Tín hiệu vui cho ớt Hồng Thuỷ

  • 13:58 | Thứ Bảy, 30/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2018, ớt Lệ Thủy có bao bì, nhãn mác và kỳ vọng là đặc sản của địa phương đứng vững trên thị trường. Đặc biệt, năm 2020, Lệ Thủy xây dựng ớt bột Thánh Gái thành sản phẩm OCOP của huyện, tạo tiền đề vững chắc để phát triển sản phẩm theo hướng hiệu quả, bền vững.
 
Lệ Thủy là địa phương có diện tích trồng ớt tương đối lớn (toàn huyện có gần 40ha), tập trung nhiều ở một số xã, như: Hồng Thủy, Thanh Thủy... Tuy nhiên, những năm gần đây, người trồng ớt gặp nhiều khó khăn do đầu ra chưa ổn định; sản phẩm chưa có bao bì, nhãn mác nên khó thâm nhập được vào thị trường tiềm năng (các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch…) 
Cơ sở thu mua và chế biến nông sản Thánh Gái đã đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để chế biến ớt.
Cơ sở thu mua và chế biến nông sản Thánh Gái đã đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để chế biến ớt.
Với mong muốn tiêu thụ nông sản cho người dân trong huyện, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con, chị Hồ Thị Gái, thôn Thạch Trung, xã Hồng Thủy đã thành lập cơ sở thu mua, chế biến nông sản Thánh Gái, đồng thời, đầu tư máy móc, thiết bị khoa học hiện đại để chế biến ớt sạch dưới các dạng quả tươi đóng hộp, xay ớt bột mịn, ớt tách hạt, ớt xiêm muối..., đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm ớt Lệ Thủy, mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Từ khi thành lập, cơ sở thu mua, chế biến nông sản Thánh Gái đã liên kết thu mua ớt nguyên liệu của bà con nông dân, xây dựng mô hình sản xuất tập trung chuyên canh gắn với kiểm soát chất lượng sản phẩm để khắc phục một số hạn chế theo lối truyền thống. Đặc biệt, cơ sở đã ứng dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm dần tình trạng bán sản phẩm thô tươi cho thương lái.
 
Hiện nay, các sản phẩm ớt của cơ sở đã được kiểm định chất lượng nhằm kiểm tra các thành phần có trong ớt, như: tạp chất, độ tinh khiết... Trên cơ sở đó, sản phẩm đã được làm mã vạch truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng có thể biết được quy trình sản xuất, chế biến ớt và sản phẩm có nguồn gốc ở đâu… Ngoài ra, cơ sở đang làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu nhằm tạo lòng tin cho người tiêu dùng và để các sản phẩm kém chất lượng khác không thể trà trộn. 
Ớt Hồng Thủy đa dạng bao bì và mẫu mã sản phẩm.
Ớt Hồng Thủy đa dạng bao bì và mẫu mã sản phẩm.
Chị Gái cho biết: "Hiện cơ sở đang chủ yếu thu mua nguyên liệu ớt chỉ thiên, ớt chìa vôi, ớt ngọt Hàn Quốc cho bà con nông dân xã Hồng Thủy, Thanh Thủy và ớt xiêm của bà con Lâm Thủy. Thời gian tới, cơ sở sẽ tiếp tục liên kết sản xuất với bà con trồng ớt, mở rộng vùng nguyên liệu ớt sạch sang các địa phương khác nhằm tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, bảo đảm nguyên liệu đầu vào cho chế biến".
 
Theo ông Châu Văn Sông, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, việc sản xuất sản phẩm ớt của bà con nông dân Hồng Thủy, mang thương hiệu Thánh Gái đã được hình thành theo chuỗi từ khâu trồng đến khâu chế biến và tiêu thụ tại địa phương. Sản phẩm đã được khẳng định chất lượng và mẫu mã, đang thâm nhập thị trường tiêu thụ ổn định và có cơ hội mở rộng. Đây là tín hiệu vui cho người trồng ớt Hồng Thủy. Thời gian tới, xã đang khuyến khích cơ sở thành lập công ty để mở rộng và ổn định sản xuất, khẳng định thương hiệu sản phẩm của địa phương, hiện sản phẩm đang tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2020.
 
Thanh Hoa