Công điện về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng, đói rét cho đàn gia súc, gia cầm

  • 14:29 | Thứ Hai, 09/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày 6-12, Chủ tịch UBND tỉnh có Công điện khẩn số 10/CĐ-UBND về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng, đói rét cho đàn gia súc, gia cầm gửi các sở, ngành: Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Công thương, Giao thông vận tải, Thông tin-Truyền thông, Công an tỉnh, Tài nguyên-Môi trường, Tài chính, Cục Quản lý thị trường Quảng Bình; UBND các huyện, thành phố, thị xã. Nội dung công điện cụ thể như sau:

Hiện nay, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã và đang xảy ra tại nhiều tỉnh trên cả nước (Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Long…). Tại tỉnh ta, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch LMLM trâu, bò đã xảy ra tại 4 xã thuộc 2 huyện Lệ Thủy, Minh Hóa làm 419 con gia súc mắc bệnh, trong đó chết 7 con, đã lành về triệu chứng 351 con, đang chữa trị 61 con. Dịch xảy ra chủ yếu trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng, nơi có ổ dịch cũ và chủ yếu là gia súc thả rông trong rừng.

Nguyên nhân do công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Triển khai công tác tiêm phòng chậm, đạt tỷ lệ thấp; công tác quản lý các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ chưa chặt chẽ; phát hiện báo cáo dịch bệnh chậm; việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thiếu quyết liệt. Nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng thời gian tới là rất cao, nhất là khi điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nhu cầu vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc gia tăng vào các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Để khẩn trương khống chế, dập dịch kịp thời, thực hiện Công điện số 8799/CĐ-BNN-TY ngày 23-11-2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM ở gia súc; UBND tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã liên quan, theo chức năng nhiệm vụ, khẩn trương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM; thực hiện nghiêm công tác phòng, chống và báo cáo dịch bệnh, bảo đảm tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định tại Luật thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ; Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, Chỉ thị số 8256/CT-BNN-TY ngày 1-11-2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 27-9-2019 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân.

2. UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Tại các địa phương đang có dịch khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, tránh để lây lan dịch bệnh sang các địa phương khác. Tổ chức vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột tại các ổ dịch, các tuyến đường, phương tiện ra vào ổ dịch và các địa điểm nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Báo cáo đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) trước 15 giờ hàng ngày.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của thôn, bản, xã, phường và các phương tiện truyền thông của địa phương; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyệt đối không bán chạy gia súc bệnh, không thả rông gia súc ở địa bàn đang xảy ra dịch bệnh, không vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường.

- Khẩn trương tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch và các địa bàn có nguy cơ cao, bảo đảm đạt 100% số gia súc thuộc diện tiêm tại vùng dịch và ít nhất 80% số gia súc thuộc diện tiêm tại các vùng nguy cơ cao; rà soát và tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM và các bệnh khác cho đàn gia súc.

- Chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi, các phòng, ban liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ khi mới xảy ra, không để lây lan diện rộng. Đồng thời, báo cáo Chi cục Chăn nuôi và Thú y kịp thời để hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm xác định týp vi rút gây bệnh làm căn cứ lựa chọn, sử dụng chủng loại vắc xin phù hợp.

- Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo cần thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch xuất, nhập con giống theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo không để lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Chủ động phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi, nhất là các vùng núi; gia cố, che chắn đảm bảo chuồng trại đủ ấm, dự trữ chất đốt, thức ăn, không thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống thấp.

- Thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp các ổ dịch LMLM và các vùng nguy cơ cao để chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch LMLM tại cơ sở.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công điện số 8799/CĐ-BNN-TY nêu trên; thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý những nội dung vượt thẩm quyền.

- Cử ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch LMLM và phòng chống đói rét cho gia súc, gia cầm tại các địa phương.

- Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, các cơ sở buôn bán, giết mổ, đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào địa bàn.

- Phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nguy cơ, tác hại, các biện pháp phòng chống dịch bệnh LMLM; các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi. Đồng thời định hướng dư luận xã hội, không để tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến người sản xuất.

- Hướng dẫn, lấy mẫu xét nghiệm xác định týp vi rút gây bệnh nhằm làm căn cứ lựa chọn và sử dụng chủng loại vắc xin phù hợp.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện.