Giá thịt lợn neo cao, gian nan tái đàn

  • 09:01 | Thứ Bảy, 06/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, trong quá trình tái đàn, tăng đàn lợn để cân đối cung cầu, góp phần giảm giá thịt lợn, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang gặp khó khăn về vốn, con giống, công nghệ… Do đó, giá thịt lợn không chỉ khó giảm mà còn liên tục tăng cao.
 
Theo khảo sát giá thịt lợn trên địa bàn tỉnh, hiện nay, thịt lợn thương phẩm ở các vùng nông thôn có giá từ 140.000 đồng-150.000 đồng/kg; vùng thị trấn, trung tâm thành phố, huyện, thị xã có giá 160.000 đồng-170.000 đồng/kg; tại các siêu thị từ 150.000 đồng-195.000 đồng/kg tùy loại. Giá thịt lợn tăng cao, phần nào đã ảnh hưởng đến bữa cơm của những người nội trợ, bớt đi các món ăn truyền thống.
 
Chị Hoàng Thị Thoài, phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới chia sẻ: “Ra Tết đến nay, thịt lợn bán ở chợ có giá tăng từ 120.000 đồng-140.000 đồng/kg, giờ đã lên 160.000 đồng-170.000 đồng/kg. Do giá thịt lợn tăng cao nên thay vì thường xuyên chế biến các món ăn từ thịt lợn như trước, giờ tôi thường xuyên thay đổi thực đơn cho gia đình bằng các món ăn từ cá, trứng, vịt…” 
  Giá thịt lợn tăng cao, người tiêu dùng gặp khó khi đi chợ.
Giá thịt lợn tăng cao, người tiêu dùng gặp khó khi đi chợ.
Hơn mấy chục năm trong nghề kinh doanh thịt lợn, một tiểu thương ở chợ Phú Quý, thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch cho biết, chị thấy giá thịt lợn chưa bao giờ cao như thời điểm hiện nay. Sau đợt dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vào năm ngoái, số lượng lợn sụt giảm mạnh, lại thêm thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 khiến việc kinh doanh của các tiểu thương khá khó khăn.
 
Tiểu thương này cho hay: “Giờ thịt lợn hơi chúng tôi mua vào đã có giá ở mức trên dưới 90.000 đồng/kg, bán ra 150.000 đồng-160.000 đồng/kg mới có lãi. Nhưng giá thịt lợn cao thì người dân cũng mua dè chừng hơn nên cả người mua lẫn người bán đều khó khăn”.
 
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn vừa được Bộ Nông nghiệp-PTNT tổ chức, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT cho biết, giá thịt lợn tăng là do cung cầu thịt lợn mất cân đối, nguyên nhân chủ yếu bởi dịch bệnh dẫn đến nguồn cung thịt lợn giảm mạnh. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn theo quy mô lớn không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung làm tăng giá thịt lợn. Lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian làm giá thịt lợn tăng cao (gần 43%). Bên cạnh đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao làm giá thức ăn hỗn hợp tăng trên 10%, chi phí phòng chống dịch bệnh cũng tăng do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thuốc sát trùng.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Kỳ, Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp-PTNT tại Công văn số 573/SNN-CNTY, ngày 20-3-2020, hiện các địa phương trong tỉnh đã bắt đầu triển khai việc kê khai hoạt động chăn nuôi, tuy nhiên nhiều hộ chăn nuôi chưa phối hợp kê khai dẫn đến việc thống kê số lượng đàn lợn ít nhiều bị ảnh hưởng.
 
Hiện nay, việc tái đàn lợn đang được đẩy mạnh với quyết tâm cao nhất, mục tiêu chung là vừa đáp ứng đủ nhu cầu, vừa giảm giá thành thịt lợn nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng dịch. Tuy nhiên, để tái đàn, tăng đàn như hiện nay, ông Kỳ cho biết, các trang trại, hộ chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu con giống và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Bên cạnh đó, mặc dù Sở Nông nghiệp-PTNT đã có Công văn số 634/SNN-CNTY, ngày 27-3-2020 về việc hết DTLCP trên địa bàn tỉnh nhưng nhiều người chăn nuôi vẫn e ngại tái đàn do lo sợ dịch bệnh.
 
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thủy, hộ chăn nuôi lợn ở phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới cho biết: “Trong đợt DTLCP vừa rồi, rất may nhờ làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn gia đình tôi không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, từ sau dịch đến nay, để tái đàn, chúng tôi đang gặp khó khăn về con giống vì giá quá cao và cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi. Với mức giá lợn giống khoảng 250.000 đồng-300.000 đồng/kg thịt hơi; giá thức ăn chăn nuôi tăng gần 10% so với trước…, nhiều hộ chăn nuôi không đủ vốn để đầu tư nuôi tiếp”.
 
Theo ông Lê Hồng Kỳ, hiện nay, tỉnh Quảng Bình có các nguồn cung cấp lợn giống, như: Trung tâm giống vật nuôi tỉnh, Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình và các trang trại có nuôi lợn sinh sản. Đối với Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình, nếu có nhu cầu con giống thì phải có kế hoạch liên kết từ đầu năm nên rất khó để các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ tiếp cận con giống. Các nguồn cung còn lại, do ảnh hưởng của DTLCP, nên chưa đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi trong tình.
Việc tái đàn lợn phải gắn với tái cơ cấu sản xuất, tuân thủ điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Việc tái đàn lợn phải gắn với tái cơ cấu sản xuất, tuân thủ điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Với thực tế việc người dân còn tâm lý e ngại tái đàn sau DTLCP, chi phí cho con giống đầu vào, vật tư thú y hay thức ăn chăn nuôi đều tăng giá trong thời gian qua, việc giảm giá thịt lợn là bài toán khó chưa có lời giải.
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, hiện nay, tình hình DTLCP trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được khống chế. Để cân đối cung-cầu, giảm giá thịt lợn, ngành chăn nuôi đã có các hướng dẫn khuyến khích các trang trại, hộ chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn lợn. Để bảo đảm việc tái đàn có hiệu quả, người chăn nuôi cần tuân thủ các nội dung, như: phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, tổng vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học. Các cơ sở chăn nuôi chịu sự quản lý, định hướng của ngành chuyên môn trong việc tái đàn, tăng đàn gắn với tái cơ cấu sản xuất; tuân thủ điều kiện về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo quy định…
Lê Mai