Khai mở tiềm năng, phát triển du lịch

  • 08:54 | Thứ Hai, 22/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không chỉ là vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, huyện Quảng Ninh còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều phong cảnh hữu tình, thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Với chiến lược đầu tư “biến tiềm năng thành cơ hội phát triển”, Quảng Ninh đang phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Tiếp giáp với Đồng Hới-thành phố du lịch, huyện Quảng Ninh hiện sở hữu nhiều di tích văn hóa và địa danh nổi tiếng, hội tụ đủ các yếu tố rừng núi, đồng bằng và biển. Từ bến phà Quán Hàu, “tọa độ lửa” anh hùng trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước đến ngã ba Trấn Xá, theo dòng Đại Giang du khách có thể thăm Di tích lịch sử bến phà Long Đại trên đường Hồ Chí Minh, chiêm ngưỡng các bản làng trù phú của đồng bào dân tộc Vân Kiều hay vãn cảnh núi Thần Đinh, trải nghiệm ở thác Tam Lu, khe Nước Lạnh...
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ là một trong những điểm nhấn của du lịch Quảng Ninh.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ là một trong những điểm nhấn của du lịch Quảng Ninh.
Gắn liền với hàng trăm di tích, địa danh, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà Quảng Ninh đang “sở hữu” là những lễ hội, làng nghề, như: lễ hội Rằm tháng Giêng ở các xã Lương Ninh, Vĩnh Ninh, thị trấn Quán Hàu; lễ hội Cầu ngư ở xã Hải Ninh; lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ... Cùng với đó, các sản phẩm ẩm thực đặc trưng, như: hàu Quán Hàu, khoai deo Hải Ninh, dưa hấu Hàm Ninh, hải sản Hải Ninh…, cũng đủ sức thu hút, níu chân du khách đến trải nghiệm và lưu trú, khám phá dài ngày. Đây đều là những tiềm năng giá trị, tạo cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển du lịch của huyện Quảng Ninh.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, xác định rõ tiềm năng và lợi thế của địa phương, với định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 06-CTr/HU về phát triển du lịch, trong đó, chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khôi phục phát triển các làng nghề thủ công truyền thống; tập trung những trục giao thông chính kết nối tour, tuyến du lịch địa phương nhằm phát triển đa dạng các loại hình du lịch.
 
Đặc biệt, huyện Quảng Ninh đã tiến hành quy hoạch phát triển các tuyến du lịch, điểm du lịch trọng điểm, gồm: bãi tắm, quảng trường biển, khu du lịch FLC (xã Hải Ninh); núi Thần Đinh, khe Nước Lạnh, đôi bờ Long Đại và văn hóa đồng bào Bru-Vân Kiều (xã Trường Xuân); thác Tam Lu, lễ hội cầu mùa bản Khe Cát (xã Trường Sơn).
 
Từ các tuyến, điểm du lịch trọng điểm đã quy hoạch, huyện Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với Dự án tiểu vùng sông Mê Kông và Sở Du lịch khảo sát sản phẩm du lịch đôi bờ Đại Giang, thác Tam Lu, khe Nước Lạnh...; đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế đến đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng có khả năng cạnh tranh trong khu vực.
 
Ông Ngô Đình Hướng, Trưởng Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Quảng Ninh chia sẻ: "Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng du lịch, Quảng Ninh đã triển khai xây dựng và ban hành đề án “Tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Quảng Ninh, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Cùng với lễ hội chùa Kim Phong-núi Thần Đinh, huyện Quảng Ninh quan tâm đầu tư phát triển lễ hội đua thuyền truyền thống trên cơ sở giữ gìn bản sắc riêng có của lễ hội; tìm và chọn phương pháp tổ chức thích hợp, thiết kế hoạt động phần hội thật sinh động, tạo yếu tố hấp dẫn cho du khách, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đưa lễ hội đua thuyền trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.
 
Thời điểm diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh đúng vào dịp mừng Tết Độc lập, cũng chính là dịp để người dân địa phương và du khách được hòa mình vào lễ hội, khám phá vẻ đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế kỷ; là cơ hội để đưa hình ảnh quê hương, con người Quảng Ninh đến gần hơn với bè bạn.
 
Từ những giải pháp đồng bộ, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Quảng Ninh những năm qua chuyển biến tích cực, tỷ trọng du lịch, dịch vụ tăng đáng kể trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì sự phát triển của ngành du lịch Quảng Ninh chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng sẵn có, chưa hình thành được hệ thống du lịch quốc gia với thương hiệu nổi tiếng.
 
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá để tăng trưởng, phát triển bền vững, huyện Quảng Ninh chủ trương xây dựng thương hiệu du lịch gắn với những nét độc đáo, đưa du lịch Quảng Ninh trở thành “Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”; phấn đấu đến năm 2025, huyện Quảng Ninh trở thành điểm du lịch sinh thái, tâm linh và nghỉ dưỡng với hơn 3 triệu lượt khách du lịch (giai đoạn 2020-2025).
 
Theo đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá; phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, hình thành các điểm du lịch văn hóa, lễ hội của người Bru Vân Kiều. Huyện cũng sẽ tiếp tục đa dạng hóa, hoàn thiện và phát triển mới các sản phẩm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm tại thác Tam Lu, núi U Bò; hình thành các khu du lịch sinh thái khám phá sông Long Đại-thác Tam Lu, khu du lịch sinh thái hồ Rào Đá; xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu tắm biển, thể thao trên biển, trên cát và hình thành các tuyến nối liền giữa Đồng Hới-Quảng Ninh-Lệ Thủy..., để Quảng Ninh thực sự là “Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”, “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch Quảng Bình, trong nước và quốc tế.
 
                                                                                            Thanh Hải