Chuỗi liên kết trong sản xuất nông sản ở Bố Trạch: Hướng đi tất yếu

  • 07:08 | Thứ Bảy, 26/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, việc hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông sản ở Bố Trạch đã phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, đem lại lợi ích rất lớn cho người dân nói riêng và sự phát triển kinh tế của huyện nói chung. Đây là một hướng đi tất yếu, tuy nhiên, để tiếp tục phát triển và nâng cao các chuỗi liên kết trên chặng đường mới vẫn còn nhiều trở ngại mà Bố Trạch cần phải kịp thời tháo gỡ, giải quyết.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cẩm Long, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, cho biết, sau hơn 2 năm triển khai xây dựng, đến nay, huyện Bố Trạch đang hoàn thành thủ tục thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gồm: ngô làm thức ăn gia súc (ngô lấy thân); trồng và chế biến tinh dầu lạc; sản xuất chế biến tiêu thụ cà gai leo; sản xuất, kinh doanh tinh dầu sả; chăn nuôi, tiêu thụ dê núi Xuân Trạch; sản xuất kinh doanh và chế biến miến gạo; trồng và tiêu thụ măng tây. Tổng vốn thực hiện các dự án trên 15,3 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 4 tỷ đồng. Các hạng mục được hỗ trợ, như: tập huấn kỹ thuật; chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật; giống, vật tư, bao bì sản phẩm...
 
Các chuỗi liên kết sản xuất được thực hiện ở các địa phương: Cự Nẫm, Vạn Trạch, Hòa Trạch, Tây Trạch, Nam Trạch, Xuân Trạch, Hưng Trạch, Phúc Trạch, Mỹ Trạch, Hạ Trạch, Sơn Lộc... Thực tế chứng minh, hiệu quả từ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi đem lại rất lớn, nâng cao thu nhập cho người dân, làm thay đổi cuộc sống và diện mạo các làng quê ở Bố Trạch.
Sản phẩm trà túi lọc cà gai leo ở xã Sơn Lộc được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Sản phẩm trà túi lọc cà gai leo ở xã Sơn Lộc được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Một trong những chuỗi sản xuất có hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở thôn Đồng Sơn, xã Sơn Lộc là mô hình trồng dược liệu của Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình. Sản phẩm trà túi lọc cà gai leo của Công ty được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP, đạt tiêu chuẩn 3 sao.
 
Ông Phan Văn Tiến, đại diện Công ty cho hay: “Công ty hiện đã gieo trồng 9ha sâm Bố Chính, 1ha cà gai leo. Các cây dược liệu này sinh trưởng tốt trên vùng đất đồi khô cằn, một số diện tích trồng sâm Bố Chính và cà gai leo đã cho thu hoạch dần, năng suất, sản lượng rất khả quan. Từ các mô hình trên, Công ty có doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng/năm; tạo được việc làm thường xuyên cho 15 lao động và 30 lao động thời vụ, mức lương trung bình 5-6 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm trà túi lọc cà gai leo của Công ty được thị trường ưa chuộng, người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao về hiệu quả trong việc phòng, chống một số bệnh tật”.
 
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có một số chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả được hỗ trợ từ các nguồn vốn khác hoặc một số cá nhân đầu tư xây dựng với các sản phẩm nông sản được thị trường đón nhận, như: Nấm sạch Tuấn Linh, nấm tươi ở Sơn Lộc, Mỹ Trạch; dầu lạc Phong Nha; các mặt hàng hải sản (nước mắm, cá, mực Đức Trạch)...
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, trong quá trình phát triển hình thành mới và nâng cao các chuỗi liên kết sản xuất, Bố Trạch cũng gặp không ít những trở ngại. Đó là các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ. Sự liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã, thương lái còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên.
 
Một số chuỗi nằm trong danh mục dự án đã được phê duyệt chưa tìm được doanh nghiệp đứng ra thực hiện liên kết. Hoạt động hỗ trợ phải được xây dựng thành dự án, được cấp có thẩm quyền phê duyệt-đây là quy định mới, vì vậy các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân còn nhiều bỡ ngỡ trong việc tiếp cận thực hiện các thủ tục xây dựng dự án.
 
“Thêm vào đó, mặc dù có nguồn vốn hỗ trợ nhưng việc hoàn thiện các thủ tục lựa chọn đơn vị chủ trì dự án theo các quy định do tỉnh ban hành còn nhiều công đoạn rườm rà dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện. Điều này không chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân gặp phải rắc rối mà chính những người làm công tác hướng dẫn cũng đang đối mặt với những khó khăn trong giải quyết vấn đề”, ông Nguyễn Cẩm Long trao đổi thêm.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, mặc dù việc phát triển và nâng cao chuỗi liên kết sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng Bố Trạch đã đề ra các phương án quyết tâm tháo gỡ dần. Trong điều kiện cho phép, thời gian tới, huyện sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện liên kết với nông dân tạo vùng nguyên liệu sản phẩm an toàn và thiết lập các cửa hàng tiện ích và siêu thị mini cung cấp sản phẩm an toàn cho người dân.
Chuỗi liên kết sản xuất ngô làm thức ăn gia súc đang được đầu tư mở rộng trên địa bàn huyện Bố Trạch.
Chuỗi liên kết sản xuất ngô làm thức ăn gia súc đang được đầu tư mở rộng trên địa bàn huyện Bố Trạch.
Bố Trạch cũng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là nơi tham quan học tập cho các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân trong và ngoài huyện đến học tập trao đổi kinh nghiệm và cung cấp giống cây trồng, vật tư kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao. Đồng thời, huyện tạo điều kiện liên kết chặt chẽ với các địa phương, các nhóm hộ để hỗ trợ cho người sản xuất về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn giống mới, kỹ thuật mới cho nông dân tham quan học tập; có cơ chế bán giống thanh toán trả chậm hỗ trợ cho người dân nhằm thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất. Cùng với đó là liên kết với người sản xuất theo hình thức tạo vùng nguyên liệu; phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học và người sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, sau đó bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân.
 
Ngoài ra, huyện cũng sẽ có cơ chế khuyến khích xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch; tổ chức liên kết với người sản xuất theo hình thức hỗ trợ vùng nguyên liệu, như: khi giá thị trường xuống thấp sẽ cho người sản xuất ứng trước kinh phí; xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho người dân và áp dụng hình thức chia sẻ lợi nhuận và rủi ro, có cơ chế giá đối với người sản xuất theo biến động của thị trường...
 
“Để đạt được mục đích trong thực hiện chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn huyện, Bố Trạch vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhưng nếu người dân đồng thuận, dù phải mất nhiều thời gian và công sức, huyện cũng sẽ đồng hành cùng bà con tháo gỡ khó khăn để phát triển”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm.
                                                                                        Hương Trà