Khai thác tốt tiềm năng để đưa Minh Hóa phát triển bền vững

  • 14:42 | Thứ Ba, 30/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 30 năm tái lập huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Minh Hóa luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh; đồng thời phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn; huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi trên các lĩnh vực. Trong chặng đường tiếp theo, Minh Hóa tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là tiềm năng du lịch để đưa huyện nhà ngày càng phát triển bền vững…
 
Huyện Minh Hóa nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình, có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, có tổng diện tích tự nhiên toàn huyện hơn 139.300ha. Là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, tuy nhiên Minh Hóa được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội.
 
Trên địa bàn huyện có Cửa khẩu quốc tế Cha Lo-Nà Phàu, các đầu mối và tuyến giao thông quan trọng đi qua như đường Hồ Chí Minh chạy suốt chiều dài của huyện, đường 12C là tuyến đường ngắn nhất nối các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan qua Lào, về quốc lộ 1A, đến cảng biển Hòn La (Quảng Bình), cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh). Đây là những điều kiện thuận lợi nhất để Minh Hóa phát triển sản xuất hàng hóa, thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu, thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế giữa địa phương với các vùng kinh tế trong tỉnh, trong nước và quốc tế.
 
Đặc biệt, theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch, ở Quảng Bình, tiềm năng du lịch của Minh Hóa chỉ đứng sau Bố Trạch và có thể phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng, như: khám phá, sinh thái, văn hóa, lịch sử, tâm linh…
 Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật và đồng chí Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt khánh thành công trình sửa chữa 87 nhà ở cho đồng bào Rục.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật và đồng chí Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt khánh thành công trình sửa chữa 87 nhà ở cho đồng bào Rục.
Minh Hóa có nhiều di tích lịch sử như đèo Đá Đẽo, Mụ Dạ, ngầm Rinh, Khe Ve, Cha Lo, Cổng Trời… Đây không chỉ là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng mà còn là tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch lịch sử về nguồn. Ngoài ra, Minh Hóa còn có núi rừng hùng vĩ, hệ thống hang động, sông suối, thung lũng, với nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt sắc như: Hệ thống hang động Tú Làn ở Tân Hóa, tuyến du lịch hang Rục Mòn - điểm phim trường King Kong - hồ Yên Phú, thác Mơ ở Hóa Hợp, thác Nước Rụng ở Dân Hóa, thác Bụt - giếng Tiên ở Yên Hóa và các hang động ở Thượng Hóa, Hóa Tiến, Hóa Thanh, Hóa Sơn…
 
Minh Hóa còn là địa phương có nhiều dân tộc anh em sinh sống, phong phú, đa dạng về văn hóa, có bề dày lịch sử và nổi tiếng với nhiều giá trị văn hóa riêng có. Dấu ấn là Hội Rằm tháng ba (âm lịch). Đây là lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc của huyện và hiện nay được tổ chức thành Tuần lễ Văn hóa-Thể thao và Du lịch với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, ẩm thực độc đáo, mang bản sắc riêng của núi rừng Minh Hóa.
 
Trên cơ sở, tiềm năng, lợi thế của địa phương, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là sự đầu tư hiệu quả thông qua Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ, Nghị quyết 03 của Đảng bộ tỉnh, cùng với quyết tâm vươn lên của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn huyện, trong hành trình 35 năm đổi mới, đặc biệt là 30 năm tái lập huyện, Minh Hóa đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng: kinh tế-xã hội phát triển ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân đã có nhiều cải thiện.
 
Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, kinh tế huyện có bước phát triển khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và công nghiệp-xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Thu ngân sách trên địa bàn huyện được tăng dần qua hàng năm, đến cuối năm 2019, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 34.071 triệu đồng, thu nhập GDP bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm nhanh qua các năm (bình quân giảm từ 6-8%/năm), đến cuối năm 2019 còn 18,35%.
 
Xác định nông-lâm nghiệp là ngành kinh tế trọng tâm, Đảng bộ huyện Minh Hóa tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện 2 chương trình kinh tế trọng điểm của huyện là phát triển chăn nuôi và trồng rừng kinh tế. Cụ thể, chương trình chăn nuôi được huyện Minh Hóa phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tổng đàn, từng bước chuyển chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, áp dụng quy trình chăn nuôi mới, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
 
Đồng thời, thực hiện tốt công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, quản lý, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, toàn huyện có 50 trang trại, tăng 18 trang trại so với năm 2015. Đến hết năm 2019, tổng đàn gia súc 34.777 con, đạt 100,2% kế hoạch; tổng đàn gia cầm 112.973 con, đạt 101,87% kế hoạch.
 
Chương trình trồng rừng kinh tế được các cấp, ngành và nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng, triển khai thực hiện quyết liệt, bước đầu mang lại hiệu quả. Được sự hỗ trợ của huyện, người dân thực hiện chuyển đổi linh hoạt trồng rừng từ cây có giá trị kinh tế thấp sang trồng rừng gỗ lớn, trồng cây có giá trị kinh tế cao như: dỗi, huê, lim, keo lai nuôi cấy mô, cây bản địa, cây dược liệu. Huyện đã thực hiện thí điểm 16 mô hình trồng cây hỗn loài (trồng xen kẽ cây keo nuôi cấy mô, huê, dỗi, lim…) với diện tích 16ha tại 13/16 xã, thị trấn. Bước đầu, các mô hình trồng cây hỗn loài phát triển tốt, cây trồng thích nghi điều kiện, khí hậu của địa phương, có khả năng phát triển tốt. Riêng năm 2019, toàn huyện trồng mới được 1.199,2ha, đạt 119,17% kế hoạch; đưa tỷ lệ độ che phủ rừng 78%...
 
Để đưa nền kinh tế của huyện phát triển ổn định và bền vững, song song với việc tập trung các giải pháp thực hiện hiệu quả 2 chương trình kinh tế trọng điểm là trồng rừng kinh tế và chăn nuôi, huyện Minh Hóa xác định cần phải khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địạ phương để phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển vượt bậc của du lịch Quảng Bình, du lịch Minh Hóa cũng đã có những chuyển biến đáng kể. Hiện, nhiều danh lam thắng cảnh của Minh Hóa như: hệ thống hang động Tú Làn, hang Rục Mòn, hồ Yên Phú, thác Mơ đã được các doanh nghiệp đầu tư khai thác, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn.
 
Đặc biệt, sau sự kiện đoàn làm phim Legendary Pictures đến từ Hollywood chọn 2 địa điểm hồ nước Yên Phú (Trung Hóa) và khu vực sông suối, hang Chuột (Tân Hóa) để thực hiện một số cảnh quay quan trọng của bộ phim bom tấn “Kong: skull island”, du khách đã biết và tìm đến ngày một nhiều hơn. Riêng năm 2019, tổng số lượt khách đến tham quan, du lịch tại hang động Tú Làn và Rục Mòn trên 4.458 lượt người, trong đó có trên 3.378 lượt khách quốc tế.
 
Trong thời gian tới, để huy động và thu hút các nguồn lực đầu tư vào du lịch, huyện Minh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực mang tầm chiến lược, lâu dài. Trong đó, huyện chú trọng việc nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về phát triển du lịch; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
 
Đồng thời, huyện chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch; đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, quảng bá du lịch; triển khai quy hoạch tổng thể, tạo môi trường thông thoáng, cơ chế thuận lợi để kêu gọi đầu tư hạ tầng cơ sở khu du lịch; hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm; xây dựng môi trường kinh doanh du lịch văn minh, lành mạnh, là điểm đến an toàn, văn hóa, thân thiện cho du khách…
 
Với tiềm năng dồi dào, cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn huyện, tin tưởng rằng, trong chặng đường tiếp theo, huyện Minh Hóa sẽ sớm ra khỏi danh sách huyện nghèo, vươn lên phát triển bền vững…
 
Nguyễn Bắc Việt
Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa