Bố Trạch: Chủ động chống hạn cho lúa hè-thu

  • 06:55 | Thứ Ba, 23/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhờ chủ động phòng, chống hạn với các phương án thiết thực, cụ thể, nên đến nay, huyện Bố Trạch đã bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vụ hè-thu với diện tích vượt kế hoạch đề ra. Kỳ vọng với sự nỗ lực của huyện và bà con nông dân, Bố Trạch sẽ đối phó được với tình hình thời tiết nắng nóng diễn biến kéo dài và ngày càng phức tạp.
 
Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ hè-thu năm nay, ngay từ đầu vụ, huyện Bố Trạch đã đề ra chỉ tiêu cho các địa phương phấn đấu sản xuất 2.650ha lúa/2.100ha kế hoạch. Sở dĩ huyện đưa ra chỉ tiêu cao so với kế hoạch là nhằm mục đích để các địa phương đều phấn đấu, nỗ lực vượt lên khó khăn thực hiện, tránh tình trạng bỏ hoang đất như vụ hè-thu năm trước. 
 Bố Trạch chủ động xây dựng các kênh mương nội đồng, dự trữ nguồn nước tưới trước khi vào sản xuất.
Bố Trạch chủ động xây dựng các kênh mương nội đồng, dự trữ nguồn nước tưới trước khi vào sản xuất.
Tính đến nay, toàn huyện đã gieo cấy được 2.300ha lúa, vượt kế hoạch đề ra 200ha. Trong đó, ngoài diện tích lúa có nguồn nước do các trạm bơm của tỉnh quản lý cung ứng, diện tích do huyện Bố Trạch quản lý tưới nước là 1.682ha. Tuy nhiên, theo tính toán, huyện bảo đảm tưới được 1.240ha, còn lại là diện tích thiếu nước phải bơm chống hạn.
 
Toàn huyện Bố Trạch hiện có 43 hồ chứa nước, nhiều công trình, đập xây, cống và kênh mương dẫn nước... phục vụ tưới tiêu cho hàng nghìn ha lúa, cây công nghiệp và nuôi thủy sản trên địa bàn huyện. Các hồ đập chứa nước lớn, như: hồ Vực Nồi, Cửa Nghè, Đồng Ran, Vực Sanh và đập dâng Đá Mài, bảo đảm nước tưới cho diện tích lúa các xã, như: Vạn Trạch, Sơn Lộc, Hải Phú, Mỹ Trạch, Bắc Trạch, Hạ Trạch, Đại Trạch, Trung Trạch và thị trấn Hoàn Lão.
 
Tính đến thời điểm này, các hồ chứa vừa và nhỏ do địa phương quản lý hầu như mực nước còn dưới 60% dung tích thiết kế; một số hồ có dung tích dưới 19% do đang trong quá trình tu sửa. 
 
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để chủ động khắc phục những diễn biến bất thường của thời tiết, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về sử dụng nguồn nước hợp lý, khoa học, tiết kiệm, tránh gây thất thoát nguồn nước. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thời tiết, kịp thời điều chỉnh quy trình vận hành, quy trình tưới của các công trình.
 
Theo đó, UBND các xã, thị trấn đã chú trọng chỉ đạo bà con nông dân tiếp tục thực hiện quy trình tưới tiết kiệm nước, áp dụng hình thức tưới ẩm. Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện phối hợp với các địa phương rà soát các diện tích khó khăn về nguồn nước, đề xuất phương án chuyển đổi cây trồng từ lúa nước sang cây trồng cạn, cây ngắn ngày để bảo đảm sản xuất đạt hiệu quả. 
   Nông dân Bố Trạch nỗ lực áp dụng các biện pháp sản xuất tiết kiệm nước trong những ngày nắng hạn.
Nông dân Bố Trạch nỗ lực áp dụng các biện pháp sản xuất tiết kiệm nước trong những ngày nắng hạn.
Các địa phương cũng đã tổ chức huy động toàn dân ra quân làm thủy lợi, như: tu sửa, nạo vét kênh mương, sửa chữa trạm bơm, công trình thủy lợi; chuẩn bị máy bơm dã chiến để bơm tận dụng các nguồn nước từ đầu vụ và bơm nước ở các ao hồ vào cuối vụ. Đồng thời, huyện đã cho tu sửa các công trình ngăn mặn để hạn chế tối đa diện tích bị xâm nhập mặn.
 
Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện cho hay, bước vào sản xuất vụ hè-thu năm nay, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã rà soát diện tích có nguy cơ hạn cao, không đủ nước trồng lúa, hướng dẫn bà con chuyển đổi sang các loại cây trồng trên cạn, như: rau màu, khoai, dưa, ngô, đậu đỗ..., để tránh thiệt hại và hạn chế tối đa diện tích đất bỏ hoang; đồng thời, xây dựng kế hoạch điều tiết nước phù hợp, bảo đảm nguồn nước tưới cho diện tích lúa. Cán bộ của phòng cũng trực tiếp về các địa phương hướng dẫn cho bà con nông dân xuống giống, gieo trồng các loại cây trồng với nhiều biện pháp canh tác bảo đảm hiệu quả.
 
Tuy nhiên, ở một số địa phương, do nhiều nguyên nhân khách quan, nguồn nước không đủ để sản xuất lúa, thậm chí không thể chuyển đổi sang cây trồng khác. Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Hải Phú cho hay: “Hiện do nguồn nước không cung cấp đủ nên trong vụ hè-thu, xã Hải Phú chỉ sản xuất được 40ha lúa/129ha. Toàn xã có gần 90ha đất bị bỏ trống. Với chất đất và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn, địa phương đành chấp nhận bỏ phí một diện tích đất không nhỏ vì cũng rất khó để chuyển đổi sang các cây trồng khác”.  
 
Một số địa phương ngoài việc thực hiện trồng lúa bảo đảm nguồn nước còn chuyển đổi một số diện tích đất sang cây trồng phù hợp với mùa nắng hạn đạt hiệu quả cao như xã Vạn Trạch. “Toàn xã Vạn Trạch sản xuất vụ hè-thu với diện tích 319ha, trong đó có 304ha lúa. Bà con trên địa bàn đã chuyển đổi được 15ha đất trồng lúa sang trồng dưa hấu. Đây là diện tích đất có vị trí khá cao, nguồn nước dẫn khó khăn, không bảo đảm cho sản xuất lúa…
 
Với 15ha dưa hấu chỉ cần một lượng nước đủ ẩm là bảo đảm cho dưa sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt, dưa hấu có giá trị cao gấp 10 lần so với lúa; trung bình mỗi ha, người dân thu được 200 triệu đồng”, ông Nguyễn Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch, trao đổi.
 
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của các địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, đồng thời, chủ động chuyển đổi cây trồng trên những diện tích có khả năng thiếu nước, huyện Bố Trạch sẽ khắc phục, hạn chế được tình trạng thiếu nước, bảo đảm sản xuất vụ hè-thu 2020 thắng lợi.
 
                                                                                               Hương Trà