Thu hút, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả 14 dự án ODA

  • 16:16 | Thứ Bảy, 13/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các nhà tài trợ, từ năm 2016 đến nay, Quảng Bình đã thu hút, vận động và tiếp nhận 14 dự án ODA với tổng số vốn đầu tư cam kết hơn 230 triệu USD, trong đó, vốn ODA 186,774 triệu USD và vốn đối ứng 43,227 triệu USD.

Mặc dù nguồn vốn này không lớn, nhưng được tỉnh xác định đây là nguồn trợ lực có chất xúc tác, có ý nghĩa bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển và làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
 
Phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông  ở vùng nông thôn.
Phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông ở vùng nông thôn.
Việc sử dụng tốt nguồn vốn từ các dự án ODA trên địa bàn đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội tỉnh, xóa đói giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu bức thiết về xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần làm thay đổi diện mạo của tỉnh theo hướng tích cực.
 
Đồng thời, việc thực hiện các dự án giúp nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền địa phương, tạo động lực cơ bản trong thực hiện chương trình lớn về xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm, nâng cao trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng; tăng cường năng lực, tiếp cận và chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến, tiếp cận phương pháp quản lý hiện đại.
 
Ngoài ra, việc tiếp nhận, thực hiện các dự án ODA cũng giúp cho tỉnh đào tạo một đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm về kinh tế đối ngoại, hiểu biết sâu sắc về thông lệ quốc tế tại cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, đơn vị tư vấn, đơn vị thụ hưởng, qua đó, có thể tích lũy kinh nghiệm, nắm bắt thông lệ quốc tế trong nhiều lĩnh vực, như: quản lý dự án, đấu thầu, phát triển cộng đồng, phục vụ nhân dân…

Phát huy kết quả đã đạt được, giai đoạn 2021-2025, Quảng Bình sẽ tiếp tục tăng cường công tác thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài; đổi mới quy trình tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi bảo đảm tính hiệu quả và hài hòa hóa quy trình thủ tục với nhà tài trợ; duy trì sự quản lý, điều phối thống nhất nguồn tài trợ phát triển...

Tỉnh cũng sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết về vay vốn nước ngoài và lộ trình trả nợ đối với dự án vay lại của chính quyền địa phương; cân đối, bố trí nguồn vốn trả nợ cụ thể để thuận lợi trong quá trình thẩm định năng lực vay, trả nợ của chính quyền địa phương cho dự án đề xuất mới; kiện toàn, xây dựng bộ máy quản lý dự án ODA theo hướng chuyên nghiệp, tập trung sử dụng cán bộ có năng lực, kinh nghiệm để quản lý, theo dõi và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này...

                                                                                                                         Đ.T