Mai một nón lá Kẻ Hạ

  • 14:42 | Thứ Năm, 20/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước đây, nghề làm nón ở làng Kẻ Hạ (làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch,huyện Bố Trạch ngày nay) rất thịnh hành và giúp người dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, nghề làm nón lá ở xã Hạ Trạch đang đứng trước nguy cơ mai một.
 
Ký ức thời hoàng kim
 
Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm nón lá ở xã Hạ Trạch đã tồn tại hàng trăm năm trên mảnh đất thuần nông này. Thời còn hoàng kim của làng nghề, hầu như các hộ dân trong làng từ già, trẻ, gái, trai, những lúc nông nhàn hoặc sau mùa gặt đều tham gia làm nón. Nón Kẻ Hạ được xuất bán khắp mọi miền, từ Nam ra Bắc và sang cả nước bạn Lào.
 
Thường vào phiên chợ, bà con đi đò qua sông Gianh sang chợ Ba Đồn hoặc chợ Họa (Quảng Thuận) để mua các nguyên liệu như: lá tra (lá già), lá non, nứa, móc, than... Những ai có điều kiện thì đi lấy lá về đạp thật kỹ, sau đó đem phơi.
 
Đi qua Hạ Trạch sau vụ thu hoạch, vào những ngày nắng đẹp, nhìn nhà nào cũng một màu trắng xanh của lá nón, lá phơi ngoài sân, lá phơi mái nhà...
 
Bí quyết khiến nón lá Hạ Trạch bền, đẹp, chắc chính là ở đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn của người thợ. Từ làm khung, chuốt vành, chằm nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản, đưa ra thị trường.
 
Ngoài ra, để làm được chiếc nón đẹp, người thợ phải biết cách chọn lá thật trắng, tách lá không được để rách, lá được là thật phẳng, không để ngả màu. Tre, nứa làm vành được vót thật tròn, đều, trơn, thiết diện của vành phải nhỏ dần từ vành cái đến vành chóp, khi may tránh làm đứt cước.
 
Chính nhờ sự tỉ mỉ, trau chuốt trong từng công đoạn cùng với đôi bàn tay khéo léo của người thợ đã tạo nên thương hiệu nón lá làng Hạ bền, đẹp và được thị trường ưa chuộng.
Do không có đầu ra ổn định, nghề làm nón lá ở xã Hạ Trạch đang có nguy cơ mai một.
Do không có đầu ra ổn định, nghề làm nón lá ở xã Hạ Trạch đang có nguy cơ mai một.
Thoăn thoắt đôi bàn tay khâu nón, bà Nguyễn Thị Tuy (thôn 3, xã Hạ Trạch) năm nay hơn 80 tuổi đã có hàng chục năm làm nón chia sẻ: "Ngay từ nhỏ tôi đã được bố mẹ dạy cách làm nón, trước đây, ở xã Hạ Trạch hầu hết nhà ai cũng làm, có nhà 6,7 người làm. Thợ lành nghề nếu tập trung làm thì một ngày cũng được 3-4 cái, giá 40.000-70.000 đồng/cái. Trừ chi phí nguyên vật liệu, lá, nứa, cước và một số phụ kiện, người làm nón lãi khoảng 20.000-30.000đồng/cái, tức là thu được 60.000-120.000đồng/ngày, góp phần tăng thu nhập cho người dân lúc nông nhàn".
 
Nón lá bán chạy nhất vào những tháng hè, còn vào mùa mưa tuy bán chậm hơn nhưng người dân ở đây quanh năm không khi nào hết việc, cứ rời tay cày, tay cuốc là lại ngồi quây quần bên nhau, vừa trò chuyện vừa đan nón. Nhiều gia đình nhờ làm nón kết hợp với làm ruộng mà cuộc sống ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học thành đạt.
 
Khó trụ được với nghề
 
Đến làng nghề nón lá Hạ Trạch bây giờ, đi từ đầu cho đến cuối làng chỉ thấy vài thợ khâu nón, khác hẳn với sự nhộn nhịp, tấp nập cách đây vài năm về trước.
 
Được biết, năm 2008, làng Cao Lao Hạ-xã Hạ Trạch được công nhận là “Làng nghề sản xuất nón lá, vận tải liên xã” theo Quyết định số 2075/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, do thu nhập thấp, nguồn nguyên liệu và đầu ra không ổn định, những người làm nón ở đây không còn tha thiết với nghề nữa.
 
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, một trong ít người còn trụ lại với nghề cho biết: "Phải mất nhiều công đoạn để chiếc nón thành thành phẩm nhưng giờ đây, nón làm ra khó bán, không có thương lái mua, bà con chủ yếu tự làm theo hộ gia đình, sản phẩm làm xong thì mang ra chợ bán. Chưa kể vật liệu ngày càng khan hiếm, thu nhập chẳng đáng là bao so với mức chi tiêu nên người dân bỏ nghề dần, lớp trẻ cũng không mấy ai mặn mà, vì vậy, làng nghề không trụ vững. Bây giờ chỉ còn những người già cả, phụ nữ không biết làm gì ngoài làm đồng mới ngồi chằm nón thêm chút đỉnh phụ với gia đình".
 
Ông Lưu Bá Lâm, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch cho biết, hiện nay, nghề làm nón ở xã đang dần bị mai một do quy trình quản lý từ khâu nguyên liệu đến tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh... Trong khi nhiều công việc khác, như: xây dựng, may công nghiệp, cơ khí..., cho thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày. Nên nhiều người dân đã không còn mặn mà với nghề nón.
 
Nghề làm nón lá xã Hạ Trạch từng tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trong làng, đặc biệt là phụ nữ, vừa lo việc đồng áng, quán xuyến tốt việc nhà, vừa có nguồn thu nhập hàng ngày. Vì vậy, đứng trước nguy cơ mai một của làng nghề, năm 2015, Hội LHPN xã đã tổ chức một lớp dạy nghề nón cho hơn 35 học viên là phụ nữ trong xã, nhưng học xong, học viên cũng không thiết tha với nghề vì sản phẩm không có đầu ra.
 
Hiện nay, trước nguy cơ nghề bị mai một dần, người làm nón ở làng nghề nón lá Hạ Trạch mong muốn được các cấp, các ngành hỗ trợ tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm, khôi phục lại làng nghề.
 
Phạm Hà