Nuôi cá lồng ở xã Duy Ninh: Vẫn còn lắm khó khăn

  • 15:33 | Thứ Hai, 24/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tận dụng nguồn nước của sông Kiến Giang, từ năm 2013, người dân xã Duy Ninh (Quảng Ninh) bắt đầu phát triển nghề nuôi cá lồng. Đến nay, nghề nuôi cá lồng tiếp tục được duy trì và phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn về đầu ra sản phẩm, nguồn thức ăn, môi trường nước…
 
Từ năm 2013, với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, người dân sinh sống dọc sông Kiến Giang thuộc hai thôn Phú Ninh, Phú Vinh đã thí điểm mô hình nuôi cá lồng nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn, phá thế độc canh cây lúa, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Giống cá xác định đưa vào nuôi là cá chẽm, một loại cá có giá trị kinh tế cao, thị trường dễ chấp nhận. Vụ nuôi cá chẽm đầu tiên, các gia đình tham gia nuôi đều có lãi cao bởi giá cá chẽm bán ra thị trường đạt bình quân 110-120 nghìn đồng/kg. Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ 5 hộ nuôi ban đầu với 18 lồng cá, đến nay, toàn xã đã nhân rộng lên 21 hộ nuôi với 38 lồng.
 
Anh Phạm Thanh Nhàn, hộ nuôi thôn Phú Vinh cho biết: "Bắt tay vào nuôi cá lồng nước lợ từ đầu năm 2015, với 10 lồng nuôi, mỗi năm, tôi thả gần nửa vạn giống cá chẽm. Đây là loài cá rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là các loại cá tươi từ biển, cá nuôi ít bệnh tật, khả năng thích nghi tốt. Khi cá đạt trọng lượng khoảng 1-1,2kg là có thể thu hoạch. Trước đây, mỗi vụ cá sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng, nhưng nay còn khoảng 70 triệu đồng".
 
Không thể phủ nhận hiệu quả từ nghề nuôi cá lồng, tuy nhiên, người nuôi cá ở Duy Ninh đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó, khó khăn lớn nhất là đầu ra sản phẩm.
Nghề nuôi cá lồng ở xã Duy Ninh đem lại thu nhập đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Nghề nuôi cá lồng ở xã Duy Ninh đem lại thu nhập đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Theo nhiều người dân nơi đây, việc thu mua diễn ra thất thường, cá chủ yếu được các thương lái thu mua nhỏ lẻ hoặc đưa ra các chợ bán lẻ cho người dân và giá cả cũng giảm mạnh từ 120 nghìn đồng/kg (năm 2014-2015) xuống còn 80-90 nghìn đồng/kg hiện nay, bình quân mỗi ngày các hộ nuôi chỉ tiêu thụ từ 10-15kg cá.
 
Hơn nữa, việc bán cá nhỏ lẻ ảnh hưởng tới chất lượng của cá, do mỗi lần kéo lưới đem ra chợ, khách hàng chỉ lựa chọn những con ưng ý, số còn lại tiếp tục thả xuống lồng, ảnh hưởng tới sức khỏe của cá.
 
Khi được hỏi về việc bỏ mối ở các nhà hàng, tiệc cưới…, anh Nhàn cho biết, có nhiều nhà hàng ở TP. Đồng Hới gọi điện đặt cá nhưng với số lượng ít không đủ bù đắp chi phí xăng xe đi lại, còn cá phục vụ tiệc cưới bị ép giá xuống 60-70.000/kg nên cũng không thể xuất bán. Nay cá đã đến độ thu hoạch nhưng anh vẫn chưa tìm được mối tiêu thụ, nếu để nuôi chờ dịp Tết thì chi phí rất tốn kém.
 
Khó khăn nữa mà người dân đang gặp phải hiện nay là nguồn thức ăn cho cá. Nguồn thức ăn chính của cá chẽm Duy Ninh chủ yếu là cá tạp ở biển. Theo nhiều người nuôi, biển mất mùa, giá cá tạp biển cũng tăng cao, với giá bán như hiện nay, người nuôi cá không còn lãi bao nhiêu. Nhiều hộ dân không bán được cá thì phải nuôi chờ dịp Tết Nguyên đán. Việc kéo dài thời gian nuôi khiến rủi ro cao do sắp tới mùa mưa lũ, nước chảy xiết, nếu không gia cố cẩn thận sẽ bị vỡ lồng, mất trắng, chi phí thức ăn mùa đông cũng tương đối cao hơn mùa hè.
 
Ngoài ra, lo ngại của người dân nơi đây là môi trường nước không bảo đảm, nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra. Đầu năm 2020, cá mới thả được 2 tháng tuổi thì có hiện tượng chết rải rác, theo nghi ngờ của người dân là do nguồn nước bị nhiễm phèn. Bên cạnh đó, về mùa mưa lũ, nước trên thượng nguồn đổ về cũng có thể làm cá bị sốc nước và chết…
 
Ông Trần Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Duy Ninh cho biết, để tháo gỡ những khó khăn, trước mắt, xã khuyến cáo bà con lấy cá giống bảo đảm chất lượng, không mua giống cá trôi nổi thị trường để bớt rủi ro về dịch bệnh. Tiếp nữa, về mua mưa lũ, bà con nên gia cố lồng bè cẩn thận để kéo dài thời gian nuôi chờ xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán giá thành sẽ cao hơn. Đặc biệt, xã cũng đang đề xuất với Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Quảng Ninh mở cuộc hội thảo giữa người nuôi cá, người tiêu dùng và các nhà khoa học nhằm quảng bá sản phẩm cá Duy Ninh ra thị trường, tiến tới xây dựng sản phẩm sản phẩm chủ lực của địa phương.
 
Khai thác lợi thế từ vùng lòng hồ sông Kiến Giang, người dân Duy Ninh đã tìm được hướng đi trong việc chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi, thay đổi đời sống của nhiều hộ dân trong xã. Song để nghề nuôi cá lồng trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương, người dân nơi đây rất mong các cấp, các ngành quan tâm có thêm chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định lâu dài.
 
Thanh Hoa