Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

  • 11:01 | Thứ Tư, 26/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với những giải pháp thiết thực, đồng bộ, huyện Quảng Trạch đã và đang thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đây là cơ sở quan trọng góp phần cải thiện đời sống cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, tạo động lực để phát triển kinh tế của địa phương. 
 
Hợp tác xã (HTX) Làng nghề bánh mè xát Tân An, xã Quảng Thanh đi vào hoạt động năm 2010. Đây là một trong những HTX hoạt động hiệu quả và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Hiện tại, HTX có 20 lao động, mỗi ngày, sản xuất ra khoảng 3.000 bánh mè xát và 20.000 bánh cuốn ram. Bên cạnh đó, HTX còn thu mua thêm sản phẩm bánh của các hộ dân trên địa bàn nhằm tạo đầu ra và thúc đẩy nghề truyền thống địa phương phát triển.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Chuyên, thành viên HTX Làng nghề bánh mè xát Tân An cho biết: "Trước khi tham gia vào HTX, tôi được tham gia lớp tập huấn của xã để nâng cao tay nghề. Hiện tại, HTX đã giúp tôi có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập. Ngoài làm nông, tôi có thêm thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng. Kinh tế gia đình từ đó cũng vững vàng hơn trước nhiều".
HTX Làng nghề bánh mè xát Tân An tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
HTX Làng nghề bánh mè xát Tân An tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Ông Ngô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh cho biết: "Xã Quảng Thanh đã bám sát Chương trình đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động cũng như kế hoạch của Đảng ủy xã, căn cứ tình hình thực tế của địa phương để tập trung cho công tác đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo việc làm cho nhân dân. Bên cạnh đó, xã cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT để tạo điều kiện, hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp bà con có nguồn vốn phát triển các ngành nghề. Xã cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác xuất khẩu lao động. Nhờ đó, đến nay, xã còn 23 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,92%". 
 
Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là điều kiện quan trọng để góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững, thời gian qua, huyện Quảng Trạch đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn trên địa bàn.
 
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, chú trọng hoạt động giới thiệu việc làm và hỗ trợ cho lao động sau đào tạo tìm được việc làm, huyện đã tận dụng thế mạnh từ các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, HTX để giải quyết việc làm cho rất nhiều lao địa phương.
 
Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có trên 24.600 lao động được giải quyết việc làm; trong đó, có 9.500 người được tạo thêm việc làm, trên 15.000 lao động thiếu việc làm được tạo việc làm mới. Ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX, tổ hợp tác, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã gắn với bao tiêu sản phẩm.
 
Ông Trịnh Văn Thắng, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Quảng Trạch cho biết, nhận thức vai trò của công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn trong việc giảm nghèo bền vững, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành đã quan tâm triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2016-2019, toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 2.281 lao động nông thôn; trong đó, đào tạo theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg cho 1.011 lao động nông thôn, với kinh phí 2.428 triệu đồng, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển cho 1.270 lao động, với kinh phí 7.090 triệu đồng. Theo đó, hiệu quả sau đào tạo, giải quyết việc làm cũng được nâng lên, thu nhập của nhiều lao động tăng, nhiều gia đình đã thoát nghèo và trở thành hộ khá, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến hết năm 2020 đạt 38,5%.
 
Cùng với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, để giúp người lao động có nguồn vốn phát triển kinh tế, huyện còn có chương trình hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm cho người lao động. Đến cuối năm 2019, tổng nguồn vốn cho vay từ chương trình cho vay giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 20.109 triệu đồng, với 585 lượt khách hàng vay vốn. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã quan tâm chỉ đạo giải ngân nguồn vốn vay xuất khẩu lao động. Kết quả, trong 4 năm qua, đã giải ngân được 500 triệu đồng, cho 8 khách hàng vay vốn ưu đãi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
  Đ.N