Tạo việc làm từ may gia công xuất khẩu

  • 08:40 | Thứ Hai, 02/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Cơ ngơi gồm 2 nhà xưởng khang trang với 80 đầu máy may công nghiệp cùng 75 lao động là tâm sức của chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1983, xóm 1, thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh trong suốt thời gian qua. Để có được thành quả này, chị đã phải vượt qua bao khó khăn, thử thách, mạnh mẽ vươn lên với ước mơ làm giàu trên chính quê hương.

Gắn bó nhiều năm ở các công ty lớn, nhưng có lẽ mãi đến khi về quê, mở xưởng sản xuất riêng, chị Nguyễn Thị Hằng mới thỏa được niềm đam mê may quần áo của mình. Sinh ra và lớn lên tại thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, ý thức được sự khó khăn và vất vả của gia đình thuần nông, chị sớm tìm cho mình công việc ở một công ty may tại Sài Gòn để nuôi sống bản thân. Gần 37 tuổi, nhưng chị đã có 20 năm gắn bó với nghề này.

Trong khoảng thời gian ấy, chị đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, từ công nhân cho đến quản lý. Dù làm ở đâu, công việc gì, chị vẫn luôn cần mẫn, miệt mài tích lũy kinh nghiệm, nuôi giấc mơ có một xưởng may cho riêng mình. Lòng say nghề cùng đôi bàn tay khéo léo đã giúp chị có thêm quyết tâm làm giàu.

Sau khi trở về quê hương, năm 2017, chị bàn với chồng là anh Phạm Xuân Thăng, mạnh dạn chuyển hơn 300 m2 đất vườn, đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy may công nghiệp và tuyển nhân công để mở xưởng tại nhà lấy tên “Cơ sở may Thăng Hằng”.

Ban đầu, xưởng chỉ có vài chiếc máy may, một chiếc máy vắt chỉ, một chiếc máy dập nút, bàn là hơi và máy vắt sổ... Số lượng nhân công cũng chỉ vỏn vẹn 10 người, kể cả vợ chồng chị. Sản phẩm cắt may là áo sơ mi các loại...

Để tạo dựng thương hiệu, anh chị đã rong ruổi khắp các chợ tại Quảng Bình với mong muốn đưa sản phẩm may của mình tiếp cận thị trường. Nhưng sau một thời gian, cách làm này không thực sự khả quan bởi muốn “bỏ mối” cần rất nhiều vốn, trong khi đó nguồn vốn của anh chị lại vô cùng eo hẹp. Chị trăn trở, phải tìm hướng đi khác thì mới “trụ” lại với nghề.

Các xưởng may của chị Nguyễn Thị Hằng tạo công ăn việc làm cho 75 lao động địa phương.
Các xưởng may của chị Nguyễn Thị Hằng tạo công ăn việc làm cho 75 lao động địa phương.

Nhận thấy tiềm năng lao động địa phương cũng như nhu cầu lớn về hàng gia công xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm áo ấm ở các nước có khí hậu lạnh, anh chị đã tìm đối tác, quyết tâm làm giàu từ nghề may gia công xuất khẩu với mặt hàng chủ yếu là áo khoác và áo quần thời trang.

Thời gian đầu với nghề may gia công, cơ sở may của chị Hằng, anh Thăng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, như: thiếu vốn, quản lý yếu, công nhân chưa có nhiều kinh nghiệm trong sử dụng máy may, các sản phẩm cơ bản đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, do chỉ làm hàng gia công nên nguồn hàng, việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp lớn. Đơn hàng khi có khi không khiến việc làm của công nhân không ổn định.

Tuy nhiên, vốn là người cẩn thận, chăm chỉ lại có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng may gia công ở nước ngoài, nên anh chị nhanh chóng nắm bắt được thị hiếu của khách hàng. Mọi sản phẩm trước khi xuất xưởng đều được chị kiểm tra kỹ lưỡng, nhanh chóng loại bỏ những sản phẩm không đạt yêu cầu, do đó, tạo được niềm tin cho đối tác. Chỉ trong một thời gian ngắn, cơ sở may Thăng Hằng đã có chỗ đứng trên thị trường may gia công xuất khẩu.

Chị Hằng cho biết: “Sau khi nhận mẫu đặt hàng, chúng tôi chia ra nhiều khâu để may thành phẩm, từ cắt, may, đến ráp thân, đóng gói... Có mẫu thì 3-4 khâu, có mẫu phức tạp hơn tới 5-6 khâu hoặc nhiều hơn. Đây là loại áo xuất khẩu đến các thị trường khó tính, như: Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, nên đòi hỏi chất lượng rất cao, đường may tỉ mỉ, không sai sót”.

Hàng xuất đi được đón nhận và có phản hồi tích cực, thị trường ngày càng mở rộng. Sẵn kinh nghiệm, đam mê cộng thêm chút “liều lĩnh”, năm 2018, chị Hằng đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, máy may với số tiền lên đến gần 2 tỷ đồng, sản xuất theo đơn đặt hàng. Trung bình mỗi đơn hàng có giá trị từ 150-300 triệu đồng, thời gian hoàn thành từ 1-1,5 tháng.

Chị Hằng cho biết: “Cái khó nhất là vốn đầu tư. Hai vợ chồng đi lên bằng "bàn tay trắng". Trong khi đó, cơ sở vật chất cho xưởng không thể thiếu. Một chiếc máy, đôi khi chỉ dùng riêng cho một công đoạn, ở một đơn hàng nhất định, giá vài chục triệu đồng cũng phải mua. Rồi những ngày hàng chưa xuất được, vợ chồng tôi phải chạy vạy khắp nơi để trả lương cho công nhân đúng hẹn”.

Vượt qua “vạn sự khởi đầu nan” cho quá trình khởi nghiệp, hiện nay, 2 nhà xưởng của anh Thăng, chị Hằng mỗi ngày cho xuất xưởng 150-200 chiếc áo khoác,  400-500 chiếc áo, quần thời trang, doanh thu mỗi năm đạt từ 2,5-3 tỷ đồng. Cơ sở giải quyết việc làm cũng như đào tạo nghề cho 75 lao động, chủ yếu là lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, công nhân còn được hỗ trợ tiền xăng xe 100-150 nghìn đồng/tháng, có ăn cơm trưa...

Ngoài việc tạo điều kiện cho chị em việc làm tại xưởng may, vợ chồng chị Hằng xem công nhân như người thân, luôn động viên, giúp đỡ khi họ gặp khó khăn. Với những lao động trẻ, anh chị tận tình hướng dẫn không chỉ trong công việc mà còn góp ý trong lối sống.

Chị Lê Thị Na (SN 1992, ở xóm Chợ, Trúc Ly, Võ Ninh) là một trong những lao động gắn bó với xưởng may từ khi mới thành lập cho biết: “Được học nghề thành thạo, tôi vào làm luôn, công việc phù hợp và ổn định nên hàng tháng chúng tôi có thu nhập tốt. Chị Hằng luôn bảo đảm quyền lợi đầy đủ cho mỗi công nhân, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể vừa tham gia sản xuất tại xưởng, nhận hàng về nhà làm, vừa có thời gian chăm sóc con nhỏ”.

Thời gian tới, anh chị sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc; đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang một số quốc gia khu vực châu Âu. Qua đó, anh chị nỗ lực tạo công ăn, việc làm ổn định cho công nhân, góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Hồng Nhung
(Đài TT-TH huyện Quảng Ninh)