lợn thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (thứ 5 từ bên trái sang) vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (thứ 5 từ bên trái sang) vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT.
Với những nỗ lực trong công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, vừa qua, Chi cục đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác thú y, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn.
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, để chủ động trong công tác phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh, thời gian tới, Chi cục tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh gắn với chăn nuôi an toàn sinh học; liên kết chuỗi.
 
Bên cạnh đó, Chi cục làm tốt công tác tham mưu bổ sung các chính sách về phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai nghiêm túc, thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi trong phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm...
 
Lê Mai