Để miền núi gần hơn với đồng bằng

  • 14:31 | Thứ Hai, 22/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hai xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Những năm gần đây, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hệ thống kết cấu hạ tầng nơi đây được quan tâm đầu tư, chủ trương giao đất giao rừng hợp lòng dân..., góp phần tạo ra những đổi thay tích cực, đưa miền núi gần hơn với đồng bằng.
 
Nằm về phía Tây của huyện Quảng Ninh, 2 xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn có địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, diện tích đất tự nhiên chiếm 78% tổng diện tích toàn huyện. Hai xã có 2.071 hộ, 7.953 nhân khẩu gồm hai dân tộc Kinh và Vân Kiều sinh sống; trong đó, đồng bào Vân Kiều có 949 hộ với 3.923 nhân khẩu.
  Từ chủ trương giao đất, giao rừng, bà con xã Trường Sơn mạnh dạn phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Từ chủ trương giao đất, giao rừng, bà con xã Trường Sơn mạnh dạn phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Để kinh tế-xã hội hai xã miền núi ngày càng phát triển, từ nhiệm kỳ 2010-2015, Huyện ủy Quảng Ninh đã có Nghị quyết chuyên đề, UBND huyện xây dựng “Đề án phát triển kinh tế-xã hội các xã miền núi giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020” nhằm tập trung huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững, chống nguy cơ tụt hậu.
 
Qua nhiều năm triển khai thực hiện, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành với các chương trình dự án, kinh tế-xã hội của hai xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn đã có những chuyển biến tích cực, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.
 
Xác định thế mạnh của hai xã miền núi hiện nay là phát huy điều kiện tự nhiên thuận lợi để bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng, UBND huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo triển khai rà soát, thống kê, phân loại đất; xây dựng phương án giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình và các thôn, bản bảo vệ rừng cộng đồng.
 
Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: “UBND xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác giao đất, giao rừng cho nhân dân sản xuất, khoanh nuôi, bảo vệ, trong đó, ưu tiên cho đồng bào Vân Kiều nhằm ổn định cuộc sống. Đến nay, xã đã giao trên 3.478ha đất rừng và 343ha rừng khoanh nuôi bảo vệ cho người dân; đồng thời, chỉ đạo nhân dân tiếp tục chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế.
 
Giá trị đưa lại từ khai thác gỗ rừng trồng bình quân đạt khoảng 16 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, xã đã chỉ đạo nhân dân chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó, chú trọng kinh tế trang trại chăn nuôi kết hợp vườn rừng vườn đồi, nuôi ong lấy mật, hướng tới xây dựng sản phẩm mật ong Trường Xuân đạt tiêu chuẩn OCOP”.
 
Ông Hoàng Mạnh Hà, Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn cho biết thêm: “Với mục tiêu lấy công tác trồng rừng, bảo vệ rừng làm đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao đời sống cho nhân dân, Đảng bộ xã Trường Sơn đã quan tâm, chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt công tác trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Từ đầu năm 2016 đến nay, toàn xã đã giao đất rừng cho 18 thôn, bản; trong đó có 502 hộ, 1.877 khẩu ở 11 thôn, bản nhận hơn 469ha đất trên thực địa ổn định. Đến nay, toàn xã có 78% hộ dân được giao đất lâm nghiệp, bình quân đạt 1,6 ha/hộ.
 
Bên cạnh đó, Dự án vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng cũng đã tiến hành giao rừng khoanh nuôi gần 683ha, rừng cộng đồng 1.313ha và giao 2.156ha rừng khoanh nuôi bảo vệ cho 232 hộ ở 8 thôn, bản nhận khoán bảo vệ. Qua đó, góp phần quan trọng vào thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng-an ninh và bảo đảm môi trường sinh thái; giúp người dân Trường Sơn tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu từ kinh tế rừng”.
 
Cùng với chủ đạo là phát triển kinh tế rừng, người dân hai xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn còn chú trọng phát triển chăn nuôi, trồng trọt và các ngành nghề kinh doanh dịch vụ. Đến nay, bình quân thu nhập đầu người của xã Trường Xuân đạt 37 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,5%. Bình quân thu nhập đầu người của xã Trường Sơn đạt 17 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,12%/năm, còn 35%.
 
Kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, cơ sở vật chất hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư, đời sống nhân dân ổn định, bộ mặt nông thôn hai xã miền núi ngày càng khởi sắc..., hai xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn đang xích lại gần hơn với đồng bằng.
 
                                                          Hà Ngọc Khang
                                                         (Đài TT-TH Quảng Ninh)