Nhân lực ngành du lịch: Thách thức trên lộ trình chuyên nghiệp hoá

  • 14:05 | Thứ Ba, 24/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, ngành “công nghiệp không khói” Quảng Bình vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho "bài toán" nhân lực để hướng đến sự chuyên nghiệp…
 
Nan giải nhân lực du lịch…
 
Cùng với sự phát triển khá nhanh của du lịch tỉnh nhà, đội ngũ lao động làm việc trong ngành này ngày càng tăng cao. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có hơn 6.000 lao động trực tiếp và gần 12.000 lao động gián tiếp. Trong đó, lao động trong lĩnh vực lưu trú du lịch chiếm chủ yếu với hơn 4.000 người. Tiếp đến là lực lượng lao động làm việc tại các khu, tuyến, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, lữ hành, vận chuyển khách du lịch. Tuy nhiên, trong số này, có đến 30% lao động chưa đáp ứng được nhu cầu công việc.
 
Bên cạnh đó, do ngành du lịch có một số vị trí lao động giản đơn, mang tính đặc thù, như: bộ phận buồng, tạp vụ, bảo vệ…, nên tỷ lệ lao động tốt nghiệp THPT và chưa tốt nghiệp THPT là khá cao, chiếm hơn 50% tổng số lao động của ngành. 
Khách du lịch quốc tế đang được hướng dẫn để bắt đầu khám phá VQG Phong Nha- Kẻ Bàng.
Khách du lịch quốc tế đang được hướng dẫn để bắt đầu khám phá VQG Phong Nha- Kẻ Bàng.
Ngoài ra, tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 36%, số lao động có chuyên môn khác chiếm đến 64%. Riêng lĩnh vực nhà hàng, số người làm khác chuyên môn được đào tạo chiếm tỷ lệ cao nhất. Số hướng dẫn viên du lịch (297 người) được đào tạo bài bản về chuyên ngành hướng dẫn chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại chỉ được qua đào tạo ngắn hạn.
 
Mặt khác, số lao động có trình độ đại học ngoại ngữ còn ít, hầu hết chỉ có chứng chỉ tiếng Anh: A,B,C. Các ngoại ngữ khác, như: tiếng Nhật, Trung Quốc, Ý, Đức, Pháp, Nga, Thái Lan…, chỉ chiếm khoảng 2% số lao động toàn ngành có khả năng sử dụng. Đặc biệt, tỷ lệ lao động có thể làm việc ngay sau khi tuyển dụng còn chưa cao, số lao động được đào tạo lại chiếm tỷ lệ tương đối lớn…
 
Theo ông Lê Thế Lực, Phó Giám đốc Sở Du lịch, hiện nay, nhân lực du lịch Quảng Bình cũng như cả nước tuy đã tăng về số lượng nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt, khan hiếm và chuyển dịch lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các vị trí quản lý, điều hành, hướng dẫn viên du lịch. Đặc biệt, vào mùa cao điểm, nhân lực du lịch thiếu hụt trầm trọng.
 
Ông Lực cũng cho biết thêm, nhân lực được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp, hiệu quả lao động, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, chăm sóc khách hàng, ngoại ngữ chưa cao. Hệ thống cơ sở đào tạo về du lịch còn ít, mối liên hệ giữa 3 nhà (nhà nước-nhà trường-nhà sử dụng lao động) vẫn rời rạc, chưa bài bản…
 
Chuyên nghiệp hóa nhân lực du lịch
 
Để phát triển du lịch, nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong khi đó, thực trạng của nguồn nhân lực du lịch Quảng Bình hiện nay vừa yếu, lại vừa thiếu. Vậy, du lịch Quảng Bình cần làm gì để hướng đến sự chuyên nghiệp?
 
Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Netin cho biết, lĩnh vực lữ hành đòi hỏi nhân viên phải có kiến thức và kỹ năng tốt, được đào tạo bài bản. Bởi đặc thù lữ hành phải biết nhiều tuyến, điểm du lịch mới để giới thiệu cho du khách, phải cập nhật kiến thức liên tục để phục vụ du khách.Hiện tại, Công ty TNHH Netin đang tập trung chủ yếu vào các dòng khách từ các nơi khác về với Quảng Bình, đội ngũ nhân viên của Công ty chủ yếu là người Quảng Bình nên đây là lợi thế. Công ty hiện đang khai thác sản phẩm khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa bà con Vân Kiều tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh; sản phẩm khám phá mạo hiểm hang Chà Lòi. Đây là loại hình du lịch mới nên rất cần phải được đào tạo nhiều về kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hướng dẫn, đội ngũ sales và marketing sản phẩm; tìm hiểu thêm văn hóa đặc sắc của bà con Vân Kiều cùng các di tích lịch sử trên địa bàn.
 
Theo chia sẻ của ông Cương, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, Công ty cũng đã liên hệ mời các chuyên gia về lĩnh vực văn hóa-du lịch để chia sẻ cho nhân viên, nhằm nâng cao kiến thức để hướng đến sự chuyên nghiệp. 
Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch luôn được chú trọng để hướng đến sự chuyên nghiệp.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch luôn được chú trọng để hướng đến sự chuyên nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9, thời gian qua, trường đã tập trung chú trọng đào tạo đến các ngành nghề du lịch, nhất là các nghề trọng điểm, như: kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng đầu vào của các nghề trọng điểm này vẫn gặp khá nhiều khó khăn vì việc học nghề chưa được phụ huynh chú trọng.
 
“Để hướng đến sự chuyên nghiệp, khắc phục tình trạng yếu và thiếu của nguồn nhân lực du lịch Quảng Bình, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ về công tác đào tạo, quản lý nhân lực du lịch cho các cơ sở. Đồng thời, các cơ sở dịch vụ du lịch cần tăng cường đào tạo chuyên sâu, có môi trường làm việc chuyên nghiệp và những chính sách đãi ngộ tốt với người lao động,”, ông Lượng cho biết thêm.
 
Ông Lê Thế Lực, Phó Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, dự báo đến năm 2025, Quảng Bình sẽ đón 7 triệu khách du lịch, trong đó, khách quốc tế chiếm từ 10-20%. Điều này đặt ra thách thức lớn cho nguồn nhân lực du lịch Quảng Bình cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển.
 
Do vậy, ngành du lịch Quảng Bình sẽ phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo đặt hàng nhân lực chất lượng cao theo hướng “đào tạo -chuyển nhượng”; tổ chức các khóa ngắn hạn theo chuyên đề và nhu cầu phát triển sản phẩm du lịch, liên kết phát triển du lịch; tăng cường các chương trình hợp tác để cử cán bộ, công chức ngành du lịch đi tham quan, học tập kinh nghiệm của các nước. Đồng thời, có kế hoạch cụ thể về các chương trình, dự án của tỉnh cần liên kết, hợp tác để chủ động mời chuyên gia tư vấn, hỗ trợ; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực du lịch; liên kết giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch…
Ngọc Hải