Chuyên gia: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt từ 2-3%

  • 14:08 | Thứ Năm, 17/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 có thể đạt từ 2-3%.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), giữa bối cảnh đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức 1,8% trong năm 2020 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021. Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực.
 
Đánh giá về nhận định tăng trưởng kinh tế của ADB, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2020 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ về ước tính tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt từ 2-3%.
 
Ước tính này được tính toán dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh của tháng Tám và 8 tháng năm 2020 trong bối cảnh Chính phủ và các địa phương kiểm soát thành công sự lây lan của dịch COVID-19. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo sự tin cậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.
 
Cùng với đó, Chính phủ nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh quý 4-2020 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam sẽ còn được hưởng lợi từ thực thi các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt thực hiện hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu là động lực và là cú hích cho tăng trưởng của khu vực nông nghiệp thuỷ sản và công nghiệp.
 
"Chính phủ và các địa phương cũng đã dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội, khôi phục lại đường bay trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Chính phủ đang khẩn trương thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tổng cầu trong nước," ông Nguyễn Bích Lâm nói.
 
Dự báo của ADB về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt 1,8% cũng dựa trên nhận định về các điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, việc kiểm soát dịch COVID-19 rất thành công, được quốc tế khâm phục, là yếu tố tránh cho nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề và suy thoái sâu như các nước trong khu vực và trên thế giới.
 
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho rằng điểm khác của nền kinh tế Việt Nam so với các nước là sự chuyển đổi lao động từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức trong giai đoạn khó khăn, giúp cho kinh tế Việt Nam không tăng trưởng cao chứ không bị tăng trưởng âm như nhiều nước khác. Mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 có thể đạt từ 2-3%.
 
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho biết phục hồi kinh tế Trung Quốc cũng là yếu tố để ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 1,8% trong năm 2020 vì mối quan hệ tương quan giữa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với nền kinh tế Việt Nam.
 
Kinh tế Trung Quốc đã tăng 3,2% trong quý 2, vượt mức dự báo 2,5% trước đó. Trung Quốc là thị trường xuất ngập khẩu tư liệu sản xuất và hàng hoá rất lớn của Việt Nam, do vậy, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng dương là động lực cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng.
 
Với nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và cộng đồng thế giới đang khẩn trương sản xuất vắcxin phòng chống COVID-19, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của ADB là hoàn toàn phù hợp với thực trạng kinh tế Việt Nam và phù hợp với ước tính của Tổng cục Thống kê.
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng Tám, Việt Nam tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát. CPI tháng 8 tăng 0,07% so với tháng trước, giảm 0,12% so với tháng 12/2019 - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
 
Các bộ, ngành địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; giải ngân tháng 8 tăng 45,4%; 8 tháng năm 2020 tăng 30,4%, cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển ổn định, dự kiến tăng trưởng năm 2020 từ khoảng 2,6-2,7%.
 
Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ USD, tăng 0,03%; trong đó xuất khẩu đạt trên 174 tỷ USD tăng 1,6%; xuất siêu trên 11,9 tỷ USD./.
 
Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)