Nông dân Bố Trạch: Yên tâm sản xuất nhờ liên kết "bốn nhà"

  • 08:26 | Thứ Sáu, 31/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Bố Trạch đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có sự liên kết "bốn nhà". Cách làm này đã giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, tránh được hiện tượng được mùa, mất giá, tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa sạch tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP.
 
Nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo mô hình nông dân liên kết "bốn nhà", UBND huyện Bố Trạch đã triển khai cho các tổ chức, cá nhân đăng ký dự án.
 
Ông Nguyễn Cẩm Long, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch cho biết: “Sau khi nhận được đơn đăng ký, phòng Nông nghiệp-PTNT phối hợp với các đơn vị tổ chức họp dân để thống nhất nội dung triển khai; đồng thời, phối hợp với các đơn vị chủ trì và các bên liên quan tiến hành phân tích chuỗi giá trị, xây dựng thuyết minh dự án theo mẫu và hội đồng đánh giá, kèm theo sổ tay hướng dẫn phát triển sản xuất, tổ chức ký hợp đồng thực hiện dự án”. 
Cà gai leo túi lọc là một trong những sản phẩm đầu tiên được sản xuất theo chuỗi liên kết của huyện Bố Trạch.
Cà gai leo túi lọc là một trong những sản phẩm đầu tiên được sản xuất theo chuỗi liên kết của huyện Bố Trạch.
Năm 2019, huyện đã phê duyệt 2 dự án, gồm: “Xây dựng chuỗi giá trị cà gai leo” do Hợp tác xã (HTX) sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm chủ trì, thực hiện tại các xã: Cự Nẫm, Hòa Trạch và Tây Trạch; “Chuỗi liên kết sản xuất ngô làm thức ăn gia súc, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm” do HTX sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp Bắc Dinh tại xã Nam Trạch chủ trì, thực hiện tại xã Nam Trạch. Đến nay, huyện đã tổ chức nghiệm thu và giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện 2 dự án với số tiền 560 triệu đồng.
 
Năm 2020, huyện đã phê duyệt và triển khai thêm 6 chuỗi liên kết sản xuất với số tiền hỗ trợ 3,1 tỷ đồng, gồm: sản xuất dầu lạc Phong Nha, miến gạo Sông Son, măng tây Hòa Trạch, tinh dầu sả Nam Trạch, dê núi Xuân Trạch, trà túi lộc, trà gai leo Sơn Lộc.
 
Theo chuỗi liên kết, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất một phần kinh phí theo quy định; đồng thời, tập huấn, tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân xây dựng liên kết; giám sát, đôn đốc thực hiện dự án, hỗ trợ bao bì, nhãn mác và quản lý chất lượng. Doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, đứng ra kết nối, cung cấp phân bón, giống, cam kết thu mua sản phẩm nông nghiệp cho bà con và tìm doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Người dân đầu tư vốn sản xuất theo quy trình, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đứng ra tư vấn kỹ thuật cho bà con.
 
Để phát triển sản xuất, HTX sinh thái Sông Son xã Mỹ Trạch được Nhà nước hỗ trợ 507 triệu đồng để xây dựng “Chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh và chế biến miến gạo Sông Son”.
 
Đến nay, HTX đã liên kết với 20 hộ tham gia trồng lúa nguyên liệu với diện tích 15ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Với chuỗi liên kết này, bà con được hỗ trợ 50% giá giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật, ứng vật tư sản xuất… HTX cũng đã ký cam kết mua toàn bộ lúa của bà con với thời gian 3 năm, giá cao hơn 15% so với giá thị trường.
 
Nhờ Nhà nước hỗ trợ, tìm thị trường tiêu thụ nên các sản phẩn của HTX làm ra đều được doanh nghiệp, siêu thị thu mua toàn bộ, một số sản phẩm còn được xuất khẩu sang Thái Lan, Lào.
 Sản phẩm miến gạo Sông Son được trưng bày tại các hội chợ
Sản phẩm miến gạo Sông Son được trưng bày tại các hội chợ
Ông Phan Trung Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX sinh thái Sông Son cho biết: “Với chuỗi liên kết này, HTX đã có nguồn nguyên liệu sạch để sản xuất, tự tin khi bán sản phẩm của mình cho các đối tác, giá bán miến gạo cũng tăng lên đáng kể”.
 
Chị Phan Thị Lan, một thành viên của HTX sinh thái Sông Son chia sẻ: “Nhờ liên kết "bốn nhà" nên người dân chúng tôi được hỗ trợ vốn mua giống, phân bón, ứng trước vật tư sản xuất và được chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bà con rất yên tâm sản xuất. Nhờ vậy, lợi nhuận kinh tế được tăng lên đáng kể, cũng không phải lo lắng cho đầu ra sản phẩm như trước".
 
Gia đình chị Lan trồng 10 sào lúa nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP, trung bình mỗi năm thu hoạch được 6 tấn lúa tấn nguyện liệu. Với giá bán 6,5 triệu đồng/tấn, mỗi năm chị thu về gần 40 triệu đồng. Ngoài ra, chị Lan còn làm công cho HTX, mỗi tháng cũng thêm 4 triệu đồng tiền lương.
 
Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch, để phát triển mô hình liên kết “bốn nhà”, huyện sẽ quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chuỗi liên kết hiện có nhằm giúp các HTX, cá nhân mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, huyện sẽ lựa chọn các mô hình tiềm năng để xây dựng thêm các chuỗi mới nhằm đa dạng hóa các mặt hàng nông nghiệp sạch, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân…
 
Xuân Vương