Lợi ích "kép" từ trồng rừng gỗ lớn gắn với công nghiệp chế biến

  • 08:46 | Thứ Bảy, 18/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, việc phát triển rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được hiệu quả kinh tế rõ rệt. Gỗ rừng trồng qua chế biến tinh, sâu tạo ra những sản phẩm độc đáo, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống và đáp ứng bối cảnh hội nhập quốc tế. Không những thế, trồng rừng gỗ lớn còn tăng khả năng phòng hộ của rừng, như: giảm xói mòn, chống sạt lở, rửa trôi đất…, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu.
 
Thực trạng gỗ rừng trồng
 
Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, Quảng Bình hiện có khoảng 120 nghìn ha rừng trồng sản xuất, mỗi năm khai thác hơn 600 nghìn m3 gỗ các loại. Sản lượng này chủ yếu được dùng để chế biến dăm gỗ xuất khẩu sang các nước trong khu vực mà chưa tới được thị trường Mỹ và châu Âu nên đạt giá trị thấp. Lý do bởi rừng của Quảng Bình chủ yếu là rừng trồng gỗ nhỏ, chưa có Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. 
 Minh Hóa tiếp tục mở rộng các mô hình trồng rừng gỗ lớn (trong ảnh: vận chuyển cây giống tại bản Lòm, xã Trọng Hóa).
Minh Hóa tiếp tục mở rộng các mô hình trồng rừng gỗ lớn (trong ảnh: vận chuyển cây giống tại bản Lòm, xã Trọng Hóa).
 
Điều đó cho thấy, mặc dù có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển lâm nghiệp và có sức cạnh tranh lớn về kinh tế rừng, nhưng hiện nay, việc trồng rừng ở tỉnh ta phần lớn là rừng sản xuất kinh doanh gỗ nhỏ. Sản phẩm gỗ chủ yếu cung cấp nguyên liệu sản xuất dăm giấy, hiệu quả lại không cao. Với 1ha rừng trồng bình thường sau 5 năm cho thu hoạch được 80-90 m3 gỗ và chỉ bán được khoảng 50 triệu đồng.
 
Nhưng, nếu cải tạo thành rừng gỗ lớn, sau 5 đến 7 năm nữa sẽ cho thu về từ 350-500 m3 gỗ và giá trị tăng lên rất nhiều lần. Gỗ keo, tràm có thể làm các vật dụng trong nhà tốt như một số loại gỗ rừng tự nhiên. Thêm vào đó, hiện nay, nguyên liệu chế biến dăm giấy lại dư thừa, thị trường và giá thành tiêu thụ có xu hướng giảm, dẫn đến đời sống người làm rừng khó khăn…
 
Với mục đích để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích rừng trồng, đáp ứng tăng thu nhập, xóa nghèo và góp phần xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp các ngành, địa phương từng bước chuyển đổi cơ cấu sản phẩm gỗ rừng trồng từ khai thác gỗ non phục vụ chế biến dăm xuất khẩu sang kinh doanh gỗ lớn phục vụ chế biến tinh, sâu, đáp ứng bối cảnh hội nhập quốc tế; đồng thời, đẩy mạnh tổ chức sản xuất dưới nhiều hình thức theo hướng mở rộng, hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa sử dụng gỗ rừng trồng, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng.
 
Hơn thế nữa, phát triển rừng gỗ lớn không chỉ mang lại mục tiêu lợi ích về kinh tế cao mà còn tăng tính phòng hộ của rừng, như: giảm xói mòn, chống sạt lở, rửa trôi đất…, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu.
 
Theo đề án "Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025" đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ trồng được 16.210ha rừng trồng gỗ lớn và cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho 7.000ha rừng trồng phục vụ cho nhu cầu chế biến tinh sâu.
 
Những sản phẩm có giá trị từ gỗ rừng trồng
 
Để nâng cao giá trị gia tăng của rừng trồng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đơn vị đầu tư máy móc công nghệ hiện đại để chế biến các sản phẩm hàng mộc, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất xuất khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, như: Nhà máy chế biến gỗ Phú Quý, Công ty TNHH công nghiệp Trường Thành, Công ty Cổ phần gỗ Quảng Phát, Công ty Cổ phần gỗ MDF TTĐ Quảng Bình (đang xây dựng). 
Công ty TNHH công nghiệp Trường Thành sản xuất ván ghép thanh xuất khẩu từ gỗ rừng trồng bảo đảm tiêu chuẩn.
Công ty TNHH công nghiệp Trường Thành sản xuất ván ghép thanh xuất khẩu từ gỗ rừng trồng bảo đảm tiêu chuẩn.
Tại Công ty TNHH công nghiệp Trường Thành (có địa chỉ tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, xã Thuận Đức, TP. Đồng Hới) chuyên sản xuất ván ghép thanh xuất khẩu, sấy gỗ..., ông Lê Vũ Thành, Giám đốc Công ty cho biết: “Để phục vụ sản xuất, Công ty cam kết thu mua gỗ rừng trồng keo từ 6 năm tuổi trở lên, có đường kính trên 15cm và có chứng chỉ FSC; trong đó, giá gỗ có chứng chỉ FSC cao hơn gỗ không có chứng chỉ tại cùng thời điểm từ 15-20% tùy theo chất lượng gỗ và không ép giá khi có thiên tai, rủi ro. Hiện, ngoài gỗ để chế biến các đồ mộc nội thất, tất cả các loại phụ phẩm của gỗ, như: vai, vỏ, mùn cưa, đều được Công ty tận dụng để sản xuất viên nén xuất khẩu ra các các nước. Đến nay, Công ty đã giải quyết việc làm cho trên 160 lao động địa phương có việc làm thường xuyên với mức thu nhập từ 6-6,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, từ đầu mối thu mua gỗ, Công ty cũng đã gián tiếp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn”.
 
Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Phú Quý (Công ty TNHH MTV Việt Trung) hiện đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến các sản phẩm hàng mộc, đồ nội thất xuất khẩu. Các sản phẩm, như: bàn, ghế, tủ, giường, cửa, có nhiều mẫu mã đa dạng, đẹp mắt phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trong và ngoài nước. Trong năm 2019, Nhà máy đã thu mua trên 5.600 tấn gỗ nguyên liệu và sản xuất trên 2.100m3 gỗ nguyên liệu, 1.100 m3 sản phẩm tinh chế; giải quyết việc làm cho gần 120 lao động với mức lương từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.
 
Việc trồng rừng gỗ lớn có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp và nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. “Thời gian tới, để tăng diện tích rừng được cấp loại chứng chỉ FSC, ngoài vai trò của Nhà nước trong ban hành chủ trương, chính sách phát triển rừng trồng gắn với chế biến thì sự đóng góp nhiệt tình của các doanh nghiệp chế biến trong việc liên kết, hợp tác để bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững là rất quan trọng. Đây là kết quả của quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình để hình thành các khu rừng trồng cung cấp gỗ, vừa giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu, vừa tạo điều kiện cho người dân trồng rừng yên tâm về đầu ra sản phẩm, bảo đảm ổn định được giá bán gỗ, từng bước nâng cao đời sống cho người dân trồng rừng”, ông Phạm Hồng Thái khẳng định.
Hương Trà