Quảng Ninh: Vượt khó vụ đông-xuân

  • 07:54 | Thứ Bảy, 30/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vụ đông xuân năm 2019-2020, Quảng Ninh gặp khá nhiều bất lợi. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng của chính quyền và sự nỗ lực của người dân, đây vẫn được xem là vụ mùa đạt nhiều kết quả tích cực.
 
Có thể nói, Quảng Ninh bước vào vụ sản xuất đông-xuân năm 2019-2020 với nhiều khó khăn do thời tiết thất thường. Đầu vụ, mưa to làm 700ha lúa mới gieo bị ngập, trong đó có 340ha ngập nặng, 240ha phải gieo cấy lại; cuối vụ, ảnh hưởng của 2 đợt gió mùa làm 1.500ha lúa đang giai đoạn chín bị ngã đổ, năng suất lúa giảm từ 5-25%. Kèm theo đó, tình hình sâu bệnh vẫn phát sinh, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông và sâu cuốn lá nhỏ trên lúa gây hại nặng cuối vụ trên trà muộn.
 
Tuy nhiên, nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể cùng với sự nỗ lực, khắc phục khó khăn của bà con nông dân, nên vụ đông-xuân năm nay, huyện Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Diện tích lúa vụ đông-xuân đạt 5.219 ha/5.200 ha, đạt 100,36% KH; năng suất đạt 62 tạ/ha, sản lượng 32.524 tấn; trong đó, nhiều địa phương có năng suất thu hoạch khá cao, như: Gia Ninh, An Ninh, Lương Ninh, Vạn Ninh, Xuân Ninh...
 
Theo ông Nguyễn Duy Viên, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất, xã An Ninh, vụ đông-xuân 2019-2020, HTX tiến hành gieo cấy trên diện tích 248,5ha, chủ yếu là giống lúa Nhị ưu 838.
 
Mặc dù gặp sâu bệnh nhiều, đầu vụ và cuối vụ có mưa lớn gây ảnh hưởng trên khoảng 20% diện tích lúa nhưng nhờ triển khai tích cực các biện pháp nên đây vẫn được xem là vụ mùa thắng lợi của bà con xã viên với năng suất đạt 76 tạ/ha, sản lượng 1.800 tấn. Đặc biệt, đây cũng là năm giá lúa đạt cao với mức thu mua đạt 6.500 đồng/kg nên bà con nông dân hết sức phấn khởi. 
Nông dân Quảng Ninh thu hoạch lúa đông-xuân.
Nông dân Quảng Ninh thu hoạch lúa đông-xuân.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Ninh cho biết, thành công trên là nhờ các địa phương đã chỉ đạo sản xuất trên cơ sở thực hiện linh động lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa theo chỉ đạo của huyện. Bên cạnh các giống lúa chất lượng gạo thấp, năng suất cao cung ứng cho nhu cầu chế biến, một số giống có chất lượng gạo ngon, như: P6, HT1, lúa lai Nhị ưu 838... được người dân lựa chọn gieo trồng.
 
Huyện đã xây dựng và thực hiện một số giải pháp để quản lý tốt sản xuất, như: dự tính dự báo, đặc biệt là ở các giai đoạn quan trọng nhằm kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại trên đồng ruộng, tình hình sinh trưởng phát triển các loại cây trồng chính trên địa bàn; theo dõi mức độ đầu tư thâm canh của người dân, nắm được hiện trạng, phát hiện những tồn tại để từ đó hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc thâm canh cây trồng hợp lý...
 
Xác định công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và thực hiện cánh đồng mẫu lớn là những nhiệm vụ trọng tâm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong vụ đông-xuân năm nay, huyện Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, rau, mướp đắng; đồng thời, phát triển các chuỗi liên kết giá trị nông sản.
 
Với chủ trương thu hoạch lúa đông-xuân đến đâu tiến hành làm đất, gieo cấy vụ hè-thu đến đó, hiện tại, huyện Quảng Ninh đang tích cực hướng dẫn các địa phương chuẩn bị tốt mọi điều kiện để triển khai sản xuất vụ hè-thu; phấn đấu diện tích cây lúa 3.250 ha, ngô 20 ha, lạc 30ha.
 
Theo đó, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã xây dựng khung lịch thời vụ theo phương châm lúa đông-xuân chín đến đâu gặt đến đó, đẩy nhanh gieo cấy vụ hè-thu nhằm tránh khả năng ảnh hưởng mưa lũ cuối vụ và tránh được nạn chuột di cư phá hại; tập trung chỉ đạo đưa bộ giống ngắn ngày và cực ngắn vào sản xuất, hạn chế gieo trồng giống có thời gian sinh trưởng trên 90 ngày.
 
Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các biện pháp diệt chuột, sâu cuốn lá... để bảo vệ sản xuất vụ hè-thu; đồng thời, chỉ đạo các xã: Hiền Ninh, Hàm Ninh, Tân Ninh, Vĩnh Ninh, Trường Xuân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nguồn nước tưới vụ hè-thu sang lựa chọn các cây trồng phù hợp có truyền thống, thị trường tiêu ưa chuộng, dễ tiêu thụ để chỉ đạo nhân dân sản xuất như: ngô, dưa hấu, mướp đắng, dưa leo, đậu xanh…; yêu cầu các địa phương và chi nhánh thủy nông cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc điều tiết quỹ nước tưới theo hướng tiết kiệm, hợp lý để nhân dân gieo cấy và chăm sóc.
                                                                                       Th. Hải