Tăng cường các biện pháp cấp bách giữ rừng trong mùa nắng nóng

  • 08:47 | Thứ Bảy, 23/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo dự báo, thời tiết mùa khô năm nay diễn biến phức tạp, tình hình nắng nóng, khô hạn có thể kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân trong tỉnh cần tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về rừng do "giặc lửa" gây ra.
 
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, từ nhiều năm nay, hầu hết nguyên nhân gây cháy rừng đều xuất phát từ việc sử dụng lửa thiếu ý thức của con người. Vì vậy, muốn hạn chế cháy rừng phải nêu cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các tổ chức trồng rừng, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất trong rừng, ven rừng và cộng đồng dân cư sống gần rừng; đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, vận động mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), trong đó, đặc biệt là việc nâng cao hiểu biết pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR. 
Các lực lượng chức năng huyện Quảng Ninh diễn tập PCCCR trên thực địa. Ảnh A.T
Các lực lượng chức năng huyện Quảng Ninh diễn tập PCCCR trên thực địa. Ảnh A.T
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh cho biết, để chủ động trong công tác PCCCR năm 2020, đặc biệt trong những tháng cao điểm mùa nắng nóng, UBND tỉnh đã có Công văn 748/UBND-KT yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan, các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách, bảo đảm điều kiện an toàn về PCCCR.
 
Cụ thể, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các chủ rừng khẩn trương xây dựng, bổ sung và hoàn thiện phương án PCCCR phù hợp tình hình thực tế; kiện toàn lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng-PCCCR theo quy định, trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ huy chữa cháy rừng; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các chủ rừng, tổ, đội bảo vệ rừng-PCCCR.
 
Đồng thời, các đơn vị khẩn trương xây dựng, duy tu các công trình PCCCR, như: chòi canh lửa rừng, băng cản lửa, bảng, biển tuyên truyền, cảnh báo lửa rừng…; quản lý hoạt động đốt nương, rẫy, đồng ruộng, thực bì để sản xuất, trồng rừng trong rừng, ven vùng rừng có nguy cơ cháy cao; sử dụng lửa ở những khu rừng gần khu dân cư, trường học…
 
Cùng với đó, các đơn vị cần tăng cường nhân lực tại các địa bàn trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho chính quyền cấp xã thực hiện công tác PCCCR; tổ chức theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng, điểm cháy rừng qua ảnh vệ tinh trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế điểm cháy bùng phát thành đám cháy.
 
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, tổ chức kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCCR trước và trong suốt mùa khô. Trong đó, cần tập trung vào các nội dung về chấp hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong PCCCR của các chủ rừng, xây dựng và thực hành phương án PCCCR, công tác chuẩn bị các nguồn lực cho hoạt động PCCCR…
 
Các lực lượng liên ngành Kiểm lâm, Công an, Quân đội tổ chức xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong công tác PCCCR; bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý khi có cháy rừng xảy ra.
 
Trong thời điểm hanh khô kéo dài, cảnh báo nguy cơ cháy rừng cao, Hạt Kiểm lâm và các chủ rừng phải bảo đảm lực lượng ứng trực 24/24 giờ trên lâm phần quản lý để phát hiện sớm các điểm cháy rừng và kịp thời dập tắt không để cháy lớn xảy ra; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng.
 
Theo ông Phạm Văn Bút, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, rút kinh nghiệm từ công tác chữa cháy rừng trong năm 2019, trước thời điểm bước vào mùa khô năm 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức đợt kiểm tra tổng thể công tác phòng cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh; đặc biệt đối với một số xã, chủ rừng thuộc vùng trọng điểm cháy rừng, để rà soát kỹ lưỡng và có phương án điều chỉnh kịp thời nhằm chủ động đối phó tốt với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
 
Trong đó, đơn vị đã yêu cầu địa phương, chủ rừng khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ, PCCCR nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ rừng, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR của nhân dân; kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ gây cháy rừng; chủ động chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Anh Tuấn, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch, cho biết, là địa bàn rộng, diện tích rừng nhiều nhưng phân bố không đồng đều, địa hình lại chia cắt, hiểm trở, gây khó khăn cho công tác PCCCR, nhưng những năm qua, huyện Bố Trạch đã vận dụng linh hoạt các giải pháp và hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về rừng trên địa bàn do "giặc lửa" gây ra.
 
Năm 2019, do tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài, nền nhiệt độ luôn ở mức cao cùng với sự chủ quan trong công tác PCCCR của chính quyền một số địa phương và đơn vị chủ rừng nên trên địa bàn huyện xảy ra 8 vụ cháy rừng (tăng 5 vụ so với năm 2018), diện tích thiệt hại 27,01ha (tăng 23,88ha so với năm 2018).
Công tác kiểm tra rừng trước mùa khô được các lực lượng chức năng triển khai trên diện rộng.
Công tác kiểm tra rừng trước mùa khô được các lực lượng chức năng triển khai trên diện rộng.
Bước vào mùa nắng nóng năm nay, đơn vị đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng vệ sinh rừng, xử lý thực bì trước mùa khô. Đến nay, toàn huyện đã xử lý thực bì 12.682ha trên tổng số 16.997ha rừng trồng, đạt tỷ lệ 74,61%.
 
Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã tham mưu Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Bố Trạch kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh các xã, đơn vị chủ rừng thực hiện tốt các biện pháp PCCCR, tổ chức trực cháy và chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
 
Đồng thời, đơn vị phối hợp với Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan bám sát tình hình thời tiết trong mùa khô để thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện truyền thông đại chúng và hệ thống loa phóng thanh cơ sở để người dân biết nguy cơ cháy rừng nhằm có biện pháp phòng ngừa và chấp hành các quy định của Nhà nước về PCCCR, hạn chế thấp nhất xảy ra cháy rừng trên toàn địa bàn.
 
“Với nỗ lực chuẩn bị "lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ", Quảng Bình sẽ chủ động và sẵn sàng ứng cứu, kịp thời khống chế, tổ chức chữa cháy rừng khi sự cố không hay xảy ra và nhanh chóng khắc phục hậu quả do “giặc lửa” gây ra”, ông Nguyễn Văn Long chia sẻ thêm.
                                                                                              Hương Trà