Các địa phương và doanh nghiệp làm gì để kích cầu du lịch trở lại?

  • 07:06 | Thứ Bảy, 26/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Ở chương trình kích cầu lần 2, doanh nghiệp không chỉ cung cấp dịch vụ và giá tốt, quan trọng hơn là đảm bảo an toàn điểm đến. Đặc biệt, các địa phương liên kết để tạo ra chuỗi sản phẩm mới, bản sắc.
Du khách quốc tế đến Việt Nam trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu. (Ảnh minh họa: Huy Hoàng/Vietnam+)
Du khách quốc tế đến Việt Nam trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu. (Ảnh minh họa: Huy Hoàng/Vietnam+)
Trước tình hình dịch COVID-19 trong nước đã được kiểm soát và nhu cầu du lịch thực tế của người dân, chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2 do Tổng cục Du lịch tổ chức đã chính thức được khởi động trên toàn quốc.
 
Khác với thông điệp "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" của đợt kích cầu nội địa lần một, lần hai, ngành du lịch phát đi thông điệp cụ thể hơn: "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn" phù hợp với việc phòng, chống dịch trong bối cảnh mới.
 
Các địa phương đồng loạt kích cầu…
 
Trong khuôn khổ hội nghị "Kích cầu du lịch nội địa-Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn" vừa diễn ra chiều qua (24-9) tại Hà Nội, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh: "Đợt kích cầu lần hai này chúng ta đã có kinh nghiệm từ thành công, chưa thành công từ đợt trước. Bên cạnh an toàn, cần có yếu tố hấp dẫn. Các địa phương phát huy chủ động, sáng tạo cùng nhau xây dựng gói kích cầu, chương trình du lịch hấp dẫn, và để hấp dẫn cần có gói sản phẩm mới."
 
Trên tinh thần đó, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã mở các website đăng tải các gói kích cầu và liên kết địa phương. Sở đang trong thời gian xây dựng website thương mại phục vụ du lịch.
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: CTV)
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: CTV)
"Chúng tôi tiếp cận kích cầu theo hướng mức giá và nhu cầu của người dân. Hiện nay, khảo sát cho thấy du khách thích đi theo nhóm nhỏ. Vì vậy, chúng tôi xây dựng gói sản phẩm cá nhân hóa: nhóm nhỏ, doanh nhân...," bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.
 
Đồng qua điểm với bà Ngọc Thúy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Thủy cho biết dự kiến cuối tháng Mười địa phương này sẽ kết nối ngành du lịch của Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và 9 tỉnh phía Bắc. Chương trình liên kết này được kỳ vọng mang đến các sản phẩm mới cho phát triển du lịch các vùng miền thời gian tới.
 
Đặc biệt, hiện nay các địa phương cũng đang đẩy mạnh hình thức “du lịch xanh,” giúp du khách có thêm những trải nghiệm gần gũi thiên nhiên, thân thiện môi trường. Theo đó, tới đây, Đà Nẵng sẽ phát động cuộc thi "Nhớ Đà Nẵng" với mong muốn khách du lịch tới thành phố biển này trước khi có dịch hay trong thời gian bị mắc kẹt, chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ của mình.
 
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng đang tập trung tạo sản phẩm mới, chiến dịch phát triển sản phẩm về dài hạn.
 
"Với thị trường nội địa, chúng tôi tập trung cho dòng sản phẩm: du lịch thể thao, đính hôn, chương trình liên quan đến sinh thái, hướng về tự nhiên... với đối tượng là nhóm gia đình nhỏ,” ông Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: CTV)
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: CTV)
Cũng giống Đà Nẵng, Hà Giang hướng đến là điểm du lịch bản sắc, an toàn. Tháng Mười Một, Hà Giang sẽ có lễ hội hoa tam giác mạch, liên hoan ẩm thực với 8 tỉnh Tây Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết địa phương sẽ kích cầu điểm đến Cao nguyên đá Đồng Văn, phong cảnh ruộng bậc thang tới du khách. Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng kịch bản kích cầu du lịch trong tương lai, kết hợp phòng chống dịch và cam kết cùng kích cầu, xây dựng: "Hà Giang-địa điểm du lịch bản sắc, an toàn."
 
…bằng chất lượng dịch vụ và sản phẩm mới
 
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, ông Đặng Thanh Thủy cho biết sau cú đánh bồi thứ hai từ đại dịch COVID-19, tập đoàn đã thay đổi linh hoạt hướng đến phát triển bền vững trước tác động khách quan của dịch.
 
Để kích cầu du lịch hiệu quả, Vingroup đã xây dựng chiến lược mới, xác định phát triển khách nội địa là mục tiêu chiến lược, đặt mục tiêu tăng trưởng 2,5 lần so với đỉnh năm 2019; đưa ra sản phẩm có chi phí hợp lý, chất lượng 5 sao, phù hợp với đa dạng đối tượng để thu hút du khách đến với chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí của tập đoàn.
 
Theo đó, các kỳ nghỉ trọn gói (airtel) đã bao gồm vé máy bay-nghỉ dưỡng, voucher đồng giá… của Vinpearl đều có mức ưu đãi lên đến 50% giá phòng. Hệ thống công viên chủ đề VinWonders ưu đãi 50-70% giá vé, tặng voucher ẩm thực và dành nhiều khuyến mãi hấp dẫn cho người địa phương 18 tỉnh miền Tây và 13 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.
 
Ngoài ra, nhằm khởi động du lịch dịp cuối năm, Vinpearl tung ra 6 gói ưu đãi, áp dụng trên hầu hết các cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên khắp cả nước. Chi phí từ 850.000-1.250.000 đồng/đêm, du khách đã có kỳ nghỉ với trải nghiệm đẳng cấp và dịch vụ tiêu chuẩn 5 sao quốc tế: Dịch vụ massage, bữa sáng 5 sao, tiệc tối BBQ hảo hạng, gói lặn biển hay giảm giá vé vui chơi tại VinWonders, Vinpearl Safari, ẩm thực...
 
Cụ thể, ưu đãi “Thu sang rộn ràng-ngập tràn hotdeal” áp dụng tại 3 quần thể nghỉ dưỡng biển quy mô, có mức giá ưu đãi chỉ từ 1.250.000 đồng/đêm tại Phú Quốc, chỉ 1.200.000 đồng/đêm phòng ở Nha Trang và 1.230.000 đồng/đêm tại Đà Nẵng, Nam Hội An.
 
Ngoài mức giá hợp lý được điều chỉnh, Vingroup sẽ gia tăng trải nghiệm của du khách ở các điểm đến được yêu thích như Nha Trang, Phú Quốc, Nam Hội An bằng sản phẩm mới, đẳng cấp được ra mắt đúng thời điểm dịch bệnh lần một giảm bớt.
 
Đại diện Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Phó Giám đốc văn phòng Hà Nội, bà Nguyễn Hoài Thu cho biết ngay ngày đầu dịch bùng phát, công ty đã có chương trình đảm bảo an toàn cho khách và nhân viên. Trong tháng Mười, “bức tranh” du lịch Saigontourist đang khởi sắc.
 
"Tôi nghĩ chúng ta không nên quá băn khoăn về giá mà cố gắng phục vụ khách tốt nhất. Họ sẽ là kênh truyền thông hiệu quả nhất cho du lịch Việt phát triển trở lại vào cuối năm. Khách an tâm, an toàn đi đã là thắng lợi, củng cố niềm tin cho những người làm nghề trở lại với công việc. Ngoài khách đi theo nhóm, nên có điểm đến, dịch vụ chất lượng cao cho khách đi theo đoàn lớn. Nên kích cầu bằng chính chất lượng dịch vụ," bà Hoài Thu chia sẻ.
 
Trong bối cảnh mới, ngày 30/9, Vietjet Air sẽ khai thác lại đường bay quốc tế, từ Seoul về Việt Nam. Trước mắt các chuyên gia, những người có tay nghề cao... sẽ về nước. Dù họ không phải khách du lịch nhưng từ trải nghiệm ban đầu sẽ khởi động cho những chuyến bay sau.
 
Cũng như Vietjet Air, đại diện hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, ngay từ những đầu tiên dịch bùng phát, hãng sẵn sàng đồng hành cũng các đơn vị lữ hành trong nước. "Tất cả các chương trình kích cầu, giá không thể thấp hơn được nữa, chỉ chờ đợi tinh thần hưởng ứng của các doanh nghiệp tới đây," vị đại diện cho biết. Đặc biệt, vừa qua, Bamboo Airways đã có những sản phẩm mới, đường bay mới đến Côn Đảo, để góp phần kích cầu các đơn vị du lịch.
 
Tham gia chương trình kích cầu nội địa lần hai, hầu hết các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng cho các hoạt động du lịch trên cả nước đều cam kết không chỉ có dịch vụ và giá tốt, sản phẩm mới hấp dẫn mà quan trọng hơn là đảm bảo an toàn điểm đến cho du khách. Với những nỗ lực này, ngành du lịch Việt hy vọng có thể sớm gượng gậy sau “cơn cuồng phong COVID-19”./.
 
Theo Xuân Mai (Vietnam+)