Người mở hướng nuôi tôm công nghệ cao ở Quảng Trạch

  • 07:42 | Chủ Nhật, 29/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Táo bạo, dám nghĩ, dám làm, sau một thời gian tự mày mò nghiên cứu, học hỏi phương pháp, kỹ thuật nuôi tôm trên các trang mạng xã hội, người đàn ông quyết đoán Trần Minh Hải (SN 1965) ở thôn Trường Xuân, xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch) đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
 
Mô hình được triển khai thực hiện chưa lâu nhưng hứa hẹn những vụ mùa bội thu. “Đầu tư bài bản, đúng hướng, chắc chắn mô hình của anh Hải sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao và sẽ được khuyến khích nhân rộng trên toàn huyện”, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Trạch Trần Văn Định quả quyết.
 
Nằm trên con đường sát cánh đồng làng, thời gian gần đây, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Trần Minh Hải đón nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Để kiểm chứng lời của đồng chí Phạm Đức Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Phù Hóa rằng đây là mô hình rất đáng để học hỏi, chúng tôi cũng tìm đến “cơ ngơi” của anh Hải. Nếu không được tận mắt chứng kiến, có lẽ, ít ai nghĩ người đàn ông có làn da rám nắng, chân chất ấy lại có những suy nghĩ, việc làm táo bạo đến thế.
 
Mô hình được đầu tư xây dựng trên diện tích 1.000m2, với hệ thống gồm 4 bể lớn: 1 bể nuôi, 2 bể chứa nước và 1 bể ươm giống. Bể nuôi được thiết kế với diện tích 250m2, xây bằng bê tông; 3 bể còn lại được làm bằng tôn với diện tích 100m2. 
Táo bạo, quyết đoán, anh Trần Minh Hải mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Táo bạo, quyết đoán, anh Trần Minh Hải mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng, anh Hải cho biết, mô hình này giúp kiểm soát toàn bộ chu trình nuôi, thông qua công nghệ cho ăn tự động; hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí hợp lý, liên hoàn từ bể nuôi, bể lắng, trữ nước, hệ thống xử lý chất thải. Nguồn nước thải ra khi nuôi tôm sẽ được chảy tuần hoàn qua các bể lắng, lọc để xử lý. Sau khi đạt đủ điều kiện, nguồn nước này mới được thải ra.
 
Vì chất lượng nguồn nước, các thông số kỹ thuật như độ mặn, tỷ lệ oxy trong nước được kiểm soát nên công nghệ nuôi này cho phép mật độ thả nuôi dày, không dùng kháng sinh, quản lý được thức ăn, môi trường, giúp tôm có tỷ lệ hao hụt thấp, năng suất hơn nhiều lần so nuôi bình thường, chất lượng bảo đảm và không gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải.
 
“Phải thực sự táo bạo mới dám đầu tư gần 500 triệu đồng để thực hiện mô hình này, bởi anh Trần Minh Hải chưa hề tham gia bất kỳ lớp học hay khóa tập huấn, đào tạo nào về nuôi tôm công nghệ cao. Trước đó, anh cũng chưa hề thử nghiệm với mô hình nuôi tôm, dù theo phương pháp truyền thống”, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Trạch Trần Văn Định nhấn mạnh. Quả thực, khi tìm hiểu về quá trình ấp ủ và thực hiện mô hình của anh Hải, chúng tôi mới thấy hết sự táo bạo, quyết đoán của người đàn ông này.
 
Đang làm việc tại Công ty CP Cosevco 1 nhưng với mức lương không ổn định, anh Hải ấp ủ khát vọng làm giàu trên đồng đất quê hương. Anh bảo, thời gian đầu, thấy trên địa bàn xã có nhiều hộ đầu tư nuôi tôm nên cũng lân la tìm hiểu... cho vui. Thế nhưng, càng tìm hiểu, anh càng bị con tôm “cuốn hút”. Tuy nhiên, anh thấy nuôi tôm theo phương pháp truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro vì dịch bệnh, năng suất lại không cao, thế nên, anh nảy ý định nghiên cứu về phương pháp nuôi tôm công nghệ cao trên các trang mạng xã hội. Sau một thời gian tự tin đã nắm chắc kiến thức, anh bàn bạc với vợ và quyết chí làm giàu một phen.
 
Nghĩ là làm, với kiến thức về chế tạo máy đã từng được học tại trường cao đẳng cùng kinh nghiệm tích lũy được khi làm việc tại Công ty CP Cosevco 1, anh Hải đã mua vật liệu về tự làm các bể chứa nước và bể ươm giống.
 
“Lúc đó, tôi cũng liều thật! Lương tháng chỉ đủ để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Trong tay không có vốn, nhưng cũng liều vay mượn ngân hàng, anh em, bạn bè, đầu tư gần 500 triệu để làm. Để tiết kiệm chi phí, tôi đã tự thực hiện nhiều công đoạn của mô hình, hạn chế thuê thợ. Tôi đã mạnh dạn đánh cược và tự tin vào quyết định của mình. Nghe thì có vẻ dễ dàng, suôn sẻ, nhưng để hoàn thiện, tôi mất khá nhiều công sức. Thuận lợi là tôi được gia đình ủng hộ, chính quyền địa phương khuyến khích, huyện cũng hỗ trợ 50 triệu đồng để tôi xây dựng mô hình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phát sinh nhiều cái khó mà mình không lường trước được. Không có con đường khó nào làm chùn bước người giàu ý chí, nghĩ vậy, nên dù gặp không ít khó khăn, tôi vẫn quyết chí thực hiện dự định đến cùng”, anh Hải bộc bạch.
Nguồn nước thải khi nuôi tôm được chảy tuần hoàn qua các bể lắng, lọc để xử lý đạt điều kiện mới được thải ra.
Nguồn nước thải khi nuôi tôm được chảy tuần hoàn qua các bể lắng, lọc để xử lý đạt điều kiện mới được thải ra.
Anh kể, vì còn đi làm ở công ty nên phải mất một thời gian khá lâu anh mới hoàn thành việc xây dựng mô hình. Tháng 10-2019, anh khảo sát mặt bằng, thiết kế, mua vật liệu và bắt tay xây dựng mô hình, đến tháng 1-2020, anh bắt đầu thả lứa tôm giống đầu tiên. Để bảo đảm về các thông số kỹ thuật, phương pháp chăm sóc, anh thuê thêm một nhân viên kỹ thuật, có kinh nghiệm nuôi tôm. Đến nay, sau hơn 3 tháng thả nuôi, tôm phát triển tốt và dự kiến đến tháng 4 sẽ thu hoạch lứa đầu tiên.
 
“Nuôi tôm công nghệ cao giúp tôm hạn chế mắc các bệnh thường gặp ở phương pháp nuôi truyền thống, giảm thiểu rủi ro, thất thu, nên tôi khá tự tin về một vụ mùa bội thu”, anh Hải chia sẻ.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Định cho biết: “Đây là mô hình nuôi tôm công nghệ cao đầu tiên của huyện Quảng Trạch, mở hướng đi mới, có tiềm năng lớn bởi giúp người nuôi phần nào yên tâm trước sự biến đổi khó lường của thời tiết; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một diện tích đất nhờ có thể nuôi tôm với mật độ cao do áp dụng công nghệ. Tìm hướng làm giàu, có nhiều người đột phá, táo bạo như anh Hải thì hay biết mấy!”.
 
Tiễn chúng tôi ra về, anh Trần Minh Hải không quên nhắn nhủ: “Bao giờ thu hoạch, nhà báo lên lại đây chuyến nữa để xem thành quả nhé. Hy vọng, sau này, khi đã chứng minh được hiệu quả, mô hình của tôi sẽ được nhân rộng ra toàn huyện”. Chia tay người đàn ông táo bạo, quyết đoán ấy, chúng tôi ra về mang theo niềm tin về hiệu quả từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh, như niềm tin mà Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Trạch Trần Văn Định và Bí thư Đảng ủy xã Phù Hóa, Phạm Đức Hùng đã kỳ vọng.
Tâm An