Chuyện quản lý:

Tập huấn đúng nghĩa?

  • 15:16 | Thứ Ba, 15/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Một chủ doanh nghiệp trẻ vừa trở về từ khóa tập huấn khởi nghiệp của một tổ chức phi chính phủ đến từ nước ngoài chia sẻ, đây là khóa tập huấn hiệu quả và ấn tượng nhất từ trước đến giờ.
 
Chị cho biết, kể từ khi khởi nghiệp, với tinh thần học hỏi, chia sẻ kiến thức, kỹ năng, tìm kiếm đối tác tiềm năng, chị đã tham gia hàng chục lớp tập huấn từ cấp tỉnh, huyện cho đến đoàn thể, CLB…, nhưng quả thực, chất lượng thì còn ở mức thấp.
 
Chưa bàn đến nội dung, phương pháp, cách thức truyền thụ kiến thức của các lớp tập huấn này, trên thực tế, chỉ cần kết thúc là "ai về nhà nấy", tính kết nối giữa học viên, giảng viên, nhà tổ chức hầu như không có. Vì vậy, sau mỗi khóa tập huấn, những gì học viên thu nhận về là khá ít ỏi.
 
Còn với khóa tập huấn mới này, để được tham gia, chị phải thực hiện một bản giới thiệu về doanh nghiệp của mình, trình bày nhu cầu học hỏi một cách chi tiết, đầy đủ; tiếp đó, đơn vị tổ chức về tận cơ sở để xác thực tìm hiểu, đánh giá mức độ cấp thiết tham gia tập huấn, rồi qua vòng đánh giá, sơ loại, cuối cùng chỉ một số ít doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu và được chọn lựa. Căn cứ thực tiễn của doanh nghiệp, đơn vị tổ chức cũng tư vấn các nội dung cần thiết để chị tham gia tập huấn. Chẳng hạn, chị mong muốn được tập huấn về quản trị quốc tế, đơn vị tổ chức gợi ý nên lựa chọn nhóm "module" về marketing, truyền thông số bởi quy mô doanh nghiệp khởi nghiệp của chị còn nhỏ, chưa cần thiết nội dung này.
 
Không chỉ được truyền thụ kiến thức, kỹ năng theo phương pháp mới mẻ, tính thực tiễn cao bởi những chuyên gia hàng đầu, sau khóa tập huấn, chị tiếp tục giữ liên kết với đơn vị tổ chức để cho biết kết quả đạt được sau khóa tập huấn, những mong muốn học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm khác. Đặc biệt, xuyên suốt khóa học, mọi thắc mắc của chị về chính doanh nghiệp của mình đều được giải đáp, tháo gỡ nhiệt tình. Các học viên tham gia khóa tập huấn thường xuyên giữ liên lạc, hỗ trợ tích cực cho nhau trong công việc.
 
Từ khóa tập huấn này, chị và doanh nghiệp của mình có nhiều định hướng chuyển đổi trong lập trình kế hoạch trong thời gian tới, đồng thời, nhận thức rõ hơn con đường mà mình tin tưởng dấn thân.
 
2. Một chủ cơ sở sản xuất nông sản tại huyện nọ chia sẻ, vừa qua, một lớp tập huấn sản xuất sạch cho các hộ gia đình trên địa bàn ngay tại cơ sở của chị đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Đây là lớp tập huấn do phòng Nông nghiệp-PTNT huyện tổ chức, tiền đề cho việc xây dựng chuỗi sản xuất liên kết nông sản sạch tại địa phương, hướng tới hình thành sản phẩm cho chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).
 
Việc lựa chọn địa điểm tập huấn ngay tại cơ sở sản xuất đã giúp cho các nông dân vốn chân lấm tay bùn, trình độ văn hóa hạn chế có thể hiểu rõ từng thuật ngữ chuyên môn, các khâu sản xuất sạch. Đặc biệt, họ còn tự tay tham gia quy trình sản xuất nông sản sạch từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế cho đến sản xuất, đóng gói, cũng như học hỏi các kinh nghiệm, kỹ năng trực tiếp từ giảng viên, đồng nghiệp, chủ cơ sở.
 
Thực tế cho thấy, hiện nay, các lớp tập huấn, khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên môn được tổ chức thường xuyên ở mọi ngành nghề, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu nâng cao, cập nhật, kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, tay nghề của học viên.
 
Tuy nhiên, hiệu quả của các lớp tập huấn, khóa đào tạo này lại chưa được bàn đến nhiều hoặc chủ yếu chỉ mang tính định tính, chung chung. Việc áp dụng kiến thức đã được tập huấn, bồi dưỡng vào thực tiễn chưa được chú trọng, tổng kết và nhất là tính kết nối giữa học viên, giảng viên, nhà tổ chức hầu như chưa có.
 
Trong thời đại công nghệ 4.0 và nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19, chắc chắn, hình thức tập huấn, bồi dưỡng truyền thống sẽ phải có những thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức, phương pháp để phù hợp hơn với thực tiễn, để học viên thật sự là trung tâm và chất lượng phải đặt lên hàng đầu.
                                                                                               
Quảng Hạ