Phát triển bền vững với năng lượng tái tạo

  • 14:41 | Thứ Tư, 26/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cung ứng năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động, cũng như các tác động của biến đổi khí hậu đến an ninh, an toàn trong cung ứng năng lượng... Dựa trên những tiềm năng, lợi thế có được, Quảng Bình đang từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, trong đó có các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối... Đây cũng là một trong những lĩnh vực trọng tâm được tỉnh chú trọng thu hút đầu tư, hướng đến phát triển bền vững.
 
Giàu tiềm năng, lợi thế
 
Quảng Bình nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, chế độ nhiệt thể hiện tính chất nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt độ cao và phân bố khá đồng đều quanh năm. Tổng lượng bức xạ mặt trời trên địa bàn tỉnh dao động khoảng 1.256,04-1.418,86 kWh/m2/năm. Số giờ nắng ở vùng đồng bằng ven biển từ 1.650-1.820 giờ, cường độ bức xạ trung bình khoảng 4,03-4,545 kWh/m2/ngày. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để tỉnh phát triển các dự án điện mặt trời quy mô lớn.
 
Theo báo cáo của Sở Công thương, đến nay, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch phát triển các dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 491,5MW trên địa bàn các xã: Ngư Thủy Bắc, Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy) và xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch). Đây là khu vực có địa hình khá bằng phẳng, chủ yếu là rừng trồng cây phi lao do Ban Quản lý rừng phòng hộ phía Nam tỉnh quản lý, điều kiện giao thông, đầu nối vào lưới điện quốc gia khá thuận lợi.
 
Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển điện gió với vận tốc gió vùng ven biển bình quân từ 5,5-6m/s, vùng núi từ 6,2-7m/s. Tỉnh đã hoàn thành dự kiến phát triển 17 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 2.506MW trên địa bàn các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa. Hiện tại, tỉnh đã lắp đặt các cột đo gió tại các xã: Hải Ninh, Gia Ninh (huyện Quảng Ninh); Ngư Thủy Bắc, Sen Thủy, Phú Thủy (huyện Lệ Thủy); Dân Hóa (huyện Minh Hóa) với chiều cao cột khoảng 120m, kết quả đo gió bình quân từ 5,5-7m/s.
Dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp Dohwa Lệ Thủy đang được tích cực triển khai xây dựng.
Dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp Dohwa Lệ Thủy đang được tích cực triển khai xây dựng.
Tỉnh đã quy hoạch 1.623ha đất tại xã Ngư Thủy Bắc, xã Hưng Thủy và các xã ven biển 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy để phát triển các dự án năng lượng sạch, bao gồm các dự án điện gió và dự án điện mặt trời. Ngoài ra, tỉnh còn có một số hồ với diện tích lòng hồ khá lớn, có thể phát triển các dự án điện mặt trời, như: Vực Tròn, Phú Vinh, Rào Đá, An Mã…
 
Với những tiềm năng, lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, tỉnh Quảng Bình thực sự là địa chỉ tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo.
 
Triển vọng từ các dự án tiên phong
 
Dự án Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp Dohwa Lệ Thủy (thuộc Tổ hợp dự án điện năng lượng tái tạo Dohwa Lệ Thủy của Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 14-7-2019. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.430 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 58,82ha, tại địa bàn xã Hưng Thủy và Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy).
 
Đến nay, dự án đã hoàn thành một số hạng mục, như: hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở được Bộ Công thương thẩm định phê duyệt; rà phá bom mìn; đánh giá tác động môi trường; đánh giá hiện trạng rừng để lập phương án nộp quỹ trồng rừng thay thế, nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng liên quan; tiến hành san lấp mặt bằng, đóng cọc để lắp pin…
 
Dự án được xây dựng với mục tiêu sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để sản xuất ra điện, không phát thải khí nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Khi đưa vào vận hành, dự án sẽ bổ sung khoảng 65,812 triệu kW/năm cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển năng lượng sạch từ năng lượng mặt trời và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 
Hiện, Quảng Bình đang trình Bộ Công thương thẩm định 5 dự án điện gió với tổng công suất 572MW và kiến nghị đưa danh mục 9 dự án điện gió vào Quy hoạch điện VIII  tổng công suất 2.235 MW để xúc tiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2030.
 
Về điện mặt trời, tỉnh cũng đang trình thẩm định 3 dự án và kiến nghị đưa vào Quy hoạch điện VIII là 8 dự án, nâng công suất của các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh lên 1.241,5MWp.
 
Thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh cũng đang nghiên cứu phát triển nhiều nguồn năng lượng khác, như: thủy điện vừa và nhỏ, điện khí, điện sinh khối, điện rác…

Về điện gió, dự án Cụm trang trại điện gió B&T dự kiến sẽ được khởi công trước ngày 10-10-2020, là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Dự án này có tổng công suất 252MW, triển khai tại địa bàn xã Gia Ninh, xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy) với tổng mức đầu tư 8.904 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Thường, Giám đốc Sở Công thương cho biết, thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm đến khảo sát, nghiên cứu, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.
 
Tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện khảo sát, lắp đặt cột đo gió, nghiên cứu phát triển các dự án năng lượng tái tạo sớm hoàn chỉnh hồ sơ bổ sung quy hoạch để tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tới. Sở Công thương sẽ theo dõi quá trình triển khai thực hiện và kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để thực hiện đầu tư theo đúng quy hoạch và các quy định về đầu tư xây dựng.
 
Với các dự án đang triển khai, như: Trang trại Điện gió B&T, Nhà máy điện mặt trời 49,5MWp Dohwa Lệ Thủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành các thủ tục pháp lý, cấp chủ trương đầu tư, bảo đảm an ninh trật tư... để chủ đầu tư thực hiện khởi công xây dựng và hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Lê Mai