Trường Thủy ngày mới…

  • 08:33 | Chủ Nhật, 26/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Sau sáp nhập, xã Trường Thủy vẫn còn bộn bề bao khó khăn, trăn trở chưa được giải quyết. Nhưng với thế và lực sẵn có của vùng kinh tế gò đồi phía Tây Lệ Thủy, cùng với sự năng động sáng tạo, chịu thương, chịu khó trong cung cách làm ăn mới của người dân, Trường Thủy hôm nay sẽ nắm bắt và quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng đổi mới hơn…”, ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy khẳng định với chúng tôi.
 
Diện kiến những nông dân “xịn”…
 
Về Trường Thủy hôm nay, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là làng quê đang "thay da đổi thịt". Những con đường bê tông rải nhựa trải dài nối liền thôn, xóm. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn đã khang trang hơn… Đó là những bước chuyển mình mạnh mẽ của Trường Thủy sau nhiều năm xây dựng nông thôn mới.
 
Lấy vội chiếc mũ, anh Trần Công Sáu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Thủy giục chúng tôi nhanh chân lên đường kẻo trời đang nắng nóng, hơn nữa, có khi lại không gặp được những nông dân hàng “xịn” này, dù đã hẹn trước. “Ở đây, người dân làm việc quần quật cả ngày, mình hẹn họ, họ có việc họ đi, lại hỏng việc của các anh”, anh Sáu chia sẻ.
 
Sau khoảng 15 phút quanh co trên những con đường liên xã, đích đến của chúng tôi là hồ An Mã để tìm gặp nông dân chính hiệu Đỗ Quang Hòa (SN 1979) ở thôn Việt Xô- người xây dựng cơ nghiệp tiền tỷ dưới chân hồ An Mã.
 
Hôm chúng tôi đến, Hòa cùng những người thợ trong thôn đang sửa lại căn nhà của mình. Bỏ dở công việc đang làm, Hòa chia sẻ với chúng tôi rằng, anh có gốc gác tận xã Liên Thủy, đã có thời gian làm ăn thất bại ở địa phương, năm 2014, anh "gồng gánh" vợ con lên hồ An Mã mua lại trang trại của một người bà con để bắt đầu hành trình làm giàu mới.
 
“Với 3,7ha diện tích đất được cấp, tôi đã mạnh dạn tận dụng nguồn nước sẵn có của hồ An Mã để đào ao thả cá, nuôi lợn. Nhưng trời đâu có thương, trận lũ năm 2016 đã cướp đi của gia đình tôi tất cả. Mọi vốn liếng, tài sản đều cuốn theo dòng nước lũ, vậy là chúng tôi phải bắt tay làm lại từ đầu thêm một lần nữa...”, anh Hòa tâm sự.
Nông dân Đỗ Quang Hòa vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng.
Nông dân Đỗ Quang Hòa vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng.
Không nản chí, cùng năm đó, Hòa gọi điện cho bạn bảo lên nhà thiết kế, thi công hệ thống kênh mương chống lũ cho trang trại mình. Số tiền Hòa bỏ ra đầu tư cho hệ thống này cũng ngót nghét vài trăm triệu, chủ yếu từ tiền vay mượn. Sau khi hệ thống thủy lợi được đầu tư bài bản, Hòa bắt đầu xây dựng trang trại của mình theo hướng tổng hợp. Đến nay, Hòa đã đào ao thả cá với hơn 3ha diện tích mặt nước, nuôi hơn 1.000 con vịt đẻ, hơn 50 con lợn thịt, 200 con ngan và hàng trăm con gà… Thu nhập từ trang trại mỗi năm hơn cả tỷ đồng.
 
Thôn Trạng Cau được cho là "thủ phủ" của cây hồ tiêu ở xã Văn Thủy trước đây, nay là xã Trường Thủy mới. Nhiều năm trước, khi cây hồ tiêu lao đao vì dịch bệnh, người nông dân đang loay hoay chưa biết nên đưa cây trồng nào vào phát triển kinh tế thì nông dân Mai Văn Châu (SN 1963) đã tìm ra được hướng đi mới cho gia đình mình.
 
Ngồi trò chuyện với ông dưới tán rừng trồng xanh tốt với nhiều loại gỗ quý đã nhiều năm gây dựng, ông cho biết, hành trình làm giàu của ông cũng lắm gian nan. Ông Châu không chọn cho mình các cây chủ lực cơ bản của vùng gò đồi để phát triển kinh tế như tập quán quen thuộc của người dân ở đây, mà tận dụng diện tích đất vườn nhà, mạnh dạn lên rừng tìm cây sim rừng đưa về nhà trồng.
 
“Với thân thể bệnh tật, phải mổ đốt sống lưng và xương đùi, nhưng hàng ngày tôi vẫn vượt từ 4 đến 5 cây số, có khi phải ra tới huyện Quảng Ninh để tìm kiếm cây sim. Qua hơn 4 năm trồng, bây giờ, tôi đã có diện tích sim khoảng 0,8havà cây sim đã bắt đầu cho thu hoạch. Mấy vụ trước cũng ngót nghét vài chục triệu, vụ năm nay, do được đầu tư thêm hệ thống tưới tiêu nên có khả năng thắng lớn chú à!”, ông Châu chia sẻ.
 
Ngoài đưa sim rừng về trồng, ông Châu còn là người tiên phong đưa vào vườn nhà trồng những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: tiêu, bưởi Diễn, bưởi da xanh… Mỗi năm, thu nhập từ vườn nhà cũng cả trăm triệu đồng.
 
Tạo “sức bật” mới cho Trường Thủy…
 
Theo ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, sau khi xã Văn Thủy sáp nhập với xã Trường Thủy, xã Trường Thủy có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, phong tục tập quán còn có sự khác biệt, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tình hình phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp theo hướng hàng hóa còn chậm, kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, chất lượng lao động, trình độ dân trí còn thấp; các tệ nạn xã hội có dấu hiệu gia tăng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội diễn biến phức tạp… 
Ông Mai Văn Châu, người tiên phong tìm hướng đi mới cho gia đình từ cây sim rừng.
Ông Mai Văn Châu, người tiên phong tìm hướng đi mới cho gia đình từ cây sim rừng.
“Trước thực trạng và bao lo toan như vậy, địa phương cũng rất lúng túng trong tìm hướng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Đại hội Đảng bộ đầu tiên của xã mới khi sáp nhập đã đề ra những định hướng lớn trong phát triển kinh tế thời gian tới, đó là, tận dụng các lợi thế sẵn có của vùng gò đồi, quy hoạch chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi một cách có hệ thống, mang tính đồng bộ và bền vững cao…”, ông Tình chia sẻ.
 
Chủ tịch xã Trường Thủy cũng cho biết, Trường Thủy chọn khâu đột phá là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa; chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất, mở rộng ngành nghề, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi; mở rộng mô hình lồng ghép tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; tiếp tục nhân rộng một số mô hình có hiệu quả, như: nuôi ong lấy mật, gà đồi, cây ăn quả; chuyển một số diện tích rừng trồng sang trồng cây ăn quả, như: hồ tiêu, nén, nghệ, gừng, cây công nghiệp ngắn ngày; trồng rừng kinh tế, rừng gỗ lớn…
 
“Trăn trở lớn nhất hiện nay của địa phương chính là công tác cán bộ, đến nay, việc hướng dẫn giải quyết chế độ đối với cán bộ dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã vẫn chưa được cấp trên hướng dẫn cụ thể và giải quyết triệt để nên địa phương rất lúng túng”, ông Tình cho biết thêm.
 
Ngọc Hải