Trăn trở vùng đồi

  • 13:48 | Thứ Tư, 25/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với sự đồng sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân, xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch) đã về đích nông thôn mới năm 2018. Đến nay, quê hương “làng một đêm” ngày thêm đổi mới, khang trang nhờ mở mang các ngành nghề; đặc biệt là dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, trăn trở lớn của cấp ủy, chính quyền nơi đây là làm thế nào để nâng cao hơn nữa mức sống của người dân trên vùng gò đồi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt “mưa nhiều, nắng gắt”...
 
Mở đầu câu chuyện, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm Nguyễn Thanh Hùng khẳng định: “Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng phát triển kinh tế lâu dài, bền vững, những năm qua, bà con nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư, thực hiện chuyển đổi phương thức sản xuất để hình thành những vùng chuyên canh hoa màu, cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo và làm giàu từ nông nghiệp”.
 
Hình thành vùng chuyên canh hoa màu, cây ăn trái
 
Những năm qua, để hình thành những vùng chuyên canh sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, bước đầu, Cự Nẫm đã tích cực triển khai thực hiện việc khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân trên địa bàn phương pháp cải tạo đất, chọn giống phù hợp và xuống giống từng loại cây trồng. Nhờ vậy, trên địa bàn xã đã từng bước hình thành các vùng, vườn chuyên canh hoa màu và cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Điển hình có các mô hình, như: chuyên canh ngô và dưa hấu ở các thôn: Đông Sơn, Trung Sơn, Hà Môn...; cây ăn trái ở thôn Nguyên Sơn; dừa xiêm ở thôn Nam Nẫm…
 
Trên thực tế, những vùng chuyên canh có hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ từ 1,5 -2 lần trở lên. Đơn cử là cánh đồng chuyên canh ngô lấy hạt, một “điểm nhấn” góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế ở Cự Nẫm trong nhiều năm qua. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành được các vùng chuyên canh ngô với diện tích hơn 90ha, năng suất đạt 75 tạ/ha.
 
Ngoài ra, hiện nay, Cự Nẫm cũng đang dần hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả. Nhiều nông dân đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đất đồi bỏ hoang để gieo giống các loại cây ăn quả. Dọc theo đường Hồ Chí Minh, cây ổi, cam và nhiều loại cây ăn quả khác đã “bén duyên” với vùng đất này. Những vùng gò đồi khô cằn ngày nào nay đã được phủ xanh bởi những vườn cây trái đủ các loại. 
Chị Lê Thị Trang, ở thôn Nguyên Sơn, xã Cự Nẫm có thu nhập ổn định nhờ chuyên canh cây ổi Đài Loan.
Chị Lê Thị Trang, ở thôn Nguyên Sơn, xã Cự Nẫm có thu nhập ổn định nhờ chuyên canh cây ổi Đài Loan.
Chị Lê Thị Trang, ở thôn Nguyên Sơn cho biết, gia đình chị có diện tích đất vườn khá rộng, nhưng trước đây, nghĩ rằng đất đồi khô hạn chắc trồng cây gì cũng không sống nổi, nên gia đình chị chỉ trồng qua quýt vài loại rau cỏ và bỏ hoang với bời bời cỏ dại. Nhờ chính quyền địa phương định hướng, khuyến khích, chuyển đổi cây trồng, đến nay, gia đình chị Trang trồng 300 gốc ổi Đài Loan và 30 gốc mít Thái trên diện tích 2.500m2 vườn nhà; mỗi năm thu hoạch 3 vụ ổi, 1 vụ mít. Hiện vườn ổi nhà chị có quả xuất bán gần như quanh năm. Theo chị Trang, do gia đình tự bỏ công chăm sóc nên chi phí đầu tư vào vườn ổi không đáng kể; đồng thời, đầu ra khá ổn định bởi người dân và thương lái biết tiếng ổi sạch đến thu mua tận nơi. Ngoài ra, nhờ nhà có vị trí thuận lợi dọc đường Hồ Chí Minh nên du khách qua lại cũng thường xuyên ghé mua. “Từ vườn cây ăn quả, hiện gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định; trừ chi phí mỗi vụ ổi, gia đình thu được khoảng 30 triệu đồng và 300.000-500.000 đồng/mỗi gốc mít.”, chị Trang cho biết thêm.
 
Còn tại thôn Nam Nẫm, mô hình chuyển đổi trên đất hoang hóa, kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Vân bước đầu khẳng định sức sống mới với hàng trăm gốc dừa đang vươn cao vững chãi và sắp cho mùa quả ngọt...
 
Hướng đi bền vững
 
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm Phan Đình Hà, đến nay, diện tích vườn tạp được cải tạo để trồng cây ăn quả ở xã là khoảng 50ha; trong đó, diện tích trồng tập trung được 50%, còn lại là trồng nhỏ lẻ; hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng trước đó trên cùng một đơn vị diện tích. Vì vậy, Cự Nẫm xác định đây hướng đi phù hợp có nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế, tạo thương hiệu và đặc sản của địa phương. Trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động các chủ vườn trên địa bàn có tiềm năng đất đai và điều kiện để mở rộng, chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả theo mô hình “chuyên canh, chuyên cây”. Cự Nẫm cũng sẽ vận dụng từ nhiều nguồn để hỗ trợ cây giống cho bà con sản xuất, mục tiêu phấn đấu mở rộng thêm diện tích từ 30-50ha nữa trên địa bàn toàn xã.
 
“Tuy nhiên, xã đang trăn trở khi tính đến đầu ra, thị trường tiêu thụ cho bà con. Nếu có đầu ra ổn định thì không cần hỗ trợ, bà con vẫn mở rộng diện tích. Ngược lại, không có đầu ra thì dù có được trợ giá cây giống hay phân bón, bà con cũng sẽ không thực hiện. Vì vậy, ngoài việc đề ra các giải pháp về hoàn thiện hạ tầng cơ sở về điện, giao thông, thủy lợi cho các vùng chuyên canh, xã cũng tính đến việc tạo điều kiện cho bà con đi tham quan, học hỏi các mô hình và tăng cường tìm kiếm liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất”, Phó chủ  tịch UBND xã Cự Nẫm Phan Đình Hà chia sẻ thêm.
 
Thực tế sản xuất của người dân trên địa bàn xã Cự Nẫm bước đầu đã khẳng định hiệu quả kinh tế của những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Nhiều người dân dám nghĩ, dám làm, tiên phong đi đầu trong ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ dần chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với chuỗi liên doanh, liên kết sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao như một số người dân ở Cự Nẫm cần được phát huy, nhân rộng.
                                                                          Hương Trà