HTX nông nghiệp nuôi ong lấy mật Quyết Thắng:

Thí điểm thành công mô hình nuôi chồn hương thương phẩm

  • 14:15 | Thứ Năm, 18/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ năm 2018, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nuôi ong lấy mật Quyết Thắng, địa chỉ nuôi ong có “tiếng tăm” của xã Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa) đã thí điểm thành công mô hình nuôi chồn hương thương phẩm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và mở ra cơ hội tạo thêm thu nhập cho nông dân trên địa bàn.
 
Trước đó, sau một thời gian tìm hiểu, ông Nguyễn Quyết Thắng, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Quyết Thắng đã bỏ công sức, tiền của trực tiếp đến các mô hình, trang trại nuôi chồn hương các tỉnh ở Tây Nguyên và phía Nam để học hỏi kinh nghiệm. Sau một thời gian ở lại học nghề tại đây, năm 2018, ông quyết định đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 10 cặp giống về nuôi thử.
 
Tưởng chừng đã “lận lưng” được đầy đủ bí quyết nuôi chồn, nhưng chỉ sau hơn 1 tháng, số chồn ông mua về bị chết gần hết. Không nản chí, ông tiếp tục tìm mua giống về nuôi. Người có công, trời không phụ, sau gần 3 năm, đàn chồn hương của ông tiếp tục sinh sôi nảy nở. Có thời điểm, số lượng đàn tăng hơn 40 cặp.    
 
Ông Thắng cho biết: “Chồn hương là loài động vật hoang dã có giá trị khá cao trên thị trường. So với nhiều loài động vật, tôi đã nuôi thử nghiệm trước đây, như: nhím, gà lôi, chim trĩ, chim công..., nếu nuôi và nhân giống thành công, chồn hương sẽ mang lại nguồn thu rất lớn cho người dân. Giá chồn hương trên thị trường hiện nay khoảng 1,6 triệu đồng/kg (mỗi con nặng gần 3kg).
 
Mỗi con chồn hương nuôi khoảng 1 năm thì bán được. Thức ăn loài này rất đơn giản chỉ hoa quả, cơm, cá... Nhưng đây là loài động vật khá "đỏng đảnh", rất nhạy cảm và dễ bị bệnh, nhất là các bệnh về đường ruột. Nếu bị bệnh rất khó chữa trị. Điều đặc biệt nữa là chồn hương rất sạch sẽ, ưa thoáng mát và được cách ly độc lập hoàn toàn, vì vậy, chuồng trại phải được vệ sinh thường xuyên”.  
 
Hiện tại, HTX Quyết Thắng đã có 3 hộ nuôi thử nghiệm. Ông Thắng cho biết: “Cơ bản mình đã có kinh nghiệm nuôi và nhân giống thành công, song việc mở rộng mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm. Hiện tại, tôi đã chuyển giao kinh nghiệm cho 3 hộ dân ở 3 khu vực địa hình và điều kiện khí hậu khác nhau trên địa bàn để thử nghiệm, sau đó, sẽ đánh giá lại khu vực nào phù hợp để nhân rộng, đa dạng hóa sản phẩm cho HTX, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Tuy nhiên, điều khó khăn hiện nay là việc tìm mua được nguồn giống bố mẹ thật sự bảo đảm, đặc biệt là phải chọn được con đực giống chất lượng, bởi đây là yếu tố quyết định đến chất lượng đàn con giống sau này. Năm 2019, tôi đã làm hồ sơ mô hình thí điểm nuôi chồn hương gửi Sở Khoa học và Công nghệ để được giúp đỡ, hỗ trợ thêm về kinh phí, tập huấn kỹ thuật”.   
 
Chủ tịch UBND xã Thuận Hóa Phùng Ngọc Anh cho biết, ông Nguyễn Quyết Thắng, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Quyết Thắng là một cá nhân tích cực học tập, tìm tòi các loài mới để phát triển kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm cho HTX. Dù mới chỉ bước đầu đưa vào thử nghiệm, nhưng mô hình nuôi chồn hương được đánh giá cho lợi nhuận rất cao. Hiện tại, một số hộ thành viên trong HTX đã đưa vào nuôi thử nghiệm. Quan điểm của chính quyền địa phương là luôn tạo điều kiện, động viên, khuyến khích nhân dân đầu tư, mở rộng, phát triển các mô hình, sản phẩm mới nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.    
 
D.C.H