Cần hướng đi bền vững cho nghề nuôi ong lấy mật

  • 08:24 | Thứ Năm, 12/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tận dụng lợi thế có diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng khá lớn, những năm qua, người dân xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch đã chú trọng phát triển nghề nuôi ong lấy mật nhằm tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, để phát triển nghề này theo hướng bền vững, đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể để vừa tạo được đầu ra ổn định cho sản phẩm, vừa xây dựng được thương hiệu trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Sơn, ở thôn 5, xã Quảng Thạch gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật cách đây 15 năm. Ban đầu, gia đình chỉ nuôi ong theo phương pháp truyền thống bằng tổ hình tròn với quy mô nhỏ.

Nhưng từ khi tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi ong theo chương trình 135 của Chính phủ, gia đình ông Sơn bắt đầu chuyển sang nuôi ong theo tổ hình vuông. Loại tổ này sẽ rất thuận lợi cho việc tách đàn, kiểm tra vệ sinh, nên đàn ong luôn sinh trưởng và phát triển tốt. Tùy vào mùa nào thức nấy, đàn ong có thể hút mật hoa tự nhiên từ các loại cây xung quanh vườn nhàhoặc ở trong rừng, chất lượng mật luôn bảo đảm.

Theo ông Sơn, nghề nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải áp dụng đúng kỹ thuật, có tính kiên trì, tỉ mỉ và am hiểu các đặc tính của ong trong xây tổ và tách đàn. Hiện gia đình ông Sơn đang nuôi 30 tổ ong, trung bình mỗi tháng, gia đình ông lấy khoảng 60 chai mật, bán với giá 300 nghìn đồng/chai. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông có nguồn thu khoảng 60 triệu đồng/năm từ nuôi ong lấy mật.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn có nguồn thu khoảng 60 triệu đồng/năm từ nuôi ong lấy mật.
Gia đình ông Nguyễn Văn Sơn có nguồn thu khoảng 60 triệu đồng/năm từ nuôi ong lấy mật.

Quảng Thạch là xã có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nghề này không phải là mới đối với người dân nơi đây, nhưng hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong mang lại nguồn thu nhập khá cao, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Để nuôi ong đạt hiệu quả cao, người nuôi cần chú ý đến việc nhân đàn đúng thời điểm. Hiện, toàn xã có 100 hộ dân nuôi ong lấy mật với khoảng 700 đến 800 tổ ong, mỗi năm sản lượng thu được khoảng từ 2.500 đến 3.000 lít mật.

Để có chất lượng mật thơm ngon, đặc sánh, không có chất pha trộn, các hộ nuôi chọn hình thức thả tự nhiên để ong hút phấn hoa ở vườn nhà hoặc trong rừng. Hình thức nuôi như thế này vừa cho chất lượng mật tốt, dễ bảo quản, vừa không phải bỏ vốn thức ăn.

Tuy nhiên, hiện tại, thị trường tiêu thụ vẫn đang là "bài toán khó" đối với nghề nuôi ong mật ở đây. Thực tế, tại nhiều địa phương có lợi thế về đồi núi đều phát triển nghề nuôi ong lấy mật, do đó, thị trường cạnh tranh rất lớn. Người nuôi ong vẫn đang tự tìm kiếm thị trường cho sản phẩm và vẫn theo phương thức "mạnh ai nấy làm" do chưa có một đầu mối tiêu thụ chung.

Để sản phẩm làm ra được nhiều người tiêu dùng biết đến, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Quảng Thạch đã tự in nhãn hiệu với mong muốn tiêu thụ rộng rãi hơn. Nhưng, đây mới chỉ là giải pháp tình thế của người dân, chưa thể là giải pháp căn cơ để xây dựng thương hiệu mật ong Quảng Thạch.

Ông Phan Duy An, Quyền Chủ tịch UBND xã Quảng Thạchcho biết: "Hiện nay, toàn xã Quảng Thạch có khoảng 100 hộ gia đình nuôi ong có quy mô, nhiều nhất là khoảng 60 tổ/hộ, ít thì khoảng 5 đến 6 tổ/hộ. UBND xã đã đề xuất thành lập chuỗi liên kết giá trị mật ong.

Trong đề xuất này, địa phương cũng đã quan tâm thương hiệu, nhãn hiệu để tạo đặc trưng riêng của mật ong Quảng Thạch nhằm giúp cho bà con có đầu ra ổn định và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập. Xã rất kỳ vọng sự quan tâm của cấp trên đối với sản phẩm mật ong Quảng Thạch".

Quảng Thạch là địa phương có 3/4 diện tích đất đồi núi, đây là một thuận lợi rất lớn cho nghề nuôi ong lấy mật. Tuy có tiềm năng và thế mạnh để phát triển, nhưng hiện tại, sản phẩm mật ong Quảng Thạch còn mang tính tự phát. Để xây dựng thương hiệu mật ong Quảng Thạch và giúp sản phẩm đứng vững trên thị trường, yếu tố quan trọng không chỉ là sản phẩm chất lượng mà còn cần đến thị trường tiêu thụ ổn định.

Vì vậy, các cấp, các ngành cần quan tâm hỗ trợ để thành lậpcác tổ hợp tác và hợp tác xã nuôi ong; đồng thời, cần có những chính sách, chương trình quảng bá về sản phẩm, có thể là qua các hội chợ thương mại, các gian hàng trưng bày của các đoàn thể, địa phương để người tiêu dùng gần xa biết đến mật ong Quảng Thạch, góp phần giúp người dân yên tâm sản xuất, nhằm tăng thu nhập và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Minh Ánh
(Đài TT-TH Quảng Trạch)