Khởi nghiệp thành công từ mô hình ép dầu thực vật

  • 15:34 | Thứ Bảy, 20/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Quyết định 939/QĐ-TTg, ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án "Phụ nữ khởi nghiệpgiai đoạn 2017-2025”; Hội LHPN huyện Lệ Thủy đã tuyên truyền, giới thiệu nhiều mô hình, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của chị em phụ nữ trong huyện. Trong đó, mô hình khởi nghiệp sản xuất dầu thực vật của chị Nguyễn Thị Năm (SN 1988) thôn Tân Thái, xã Tân Thủy nổi bật với những thành công bước đầu, nỗ lực xây dựng thương hiệu “Dầu thực vật Đức Năm”.
 
Xã Tân Thủy có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho thâm canh cây lạc, vừng... Mỗi năm, xã duy trì diện tích sản xuất khoảng 30ha lạc. Những năm trước đây, lạc của Tân Thủy cũng như nhiều vùng khác trong huyện Lệ Thủy, chủ yếu được sơ chế đơn giản, phơi khô bán theo dạng nguyên liệu thô, chủ yếu đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vào mùa lạc (từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm), mỗi gia đình có từ vài tạ đến cả tấn lạc khô. Vì đồng loạt thu hoạch, nên đầu ra gặp nhiều khó khăn, người dân thường bị tiểu thương ép giá, hiệu quả kinh tế không cao.
 
 Khởi nghiệp thành công từ mô hình ép dầu thực vật - Để đem lại sản phẩm đạt chất lượng, chị Nguyễn Thị Năm đã đầu tư dây chuyền ép dầu hiện đại với máy bóc vỏ, máy xay nhân, máy ép dầu, máy lọc dầu.
Để sản phẩm đạt chất lượng, chị Nguyễn Thị Năm đã đầu tư dây chuyền ép dầu hiện đại với máy bóc vỏ, máy xay nhân, máy ép dầu, máy lọc dầu. 
Trước thực tế đó, là người chuyên đi thu mua, tiêu thụ lạc ở nhiều nơi, chị Năm luôn trăn trở làm thế nào để người dân có thể bán lạc với giá cao hơn, không bị tiểu thương ép giá mỗi khi vào vụ. Thấy dầu lạc và các loại dầu thực vật ngày càng được tiêu thụ nhiều ở các tỉnh, thành phố, chị nảy ra ý tưởng làm dầu lạc để bán. 
 
Từ khởi đầu ép dầu lạc thủ công, năm 2017, được Hội LHPN xã vận động cải tiến sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chị đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền ép dầu hiện đại với số tiền 150 triệu đồng để mua máy bóc vỏ, máy xay nhân, máy ép dầu, máy lọc dầu có công suất 70kg/giờ.
 
Chị Năm kể, thời gian đầu khi mới đi vào hoạt động, cơ sở gặp rất nhiều khó khăn do đầu vào nguyên liệu và đầu ra tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa được ổn định. Bên cạnh đó, vì chưa quen với thiết bị máy móc mới nên hễ gặp trục trặc chị lại phải mua thiết bị về thay thế, rất vất vả và tốn kém. Trải qua bao thăng trầm với nghề, để có những sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng, chị cùng với gia đình tìm hiểu qua sách báo, đồng thời, tham quan các cơ sở khác trong và ngoài tỉnh. Đến nay, cơ sở của chị đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường.
 
Xác định khâu nguyên liệu đầu vào quyết định toàn bộ chất lượng sản phẩm và lấy tiêu chí sản phẩm sạch là hàng đầu, chị Năm đã liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm với những hộ trồng lạc ở trong xã và các vùng lân cận. Đồng thời, chị thực hiện cam kết sản xuất đúng quy trình an toàn để nhập nguyên liệu sạch ép lấy dầu. 
 
Theo kinh nghiệm chế biến ép dầu của gia đình chị Năm, muốn cho ra lò sản phẩm dầu tinh chất thơm ngon, đúng vị tự nhiên phải lựa chọn những loại hạt không bị mốc, hỏng. Trung bình cứ khoảng 2kg lạc thì ép được 1 lít dầu lạc, với giá bán bình quân 120.000 đồng-150.000/lít. Bằng cách làm này, mỗi năm, cơ sở ép dầu Đức Năm bao tiêu từ 120-150 tấn lạc cho bà con nông dân trong xã và các vùng lân cận.
 
Chị Nguyễn Thị Năm cho biết, mọi hoạt động sản xuất của cơ sở Đức Năm đều theo quy trình khép kín, tạo ra sản phẩm bảo đảm được khâu an toàn thực phẩm, nguyên chất, chất lượng, thơm ngon và đặc biệt không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất tạo mùi, màu hay chất bảo quản. Chính vì vậy, những mẻ dầu làm ra từ cơ sở ép dầu Đức Năm ngày càng được nhiều người biết đến, tin dùng. 
 
Đến nay, sản phẩm dầu lạc của cơ sở Đức Năm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn bán ra các tỉnh, thành, như: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Nghệ An..., thậm chí còn có một số thương lái quen thuộc mua dầu qua bán ở nước bạn Lào. Hiện, ngoài sản phẩm dầu lạc, gia đình chị Năm còn phát triển thêm dầu vừng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cơ sở Đức Năm liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm với những hộ trồng lạc ở xã Tân Thủy và các vùng lân cận.
Cơ sở Đức Năm liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm với những hộ trồng lạc ở xã Tân Thủy và các vùng lân cận. 
Để chủ động được nguyên liệu chất lượng tại chỗ, góp phần phát triển sản xuất của địa phương, chị đã liên kết bao tiêu sản phẩm với người dân. Không chỉ góp phần tiêu thụ nông sản cho người trồng lạc ở địa phương, cơ sở của chị còn tiêu thụ nông sản cho nhiều xã xung quanh, như: dứa, bí, ngô, mướp đắng…Bên cạnh đó, chị còn trồng 2ha các loại cây: cà, vừng và chăn nuôi lợn..., cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm.
 
Ông Dương Đức Hoãn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thủy cho biết, cơ sở ép dầu Đức Năm không chỉ góp phần tiêu thụ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương mà còn thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp của xã. Vì thế, UBND xã Tân Thủy đã lập danh mục đăng ký sản phẩm dầu thực vật của cơ sở sản xuất Đức Năm là sản phẩm OCOP của xã. Thời gian qua, để phát triển thương hiệu sản phẩm của địa phương, xã đã chủ động tư vấn để cơ sở hoàn thiện phiếu đăng ký phương án kinh doanh, hoàn thiện nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nhận diện thương hiệu; mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Phạm Hà