Tuyên Hóa: Thu hút đầu tư, tạo động lực bứt phá

  • 08:30 | Chủ Nhật, 22/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại luôn giữ vai trò rất quan trọng trong việc tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng, với một huyện miền núi như Tuyên Hóa, do nguồn lực hạn chế, điều kiện tự nhiên đặc thù, "động lực" trên dường như chỉ trông chờ vào đầu tư bên ngoài thông qua những chính sách kêu gọi, thu hút hợp lý.
 
Phá thế chia cắt
 
Bao giờ hết cảnh cách sông, trở đò? Đó là niềm mong mỏi của hàng trăm hộ dân ở phía hữu ngạn sông Gianh, xã Phong Hóa. Câu hỏi đó của người dân đã không ít lần làm khó cho chính quyền địa phương và huyện Tuyên Hóa. Lãnh đạo địa phương biết vậy, nhưng “lực bất tòng tâm”. Xã nghèo, huyện cũng nghèo, lấy đâu ra số tiền hàng chục tỷ đồng để làm cầu. Vậy nên, mong muốn của người dân vẫn chỉ là niềm mơ ước. Suốt nhiều năm, hơn 850 hộ dân ở 3 thôn Cao Trạch, Sảo Phong và Mã Thượng vẫn phải chịu cảnh lụy đò mỗi khi vượt sông sang vùng trung tâm xã. Câu chuyện sinh kế, phát triển kinh tế của người dân vùng Tây Nam này theo đó cũng gặp không ít khó khăn.
 
Thế rồi, một ngày niềm mơ ước ấy đã trở thành hiện thực. Từ năm 2013, sau hơn 4 năm trời kêu gọi, huyện Tuyên Hóa đã nhận được cái “gật đầu” đồng ý đầu tư của một dự án phi Chính phủ. Cuối năm 2018, cầu Sảo Phong, xã Phong Hóa được khởi công xây dựng. Cầu có chiều dài trên 230m, rộng 3,5m, với kết cấu 7 nhịp, nối 2 khu vực Nam Phong và Minh Cầm của xã Phong Hóa. Tổng số vốn đầu tư lên đến 47 tỷ đồng, trong đó vốn xây dựng cầu hơn 21 tỷ đồng, vốn làm đường dẫn 26 tỷ đồng. Xin nói thêm, tổng vốn đầu tư để làm cầu, đường dẫn này chiếm gần 5/6 tổng nguồn thu ngân sách cả năm của huyện Tuyên Hóa thời điểm lúc bấy giờ (khoảng 60 tỷ đồng). 
Cầu Sảo Phong mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Nam xã Phong Hóa.
Cầu Sảo Phong mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Nam xã Phong Hóa.
Qua hơn 12 tháng thi công, đầu tháng 1-2020, cầu Sảo Phong hoàn thành và được đưa vào sử dụng trong niềm vui của người dân và chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND xã Phong Hóa Nguyễn Văn Đình cho biết, cầu Sảo Phong được đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho người dân, nhất là các em học sinh có điều kiện đến trường, tránh tình trạng địa phương bị chia cắt trong mùa mưa lũ. Công trình không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng đường giao thông nông thôn, mà còn mở ra cơ hội và là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng Tây Nam xã Phong Hóa phát triển.
 
Chủ động tiếp cận nguồn vốn
 
Tuyên Hóa là huyện miền núi, điều kiện tự nhiên bị chia cắt, đan xen giữa nhiều địa hình, đồi núi, sông suối. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân, mà còn ảnh hưởng đến việc kết nối, thông thương giữa các địa phương với nhau và chính sách mời gọi đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Cao Xuân Tín cho biết, trong điều kiện đó, những năm qua, huyện luôn xác định thu hút đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng là một trong những cơ sở quan trọng, tạo động lực cho phát triển. Với quyết tâm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, mang tính cạnh tranh, huyện Tuyên Hóa đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh, với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân làm tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc.
 
Đến nay, huyện đã áp dụng giải quyết 44 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh tại trung tâm một cửa liên thông huyện. Tất cả các thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai đúng quy định. Thời gian giải quyết các thủ tục đã được rút ngắn 10%. Cùng với công tác cải cách hành chính, địa phương đã chủ động tiếp cận các nguồn vốn đầu tư từ các cơ chế, chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ; triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn lực tại chỗ thông qua cấp, đấu giá quyền sử dụng đất; tập trung khai thác có hiệu quả các công trình, dự án của Trung ương, tỉnh đầu tư trên địa bàn. Ngoài ra, địa phương chủ động, kịp thời xử lý những vướng mắc, nhất là làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để các dự án đầu tư xây dựng sớm triển khai.
 
Điểm xuất phát thấp, nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là hệ thống giao thông, cầu, đường bộ của địa phương rất hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư rất lớn, Tuyên Hóa đã giải quyết “bài toán” này như thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Cao Xuân Tín cho hay, trong việc đầu tư xây dựng các công trình cơ bản, địa phương ưu tiên lựa chọn các công trình cấp thiết, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, bảo đảm không để thất thoát nguồn vốn, qua đó phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Nhờ vậy, tình hình xúc tiến, thu hút đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2018, 2019, huyện Tuyên Hóa đã kêu gọi, thu hút đầu tư được 31 dự án, với tổng mức đầu tư trên 309 tỷ đồng.
 
“Thời gian tới, để tăng cường thu hút đầu tư, huyện Tuyên Hóa sẽ triển khai thực hiện các khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với kế hoạch sử dụng các nguồn vốn đầu tư theo hướng tập trung, có trọng điểm, đồng thời phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Huyện quyết tâm không đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối để tránh tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đồng thời, sẽ chú trọng xã hội hóa đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa..., qua đó, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Cao Xuân Tín cho biết thêm.
Dương Công Hợp