Quảng Ninh: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững

  • 12:37 | Chủ Nhật, 30/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chính là “chìa khóa vàng” để phát triển nông nghiệp bền vững, những năm qua, huyện Quảng Ninh đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
 
Hiệu quả từ những mô hình
 
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất rau màu, cá-lúa, nuôi thủy sản và các gia trại kinh tế tổng hợp.
 
Để thuận lợi cho việc canh tác, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, xã đã tích cực thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng hạ tầng nông thôn, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ổn định diện tích gieo trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi trên 100ha diện tích đất lầy thụt, trồng lúa năng suất thấp sang phát triển đa dạng các mô hình kinh tế. Trung bình các mô hình cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
 
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Trung Thành, thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh cho biết, trên nền diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà màng trồng các loại rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, với diện tích gần 2ha, hệ thống nhà màng của gia đình anh Nguyễn Trung Thành đã dần được phủ kín với đa dạng các loại cây trồng, như: dưa lưới, ớt chuông, mướp đắng và các loại rau, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Cũng trên cơ sở chuyển đổi các diện tích lúa kém hiệu quả, với phương châm “mang vườn ra ruộng”, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh đã triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa, cải tạo mặt bằng hệ thống giao thông, thủy lợi, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, lạc, dưa, mướp, rau màu các loại. Vụ hè-thu năm nay, xã thực hiện chuyển đổi trên 17,4ha diện tích đất lúa sang các loại cây trồng khác, trong đó có 14ha dưa, số còn lại chủ yếu là mướp đắng và rau các loại. Quá trình thu hoạch cho thấy, năng suất dưa đạt cao với 18 tấn/ha, mướp đắng 15 tấn/ha; thu nhập từ các loại cây chuyển đổi cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa.                                
 Nhiều diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện Quảng Ninh mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhiều diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện Quảng Ninh mang lại giá trị kinh tế cao.
Chia sẻ về hiệu quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, chị Lê Thị Mai Phương, thôn Long Đại, xã Hiền Ninh cho biết, thời điểm cao giá, mướp đắng được thương lái thu mua tại ruộng với giá 20.000/kg. Với mức giá này, trên diện tích trồng bình quân từ 4-5 sào, bình quân 2 ngày thu hái 1 lần, người trồng mướp đắng ở Hiền Ninh thu về khoản “tiền tươi” 1 triệu/ngày.
 
Không chỉ riêng lĩnh vực trồng trọt, hiện nhiều mô hình chăn nuôi trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã chú trọng đầu tư công nghệ, xây dựng chuồng trại khép kín. Anh Hoàng Minh Thắng (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết, nắm bắt xu thế ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, gia đình anh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại lạnh khép kín với quy mô 50 lợn nái và 1.000-1.200 lợn thịt/năm. Đến nay, toàn bộ hệ thống chuồng lạnh của trang trại được gắn với bộ cảm biến tự động nhằm điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm khu vực nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.
 
Hướng phát triển bền vững
 
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, huyện đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai thực hiện có hiệu quả đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2022".
 
Mục tiêu là phát triển ngành nông nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.Quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Ninh thời gian qua đã cho thấy những hiệu quả tích cực.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Ninh, thành công từ công tác “dồn điền đổi thửa” và đề án cải tạo bộ giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân tăng năng suất, giảm chi phí. Đến nay, diện tích trồng cây lương thực toàn huyện đạt hơn 8.900ha, tổng sản lượng lương thực đạt gần 50.000 tấn (năm 2019).
 
Toàn huyện có 1.500ha chuyển đổi có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm và đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh lúa, ngô, sắn, các mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, trồng cây ăn quả có ứng dụng công nghệ cao. 
 
Với 25 sản phẩm thế mạnh có khả năng tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, bước đầu huyện đã xây dựng thành công một số liên kết chuỗi giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm, như: gạo Vĩnh Tuy, dưa hấu Hàm Ninh, khoai deo Hải Ninh, tinh dầu sả và mật ong Trường Xuân, các sản phẩm hàu của thị trấn Quán Hàu...
 
Song song với trồng trọt, chăn nuôi cũng được duy trì, phát triển toàn diện theo hướng tập trung, khép kín, gắn với an toàn dịch bệnh và thân thiện với môi trường. Hiện tỷ trọng chăn nuôi chiếm 41,3% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện với 3 doanh nghiệp, 24 trang trại và trên 300 gia trại. Cơ cấu sản xuất ngành thủy sản đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng nhanh diện tích nuôi trồng.
 Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên đất lầy thụt ở xã Võ Ninh.
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên đất lầy thụt ở xã Võ Ninh.
Cùng với việc đưa bãi triều, mặt nước, bãi cát vào xây dựng ao hồ nuôi tôm, cá, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển những ruộng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, mang lại năng suất, hiệu quả cao. Các hình thức nuôi quảng canh, bán thâm canh và thâm canh nuôi tôm công nghiệp đều phát triển ở các địa phương. Tính đến nay, toàn huyện có 682 tàu thuyền đánh bắt thủy sản bằng cơ giới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm thủy sản, đưa tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng đạt 5.100 tấn, tăng bình quân hơn 5%/năm.
 
Để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng và thế mạnh của huyện, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian tới, huyện Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện hỗ trợ phát triển lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, kỹ thuật phát triển sản xuất; chuyển đổi vùng gò đồi, vùng trồng cây lâm nghiệp sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả; tổ chức sản xuất nuôi trồng thủy sản theo quy mô công nghiệp; hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; tạo điều kiện xây dựng các trang trại chăn nuôi phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
 
“Cùng với đó, huyện Quảng Ninh tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị… nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết thêm.
                                                                                                   Thanh Hải