Xã Hòa Trạch: Tập trung đa dạng hóa cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi

  • 08:56 | Thứ Hai, 24/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm giúp người dân phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế, thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của huyện Bố Trạch, chính quyền xã Hòa Trạch đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích cao su kém hiệu quả. Từ đó, nhiều mô hình kinh tế mới được hình thành, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
 
Gia đình anh Dương Quốc Toàn ở thôn Cà, xã Hòa Trạch là một trong những hộ dân tiên phong mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích cây cao su của gia đình bị gãy, đổ sang trồng cây ăn quả. Gia đình anh bắt đầu trồng cây cao su từ năm 2004, tuy nhiên, khi cây đến thời kỳ khai thác, cơn bão mạnh đã san phẳng toàn bộ diện tích cao su. Được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, anh quyết định đầu tư 300 triệu đồng cải tạo vườn, lắp đặt hệ thống nước tưới nhỏ giọt để trồng 2ha cam đường canh, cam Vinh, cam V2 và bưởi da xanh. Đến nay, vườn cây ăn quả của anh đang sinh trưởng, phát triển tốt và dự kiến năm nay sẽ cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. 
 Toàn xã Hòa Trạch đã chuyển đổi được hơn 300ha trồng cao su kém hiệu quả sang các loại cây trồng phù hợp.
Toàn xã Hòa Trạch đã chuyển đổi được hơn 300ha trồng cao su kém hiệu quả sang các loại cây trồng phù hợp.
Anh Dương Quốc Toàn tâm sự:“Sau khi toàn bộ diện tích cây cao su của gia đình bị bão tàn phá, tôi mất hết hy vọng và tưởng sẽ không thể vực lại được.Tuy nhiên, trong lúc khó khăn, được sự động viên, giúp đỡ của chính quyền các cấp, tôi đã lấy lại được niềm tin và có thêm động lực để quyết tâm làm lại từ đầu. Đến nay, qua hơn 2 năm trồng và chăm sóc, vườn cây ăn quả của gia đình tôi đang phát triển rất tốt và tôi dự tính năm này sẽ thu hoạch không dưới 4 tấn quả”.
 
Sau khi cơn bão số 10 năm 2017 gây thiệt hại phần lớn diện tích cây cao su của gia đình, bên cạnh việc tận thu những cây còn lại để có nguồn thu nhập, đầu năm 2019, ông Võ Văn Niên ở thôn Cà, xã Hòa Trạch đã quyết định đầu tư 70 triệu đồng cải tạo đất và trồng 1ha dứa nguyên liệu. Sau 10 tháng trồng và chăm sóc, vườn dứa của ông đã cho thu hoạch với năng suất đạt hơn 23 tấn quả. Xuất bán ra thị trường, trừ hết mọi chi phí, ông có lãi ngay 100 triệu đồng từ vụ dứa đầu tiên. Nhận thấy hiệu quả từ cây dứa mang lại, năm 2020 , ông tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng dứa lên 2ha.
 
Ông Võ Văn Niên cho biết: “Sau khi cây cao su bị bão tàn phá, bản thân tôi cũng suy nghĩ rất nhiều nhưng chưa tìm được loại cây trồng nào phù hợp. Được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tôi mới dám mạnh dạn chuyển sang trồng cây dứa nguyên liệu. Và thực tế qua một năm trồng cho thấy, cây dứa rất thích hợp với vùng đất này nên cho quả to và bán cũng được giá cao. Nhờ đó, tôi có được nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học”.
Với hiệu quả kinh tế cao của cây dứa, năm 2020, ông Võ Văn Niên tăng diện tích trồng dứa nguyên liệu lên gấp đôi so với năm 2019
Với hiệu quả kinh tế cao của cây dứa, năm 2020, ông Võ Văn Niên tăng diện tích trồng dứa nguyên liệu lên gấp đôi so với năm 2019
Đến nay, toàn xã Hòa Trạch đã chuyển đổi được hơn 300ha diện tích cao su kém hiệu quả sang trồng các loại cây, như: sắn, dưa hấu, cây ăn quả, tiêu, dứa và cây dược liệu. Qua thực tế cho thấy, các loại cây này thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương nên phát triển tốt và một số loại cây đã cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
 
Theo ông Phan Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Trạch, những năm trước đây, cây cao su được xem là một trong những cây trồng chủ lực trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương. Thời điểm cao nhất toàn xã có hơn 1.200 cao su, tuy nhiên, sau các trận bão lớn đến nay, diện tích cao su của xã chỉ còn 421ha. Đối với những diện tích cao su bị gãy, đổ, kém hiệu quả, Đảng ủy, UBND xã đã có chủ trương cho bà con chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp. Qua đánh giá, nhiều loại cây đã và đang phát triển rất tốt cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là cây dứa và các loại cây ăn quả, như: mít Thái, ổi, cam. Vì vậy, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
 
Kỳ vọng, với chủ trương đúng đắn và các bước đi hợp lý của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng sự cần cù, chịu khó của người dân, Hòa Trạch sẽ tiếp tục chuyển đổi có hiệu quả cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi của địa phương. Qua đó, xã từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, đồng thời góp phần xây dựng nền nông nghiệp ngày càng phát triển đa dạng và bền vững.
Tiến Thành
(Đài TT – TH Bố Trạch)