TP. Đồng Hới: Chuyển lúa sang sen, tăng thu nhập, phát triển du lịch

  • 08:07 | Thứ Ba, 02/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, hạn chế việc bỏ hoang ruộng đất, nhất là các vùng đất trũng kém hiệu quả, bảo vệ môi trường, nâng cao sinh kế cho nông dân, thúc đẩy du lịch trên địa bàn thành phố, từ năm 2019 đến nay, TP. Đồng Hới đã đưa vào thử nghiệm mô hình trồng sen trên vùng đất thấp trũng và bước đầu cho hiệu quả.
 
Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học-Công nghệ,  Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Đồng Hới đã khảo sát và chọn Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ Đại Dương triển khai thử nghiệm mô hình trồng sen trên vùng đất thấp trũng tại TP. Đồng Hới. Mô hình được thực hiện từ tháng 12-2019 trên vùng đất lúa chuyển đổi 2ha tại xã Nghĩa Ninh với giống sen hồng cao sản có nguồn gốc Đồng Tháp. Đây là loại sen chuyên cho hạt được chứng minh hiệu quả kinh tế cao ở nhiều đồng ruộng trũng tại các địa phương.
 
Ông Từ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Đồng Hới cho biết: “Quá trình thử nghiệm cho thấy cây sen sinh trưởng và phát triển tốt trên chân đất và điều kiện thời tiết, khí hậu Quảng Bình. Lứa hoa đầu to, đồng đều hứa hẹn năng suất cao. Hiện tại, các đài đầu đã thu hoạch với tỷ lệ hạt chắc cao, chất lượng tốt”.
 
Theo ông Phạm Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ Đại Dương,cây sen có ưu điểm dễ trồng, dễ thích nghi với vùng đất trũng thấp, úng nước, lại ít sâu bệnh, ít vốn đầu tư và công chăm sóc, năng suất ổn định, sản phẩm dễ tiêu thụ. Thời gian thu hoạch ngắn, chỉ sau từ 3 đến 4 tháng là cho thu hoạch, đầu tư một lần nhưng thu nhập nhiều lần.
Cây sen trên vùng đất trũng vừa nâng cao sinh kế cho nông dân, vừa thúc đẩy du lịch.
Cây sen trên vùng đất trũng vừa nâng cao sinh kế cho nông dân, vừa thúc đẩy du lịch.
Trên cơ sở tìm hiểu thị trường tiêu thụ hạt sen kết hợp với những kết quả bước đầu của mô hình, từ 2ha thử nghiệm ban đầu do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố hướng dẫn, đến nay, Công ty đã đầu tư mở rộng diện tích trồng sen lên 30ha, trong đó, 22ha tại xã Nghĩa Ninh và 8ha tại xã Đức Ninh. Toàn bộ diện tích trồng sen này đang sinh trưởng và phát triển tốt.
 
Hiện nay, Công ty đang thu hoạch những lứa hạt sen đầu tiên, dự kiến thời gian thu hoạch sẽ kéo dài đến cuối tháng 8 Âm lịch. Mỗi sào bình quân cho khoảng 2 tạ hạt, dự kiến sau thu hoạch sẽ cho khoảng 20 tấn hạt sen. Sen hạt chưa bóc vỏ bán ra thị trường với giá từ 55.000-60.000 đồng/kg, còn sen đã bóc vỏ, bỏ tim có giá 160.000đồng/kg. Sản phẩm sen thu hoạch đến đâu được người dân thu mua đến đó.
 
Ông Lê Văn Thái, Phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Quảng Bình cho biết: “Qua việc kiểm tra mô hình trồng sen trên vùng đất trũng ở thành phố Đồng Hới, trước mắt, chúng tôi thấy có nhiều hiệu quả về kinh tế cũng như chuyển đổi được cây trồng trên diện tích đất trũng trồng lúa kém hiệu quả. Chúng tôi khuyến khích bà con nông dân các xã, phường trên địa bàn thành phố có những diện tích đất thấp trũng cần nhân rộng mô hình hiệu quả này”.
 
Gần đây, du lịch nông nghiệp đang là xu hướng mới đối với Quảng Bình. Mô hình trồng sen ở vùng thấp trũng là một nơi lý tưởng để du khách và người dân địa phương lựa chọn đến tham quan, chụp ảnh, thư giãn trong các kỳ nghỉ, dịp cuối tuần.
 
Theo ông Phạm Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ Đại Dương, thời gian này năm ngoái, lượng khách du lịch và người dân địa phương đến tham quan, chụp ảnh tại cánh đồng sen của Công ty rất nhiều. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách giảm mạnh. Công ty sẽ nghiên cứu đầu tư thêm cầu, đặt các điểm nhấn ở cánh đồng sen để thu hút du khách quay trở lại tham quan, chụp ảnh trong thời gian tới.
 
Cây sen trồng trên đất trũng bước đầu cho thu nhập cao hơn nhiều loại cây trồng khác, nhất là với cây lúa. Tuy nhiên, sản phẩm sen sau khi thu hoạch nếu không có nhà máy sơ chế và bao tiêu sản phẩm thì khó bảo quản và tiêu thụ. Vì vậy, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Đồng Hới đang đề xuất với Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh và các cơ quan, ban, ngành chức năng liên quan tạo điều kiện xây dựng dây chuyền sản xuất, chế biến sen tại chỗ, trước mắt là tăng cường liên kết với các đơn vị đầu mối để bao tiêu sản phẩm, tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất bền vững.
 
Ông Từ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Đồng Hới cho biết thêm: “Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hướng đến nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình trồng sen sang những diện tích đất phù hợp ở các địa phương”.   
                                                                   Cái Huệ