Phong Nha mùa dịch bệnh Covid-19

  • 08:13 | Thứ Năm, 19/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chúng tôi trở lại thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch) vào một ngày đặc biệt 17-3-2020-thời điểm Quảng Bình bắt đầu tạm dừng đón tiếp khách tham quan, du lịch tại các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
 
Thị trấn trẻ bên dòng sông Son vắng lặng khác thường. Những con thuyền chở khách tham quan “gác mái” trên các bến đợi. Người dân thị trấn trong bộn bề khó khăn, nhưng vẫn ý thức chấp hành và đồng tình với chủ trương của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
 
Được mệnh danh là “trái tim” du lịch của tỉnh, thị trấn Phong Nha những năm qua phát triển mạnh mẽ nhờ vào các hoạt động dịch vụ du lịch. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đầu tháng 2-2020, thị trấn Phong Nha có quyết định thành lập trên cơ sở nguyên trạng của xã Sơn Trạch. Qua đó, thị trấn Phong Nha sẽ tạo động lực cho việc phát triển kinh tế-xã hội của huyện Bố Trạch nói riêng và khu vực phía Tây tỉnh Quảng Bình nói chung; vừa bảo đảm yêu cầu về quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, vừa đáp ứng tâm tư nguyện vọng của nhân dân và của cấp ủy, chính quyền địa phương.
 
Niềm vui chưa được bao lâu thì nỗi buồn ập đến khi dịch bệnh Covid-19 tác động, ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến đời sống của đa số người dân nơi trung tâm miền di sản. Tuy nhiên, xác định được tình hình, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân thị trấn Phong Nha đã chủ động và nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
 
Bà Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1978) và ông Trương Văn Hồng (sinh năm 1975) là hai vợ chồng giáo dân ở thôn Xuân Tiến (thị trấn Phong Nha). Ông bà Hương, Hồng có 2 thuyền chở khách tham quan và nuôi 1 lồng cá trắm trên sông để phục vụ du khách.
 
Bà Hương cho biết, vợ chồng bà những năm qua sống phụ thuộc vào nguồn thu từ các dịch vụ du lịch. Khách đến càng đông gia đình bà càng có thêm thu nhập. Trung bình trước đây, mỗi ngày bà bán từ 30-60kg cá trắm; trừ chi phí cũng lãi được vài trăm nghìn đồng cộng với nguồn thu từ chạy thuyền chở khách... Nhờ đó, vợ chồng bà nuôi 3 con ăn học và trang trải cuộc sống. Từ khi ra Tết Nguyên đán 2020 đến nay, lượng khách cũng đã giảm nhiều so với năm trước, nhưng vẫn còn rải rác nên ông bà có nguồn thu nhập, dù được chút ít.
 
“Kể từ hôm nay thì hoàn toàn không thu được đồng nào, các hoạt động dừng lại, chúng tôi không chạy thuyền, cá cũng không bán được. Khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi đồng tình với chủ trương kịp thời của tỉnh là tạm dừng đón tiếp khách tham quan, du lịch. Vì theo tôi, việc làm là cả đời người, bà con chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua, sức khỏe thì không thể đánh đổi được”, bà Hương chia sẻ. 
Giáo dân thôn Xuân Tiến sửa chữa thuyền để chủ động khi đón khách trở lại.
Giáo dân thôn Xuân Tiến sửa chữa thuyền để chủ động khi đón khách trở lại.
Ông Hoàng Văn Ninh, Trưởng thôn Xuân Tiến, cho hay: “Toàn thôn Xuân Tiến có 270 hộ; trong đó, 90 hộ tham gia chạy thuyền chở khách, 75 hộ nuôi cá lồng, số hộ còn lại hoạt động với các dịch vụ, như: kinh doanh nhà hàng, khách sạn và buôn bán nhỏ... Những ngày tạm dừng đón khách, chúng tôi động viên bà con tiếp tục chăm sóc lồng cá, tu sửa, đóng mới thuyền bè, chuẩn bị để chủ động khi có quyết định đón khách trở lại”.
 
Chúng tôi có mặt tại Công ty TNHH Jungle Boss (thôn Phong Nha) ngày tạm dừng đón khách du lịch, quang cảnh vắng vẻ khác với thường nhật. Hiện công ty khai thác các tuyến du lịch, như: hang Trạ Ang, thung lũng MaDa, hang Voi, hang E, hang Hổ, hang Pygmy… và dịch vụ lưu trú homestay. Phần lớn du khách là người nước ngoài.
 
Từ đầu tháng 2 đến nay, lượng khách đã giảm 65-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Và từ chiều 16-3, những vị khách cuối cùng lưu trú tại đây cũng đã trả phòng và rời đi. Công ty chấp hành nghiêm quyết định của tỉnh không đón khách và các dịch vụ vận tải cũng không đón khách về đây.
 
Hiện công ty có gần 100 lao động là người địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong thời gian tạm dừng đón khách, công ty sẽ mở các lớp đào tạo về thực hiện nội quy, trau dồi kỹ năng làm việc, giao tiếp tiếng Anh, cứu hộ cứu nạn và chế biến thức ăn, đồ uống... để sẵn sàng phục vụ và bảo đảm an toàn cho du khách với hy vọng sớm được đón khách trở lại. Công ty cũng sẽ cân đối nguồn ngân sách và hỗ trợ phần nào động viên lao động trong thời gian không có việc làm.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nam Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha cho biết, toàn thị trấn có 3.097 hộ, 12.475 nhân khẩu, sinh sống ở 9 thôn và 1 bản đồng bào Vân Kiều. Trên 6.000 người dân trong độ tuổi lao động, ngoài một số ít làm ngành nghề truyền thống thì đa phần đều tham gia hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch, như: vận tải hành khách vào tham quan động Phong Nha bằng thuyền, nuôi cá trắm trên sông, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, sản xuất nông sản và buôn bán nhỏ,...
 
Vì vậy mà trong những năm qua, kinh tế-xã hội ở Phong Nha đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở Phong Nha đạt 46 triệu đồng/người/năm.
 
Thời gian vừa qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng, tác động rất lớn đến việc làm và đời sống của đa phần các hộ dân. Tuy nhiên, việc tạm dừng đón khách vào thời điểm này là một quyết định kịp thời, hợp lòng dân và ổn định tình hình, nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho mọi người dân trên địa bàn.
 
Hiện nay, vì thị trấn cũng vừa mới có quyết đinh thành lập nên tranh thủ thời gian tạm dừng đón khách, chúng tôi tiến hành tu bổ, chỉnh trang đô thị xanh-sạch-đẹp, sẵn sàng phục vụ khi được đón khách du lịch trở lại.
                                                                                        Hương Trà