"Đồi sương mù lộng gió"

  • 08:47 | Chủ Nhật, 09/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, tại các xã ở phía Tây huyện Bố Trạch, như: Cự Nẫm, Xuân Trạch, Hưng Trạch và đặc biệt là thị trấn Phong Nha, đã xuất hiện nhiều mô hình dịch vụ du lịch mới, thu hút du khách bốn phương. Những ngày đầu xuân Canh Tý 2020, một địa điểm mới được nhiều du khách biết đến và ưa chuộng là “Windy Mist Hill” (Đồi sương mù lộng gió), ở thôn Khương Hà 2, xã Hưng Trạch.
 
Từ thành phố Đồng Hới, di chuyển khoảng trên 30 km theo đường Hồ Chí Minh hướng ra Bắc, đoạn qua xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch), men theo lối mòn dốc bên phải, du khách sẽ bắt gặp quang cảnh đẹp như tranh vẽ. Ở đó, trên cheo leo của một ngọn núi (còn được gọi là Đôộng Đá, xóm Hung Từ), du khách sẽ thấy như một Đà Lạt mộng mơ thu nhỏ có tên “Windy Mist Hill”. Và đó cũng là ý tưởng thành công của người chủ trẻ Phạm Đức Thịnh, sinh năm 1996. 
Lối lên “Windy Mist Hill” được bài trí cảnh hoa anh đào.
Lối lên “Windy Mist Hill” được bài trí cảnh hoa anh đào.
Phạm Đức Thịnh mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ của Thịnh là một nông dân nghèo, một mình lam lũ nuôi các chị em Thịnh lớn lên. Vì gia cảnh nghèo khó, nên từ khiđang học THPT, Thịnh đã xin đi làm phụ bếp, rồi được tin tưởng và trở thành đầu bếp tại một nhà hàng lớn ở thành phố Đồng Hới. Đến năm 2015, khi vừa tốt nghiệp THPT, Thịnh tự mở nhà hàng với niềm đam mê biến tấu các món ăn mỗi ngày. Sau hơn 4 năm làm chủ nhà hàng, ngoài tài sản trên 100 học trò đã trưởng thành với nghề chế biến món ăn, tích lũy được ít vốn cộng với kinh nghiệm điều hành nhà hàng, anh cùng với người vợ trẻ chọn về lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.
 
"Xoay như chong chóng" với vai trò vừa điều hành các tour tham quan, dẫn khách, vừa là đầu bếp phục vụ các món ăn cho du khách, Phạm Đức Thịnh vẫn không bỏ lỡ cơ hội chia sẻ với chúng tôi: “Với vị trí cheo leo núi đá thế này, ban đầu, tôi nghĩ mình khó mà chinh phục được, nhưng vì đam mê cộng với sự phát triển theo thời cuộc, tôi đã mạnh dạn vay gần 400 triệu đồng để xây dựng mô hình du lịch sinh thái”.
 
Khu vực này có diện tích khoảng gần 1ha, Thịnh và các cộng sự đầu tư trang trí và trồng các loài hoa, chủ đạo là hoa anh đào, lá phong đỏ (giống từ Nhật Bản); cải tạo, vun vén một số cây nguyên bản, như: sim, mua, móc, mòi mòi, me…; bố trí xây dựng các nấc thang, cối xay gió, các khu vui chơi xích đu, chong chóng, nhà mẫu ảnh, chuồng nuôi các con thú nhỏ, như: chim, thỏ... và các chòi hoa lá thân thiện với môi trường. Giữa các chòi lá có khoảng cách tạo cho du khách cảm giác dễ chịu, tự nhiên ngắm cảnh và chụp ảnh. Đây cũng trở thành các không gian để khách ngồi nghỉ ngơi và thưởng thức tất cả các món ăn dân dã được chế biến từ gà, dê, cá, ếch… do chính ông chủ trẻ làm đầu bếp. 
 
Theo lời của Thịnh: “Từ ngày mở cửa đón khách đến nay đã được hơn 3 tháng. Những ngày đầu năm mới 2020 này, lượng khách đến “Windy Mist Hill”rất đông. Tính trung bình mỗi ngày, tôi và cộng sự đón trên 100 lượt khách đến tham quan, chụp ảnh và 200-300 khách đến vừa tham quan vừa sử dụng dịch vụ ẩm thực”.
 
Ghi nhận của chúng tôi, mặc dù khách rất đông, nhưng Thịnh đón tiếp rất chuyên nghiệp “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Vừa thoăn thoắt nầu nướng, Thịnh vui vẻ cho biết: “Tuy nhà bếp nhỏ gọn, nhưng từ 200-300 khách mỗi ngày, tôi đều có thể phục vụ chu đáo hết”.
 
Chị Phan Linh, ở thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch, cho biết: “Tôi đi tham quan, chụp ảnh nhiều nơi, nhưng đây là điểm đến mà tôi rất hài lòng, từ cảnh quan bài trí đẹp, không gian ấm cúng nhưng thoáng đãng, lại gần gũi, thân thiên với môi trường…, nhất là thức ăn, đồ uống rất ngon, phù hợp, giá cả lại rất rẻ”.
Dàn xích đu ở giữa lưng chừng núi khiến du khách rất thích thú.
Dàn xích đu ở giữa lưng chừng núi khiến du khách rất thích thú.
Có một điều đặc biệt, tất cả các loại thức ăn, đồ uống tại “Đồi sương mù lộng gió” có giá thấp hơn so với các nơi rất nhiều. Các loại nước uống đóng chai, lon, hộp cũng có giá ngang bằng với các đại lý bán sỉ, lẻ trên địa bàn tỉnh. Trao đổi điều này, chủ nhân “Đồi sương mù lộng gió” cho hay: “Với phương châm nâng cao chất lượng phục vụ, tôi không lấy tiền lời từ dịch vụ ăn uống, cốt là để phục vụ du khách thôi, nhưng tôi có thu phụ phí 1 lượt vào tham quan, chụp ảnh là 30.000 đồng. Ngoài ra, nếu du khách có nhu cầu mang theo nguyên liệu và nhờ chế biến các món ăn, tôi luôn sẵn sàng và chỉ thu một ít tiền gia vị, không tính tiền công”.
 
Phạm Đức Thịnh cho biết thêm, hiện nay, mô hình du lịch của anh giải quyết việc làm cho 6 lao động, lương trung bình mỗi tháng từ 5-6 triệu đồng/người. Tuy nhiên, hiện anh chưa thu được một đồng lãi nào, thậm chí, sau khi cộng trừ chi phí, mỗi tháng còn bù lỗ thêm. Nhưng Thịnh nghĩ đó là điều không đáng lo ngại, vì anh còn đang tiếp tục đầu tư nhiều hơn, với mong muốn tiếp tục thu hút du khách. Và với Thịnh, khách đến ngày càng đông là món quà “lãi to” đối với anh và các cộng sự.
 
Sắp tới, Thịnh cũng có nhiều dự định. Trước mắt, anh đã đặt mua giống “bướm hoa” từ Đà Nẵng và sẽ đầu tư thêm cây cảnh, chòi lá và một vườn nuôi bướm tự nhiên, tạo thêm cảnh quan đa dạng nhưng hài hòa với khung cảnh thiên nhiên...
 
Từ một đứa trẻ mồ côi, sớm bươn chải mưu sinh, Phạm Đức Thịnh chững chạc hơn so với tuổi 24. Cách nghĩ, cách làm của Thịnh đã để lại ấn tượng đẹp, cảm nhận thân thiện, muốn trở lại cho những ai từng một lần ghé thăm mảnh đất, con người nơi vùng quê nghèo khó ở miền di sản.
 
Hương Trà