Hội Nông dân huyện Lệ Thủy: Điểm tựa giúp nông dân phát triển kinh tế

  • 08:15 | Thứ Hai, 31/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, bằng nhiều việc làm thiết thực, Hội Nông dân huyện Lệ Thủy đã tích cực triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Qua đó, giúp hội viên vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Chỗ dựa giúp nông dân phát triển kinh tế
 
Các cấp Hội Nông dân huyện Lệ Thủy đã đẩy mạnh những hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, vận động cán bộ, hội viên thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên.
 
Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực, như: hỗ trợ vay vốn, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật (KHKT), xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao đời sống của nông dân...
 
Bình quân mỗi năm, hội tổ chức trên 180 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho trên 11.000 lượt hội viên, nông dân. Cùng với việc hỗ trợ chuyển giao KHKT, các cấp hội đã tích cực vận động xây dựng ủng hộ Quỹ hỗ trợ nông dân, đến nay, tổng nguồn quỹ do huyện quản lý đạt trên 14,1 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 6.044 hộ hội viên nông dân vay vốn để phát triển sản xuất. Trong đó, nguồn quỹ Trung ương ủy thác là 2,6 tỷ đồng, Hội Nông dân tỉnh ủy thác 3 tỷ đồng, nguồn của xã, thị trấn và các chi hội tổ 7,35 tỷ đồng.
 
Cùng với nguồn quỹ hội, Hội Nông dân huyện, xã đã tích cực phối hợp ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT huyện, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tín chấp cho 573 tổ tiết kiệm và vay vốn nông dân vay với tổng dư nợ ước đạt trên 169 tỷ đồng. Nhờ đó, hàng năm, đã giúp cho hàng nghìn lượt nông dân có nguồn vốn đầu tư sản xuất và gắn bó tham gia tốt các phong trào hội, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. 
Nhiều mô hình kinh tế của nông dân Lệ Thủy phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập.
Nhiều mô hình kinh tế của nông dân Lệ Thủy phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập.
Đáng chú ý, phong trào này được các cấp hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả, lan tỏa trên nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ tổng hợp với quy mô ngày càng lớn; hàng năm, số hộ nông dân SXKDG ngày càng tăng. Nếu năm 2015, toàn huyện có 13.346 hộ SXKDG thì cuối năm 2019 tăng lên 18.481 hộ.
 
Ông Dương Đệ Quang, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lệ Thủy cho biết: "Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn, các chương trình, dự án, mô hình sinh kế, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện sẽ tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tìm tòi, sáng tạo xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao. Qua đó, nâng cao thu nhập cho cán bộ, hội viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương".
 
Nhiều mô hình làm giàu hiệu quả
 
Với những cách làm hay, thiết thực trong công tác hội và phong trào nông dân, nhiều mô hình SXKD làm ăn hiệu quả đã được phát huy và nhân rộng.
 
Một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện đang được nhiều người dân học tập nhân rộng là mô hình trồng và chế biến dược liệu sả, tràm của anh Nguyễn Đại Nguyên, thôn Nam Thiện, xã Dương Thủy. Là giáo viên Trường THCS Dương Thủy, nhưng nhận thấy tiềm năng phát triển tinh dầu tràm và sả, anh cất công nghiên cứu tìm hiểu về ích lợi và giá trị kinh tế của cây sả, nhất là ứng dụng vào chưng cất tinh dầu để cung cấp ra thị trường.
 
Nghĩ và quyết tâm làm, anh đã cùng một số hộ dân chung sức trồng, chế biến tinh dầu sả. Nhờ vừa làm vừa nghiên cứu học hỏi, năm 2017, cơ sở của anh khai thác 3 đợt với 140 tấn, chiết xuất được 140 lít tinh dầu sả, cho doanh thu 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi gần 200 triệu đồng. Để tạo thu nhập cho người dân trong địa phương, cơ sở đã thuê 15 nhân công với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
 
Bên cạnh trồng và chế biến tinh dầu sả, anh còn khai thác tràm để chế biến tinh dầu. Mặc dù mới thử sức nhưng sản phẩm tinh dầu sả, tràm của anh được đánh giá cao, 2 lần tham dự triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên tại Phú Yên và khu vực miền Bắc. Đến nay, gia đình anh đã có trên 3ha trồng sả, cho doanh thu mỗi năm đạt 1,5-2 tỷ, cho lợi nhuận 500-650 triệu đồng.
 
Anh Nguyên cho biết thêm, bên cạnh trồng và chế biến tinh dầu, gia đình anh còn trồng các loại hoa, cây cảnh phục vụ bà con. Để cây sả và hoa có sức chống chọi với thời tiết nắng hạn, anh đã xây dựng thêm bồn chứa nước, khoan giếng phục vụ tưới tiêu cho cây sả và hoa nhằm tránh thiệt hại do hạn hán.
 
Hay mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Bùi Ngọc Trinh (SN 1976), thôn Phước Vinh, xã Hoa Thủy. Sau khi lập gia đình năm 2002, anh Trinh làm đủ mọi nghề để kiếm sống nhưng cuộc sống vẫn khó khăn.
 
Nhận thấy đất vườn rộng phù hợp với chăn nuôi, từ nguồn vốn tiết kiệm và vay mượn, anh đầu tư nuôi lợn thịt và lợn nái. Năm 2010, thấy được triển vọng của chăn nuôi, anh mạnh dạn mở rộng diện tích chăn nuôi lợn, gà thả vườn, bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp trên diện tích 1ha. Đến nay, trang trại của anh luôn duy trì 30 con lợn nái, hàng năm cho 2,5-3 lứa, kết hợp với nuôi lợn thịt.
 
Bên cạnh đó, anh còn đầu tư chuồng trại nuôi gà thả vườn, mỗi năm xuất bán 3-4 lứa, mỗi lứa từ 1.500 đến 2.000 con. Trang trại mỗi năm đem lại nguồn thu gần 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 7 lao động địa phương với thu nhập 6,5 triệu đồng/người/tháng. Với những thành tích đã đạt được, năm 2017 và năm 2019, anh Bùi Ngọc Trinh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
 
Bên cạnh mô hình của anh Nguyên, anh Trinh còn nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, như: trang trại chăn nuôi của ông Đinh Đăng Tuân ở xã Hưng Thủy, trang trại chăn nuôi chim cút của ông Nguyễn Quang Ngọc ở xã Ngư Thủy, trang trại chăn nuôi cá lóc của ông Hoàng Kim Phi ở xã Ngư Thủy Bắc…
 
Với những bước đi mới, nền nông nghiệp của huyện Lệ Thủy đang phát triển vững chắc, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Phạm Hà