Tín dụng CSXH: "Đòn bẩy" phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số

  • 14:53 | Thứ Hai, 10/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với mục tiêu đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hành trình thoát nghèo bền vững, thời gian qua, Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bố Trạch đã chú trọng tạo điều kiện cho bà con vay vốn ưu đãi từ tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) để phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.
 
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác với NHCSXH…, hoạt động TDCSXH trên địa bàn huyện Bố Trạch thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt, tại hai xã miền núi Tân Trạch và Thượng Trạch, PGD NHCSXH huyện đã thường xuyên quan tâm, hướng dẫn cho người dân việc tiếp cận vốn vay sản xuất, giải quyết việc làm… Nhờ đó, nhiều hộ dân nơi đây đã cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo.
 
Anh Đinh Xức, xã Thượng Trạch cho biết: “Được tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) bình xét, UBND xã xác nhận và NHCSXH huyện phê duyệt, gia đình tôi đã vay được 30 triệu đồng từ nguồn vốn TDCSXH. Từ nguồn vốn này, tôi đã nuôi thêm 5 con bò, giúp gia đình có thu nhập khoảng 70 triệu đồng mỗi năm, thoát được hộ nghèo”.
 
Cũng nhờ nguồn vốn TDCSXH, gia đình anh Đinh Chai (xã Tân Trạch) đã được vay 30 triệu đồng, có thêm nguồn vốn hỗ trợ để phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, hiện tại, gia đình anh Chai nuôi được 4 con dê và 4 con bò. Anh Chai chia sẻ: “Có nguồn vốn mở rộng, phát triển chăn nuôi, gia đình tôi đã bớt vất vả hơn nhiều so với trước đây. Với thu nhập khoảng 80 triệu đồng mỗi năm, cuộc sống gia đình tôi đang dần được cải thiện, ổn định”.
 
Không chỉ anh Xức, anh Chai, nhiều hộ ĐBDTTS tại hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch đã biết cách sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH để phát triển kinh tế. Bằng nguồn vốn này, các hộ gia đình đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, hỗ trợ kinh phí học tập, sửa chữa nhà ở…, giúp cải thiện đời sống, các con có cơ hội được đến trường, từng bước vượt qua khó khăn.
PGD NHCSXH huyện Bố Trạch tích cực tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi cho người dân.
PGD NHCSXH huyện Bố Trạch tích cực tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi cho người dân.
Theo báo cáo của PGD NHCSXH huyện Bố Trạch, đến nay, tổng dư nợ TDCSXH giúp ĐBDTTS phát triển kinh tế-xã hội ở xã Tân Trạch và Thượng Trạch là 4.390 triệu đồng (trong đó xã Tân Trạch 1.382 triệu đồng, xã Thượng Trạch 3.008 triệu đồng). Nguồn vốn này được phân bổ hỗ trợ vay vốn cho các đối tượng: hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ ĐBDTTS đặc biệt khó khăn, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...
 
Ông Hoàng Anh Toàn, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Bố Trạch cho biết, đến nay, đã có trên 79% hộ dân xã Tân Trạch và trên 61% hộ dân xã Thượng Trạch được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi tại NHCSXH. Nguồn vốn đã giúp nhiều hộ dân nơi đây ổn định sản xuất, thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của hai xã đang giảm dần, so với năm 2019, đến nay, xã Tân Trạch đã giảm 5,1% (còn 77,5%), Thượng Trạch giảm 9,9% (còn 72,6%).
 
Tuy nhiên, bên cạnh những hộ sản xuất tốt, ổn định cuộc sống thì vẫn còn nhiều trường hợp vay vốn làm ăn không hiệu quả. Những hộ dân này bị ảnh hưởng bởi nhiều lý do, như: chăn nuôi, sản xuất theo lối cũ (chăn nuôi thả rông); thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, biến đổi thất thường; địa hình khó khăn, hiểm trở… dẫn đến việc sản xuất, kinh doanh thua lỗ, khó khăn trong việc trả nợ vốn vay. Một số hộ dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; không có nhu cầu vay vốn, tự mình vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.
 
Để giúp ĐBDTTS nơi đây sử dụng hiệu quả vốn vay TDCSXH, ông Hoàng Anh Toàn cho biết, PGD NHCSXH huyện đã tham mưu UBND huyện, Ban đại diện NHCSXH huyện ra văn bản chỉ đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể cấp huyện, UBND 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Đơn vị cũng tích cực phối hợp tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi tại NHCSXH để các hộ dân được biết và tiếp cận khi có nhu cầu.
 
Cùng với đó, Ban đại diện NHCSXH huyện đã chỉ đạo các hội, đoàn thể nhận ủy thác, phối hợp cùng Ban quản lý tổ TK và VV tích cực hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phương thức làm ăn cho BĐDTTS để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; chỉ đạo cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp cùng các tổ chức chính trị, đoàn thể cấp xã, tổ TK và VV rà soát đối tượng vay vốn, chỉ đạo bình xét kịp thời, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn…  
Theo báo cáo của PGD NHCSXH huyện Bố Trạch, tính đến ngày 30-6-2020, tổng dư nợ toàn huyện đạt hơn 544,6 tỷ đồng, tăng hơn 21,7 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 99,2 % kế hoạch năm, hoàn thành 83,7% kế hoạch tăng trưởng.Tổng dư nợ xấu (nợ quá hạn và nợ khoanh) là 598 triệu đồng, chiếm  tỷ lệ 0,11%/tổng dư nợ.
Lê Mai