Quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2020

  • 08:21 | Thứ Hai, 10/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn chỉ được giải ngân đến hết ngày 31-1-2020, không được chuyển nguồn sang năm 2021.
 
Với quy định này của Trung ương, UBND tỉnh quán triệt, phải đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương phải thực hiện. Nếu tiến độ giải ngân chậm, không đảm bảo yêu cầu, các sở, ban, ngành, cấp chính quyền và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
 
Vì sao tiến độ giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu?
 
Đến ngày 30-7-2020, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh ước đạt 43,82% kế hoạch (tương đương so với cùng kỳ). Cụ thể: nguồn vốn Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu đạt 52,62%; vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 64,33%; vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 37,25%; vốn nước ngoài (ODA) đạt 12,74%; vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 (giao bổ sung trong năm 2020) đạt 3,4%; vốn năm 2018, 2019 kéo dài sang năm 2020 đạt 29,46%.
 
Đánh giá tình hình chung về thực hiện và giải ngân nguồn vốn cho thấy, kết quả giải ngân còn thấp và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân là do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và nhiều nguyên nhân cụ thể khác. 
 Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình ở Trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch.
Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình ở Trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch.
Cụ thể, đối với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, do năm 2020 là năm cuối thực hiện nên số vốn đầu tư phát triển chiếm khoảng 40% tổng vốn cả giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, khối lượng các hồ sơ xây dựng công trình khởi công mới rất lớn, gây quá tải trong công tác thẩm định, ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư và thực hiện các dự án.
 
Đối với các dự án ODA, phải thực hiện rất nhiều thủ tục theo quy định của Hiệp định và sổ tay hướng dẫn của từng dự án, do đó, mất rất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án và thanh toán giải ngân.
 
Cùng với đó, các Bộ chủ quản của các dự án thường thông qua kế hoạch hoạt động và ngân sách dự án muộn (từ giữa tháng 4 đến tháng 7 hàng năm), nên các ban quản lý dự án không đủ thời gian để thực hiện các thủ tục và giải ngân nguồn vốn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án... Ngoài ra, năng lực tổ chức, quản lý của một số chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm về đàm phán, ký kết và quản lý hợp đồng, thanh toán giải ngân vốn, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án.
 
Các dự án sử dụng nguồn vốn kéo dài từ năm 2018, 2019 sang năm 2020 bị vướng các thủ tục đầu tư ở các Bộ, ngành Trung ương... Vì vậy, đến nay, một số dự án chưa được phê duyệt, chưa tổ chức được đấu thầu..., nên khó có khả năng giải ngân đúng thời gian quy định.
 
Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn từ tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Formosa Hà Tĩnh, do đến ngày 15-7-2020 mới có đầy đủ ý kiến của Bộ Nông nghiệp- PTNT đối với 21 dự án của tỉnh, do đó, hiện các chủ đầu tư đang trình thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở. Do các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa thể giải ngân vốn theo tiến độ được Chính phủ quy định.
 
Một nguyên nhân chung đáng nói nữa đó là do một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy.
 
Áp lực lớn về thời hạn giải ngân!
 
Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Vì thế, các nguồn vốn đối với từng nhóm dự án cụ thể đều có thời hạn được giải ngân cụ thể và không được chuyển nguồn sang năm 2021.
 
Trước yêu cầu thời hạn giải ngân của Trung ương, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và chủ đầu tư phải tập trung thực hiện hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2020 theo quy định. Cụ thể, đến hết tháng 8-2020, phải giải ngân toàn bộ số vốn kéo dài các năm 2018, 2019 sang năm 2020; đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, phải giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao trong năm 2020.
 
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu không thực hiện giải ngân bảo đảm yêu cầu. Cụ thể, chủ đầu tư phải có cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án. Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ sẽ bị xem xét quyết định hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; chịu trách nhiệm nếu số vốn không giải ngân hết bị thu hồi...
 
Phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch
 
Trước thực tế trên, tại hội nghị bàn các giải pháp đẩy nhanh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 31-7-2020, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật đã chỉ đạo yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh cũng như chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư, nhà thầu phải triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp với tinh thần trách nhiệm cao nhất; có kế hoạch và cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, kiểm điểm trách nhiệm nếu không thực hiện đúng cam kết và phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về tiến độ giải ngân các nguồn vốn của ngành, địa phương, đơn vị mình được giao thực hiện.
 
Quảng Bình xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và hoàn thành kế hoạch đầu tư công được giao năm 2020. 
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang kiểm tra thực tế việc thi công các dự án lớn trên địa bàn TP. Đồng Hới.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang kiểm tra thực tế việc thi công các dự án lớn trên địa bàn TP. Đồng Hới.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo phân công trách nhiệm cho từng đồng chí lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư phụ trách trực tiếp theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân của từng công trình, dự án.
 
Trong đó, đồng chí nhấn mạnh, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân và xem đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020, căn cứ để đánh giá cán bộ, bình xét thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan...
 
Ngoài ra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiên quyết tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi điều chỉnh giảm nguồn vốn đã bố trí cho các công trình, dự án, trong đó, thu hồi kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 được phép kéo dài sang thanh toán năm 2020 đến hết ngày 30-8-2020 đối với dự án thực hiện giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn được phép kéo dài; thu hồi kế hoạch đầu tư công năm 2020 đến hết ngày 30-9-2020 đối với dự án giải ngân dưới 70% kế hoạch vốn được giao để bổ sung cho các dự án khác có nhu cầu nhằm bảo đảm giải ngân đạt kế hoạch đề ra...
 
                                                                                                Bùi Thành