Trồng ngô sinh khối ở Bố Trạch: Vơi bớt nỗi lo "được mùa mất giá"

  • 09:02 | Thứ Ba, 19/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi đã trở thành “cứu cánh” cho nông dân trên địa bàn một số xã ở huyện Bố Trạch. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng đất khắc nghiệt, với thời tiết thường xuyên “đỏng đảnh”, cây ngô sinh khối là hướng đi với nhiều triển vọng.
 
Vừa thu hoạch xong vạt ngô sinh khối trái vụ (thu-đông), ông Bùi Đắc Châu, ở thôn Hòa Trạch, xã Nam Trạch lạc quan chia sẻ: “Trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao hơn so với trồng ngô thu hạt truyền thống. Ngô sinh khối có thời gian sinh trưởng ngắn, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết hơn so với ngô hạt nên thuận lợi cho bố trí thời vụ. Thị trường tiêu thụ ngô sinh khối hiện nay cũng rất thuận lợi, kỹ thuật trồng cơ bản áp dụng quy trình trồng ngô lấy hạt nên người dân dễ dàng nắm bắt thực hiện. Tuy trái vụ, thời tiết xấu nên sâu bệnh nhiều, tốn nhiều công chăm bón hơn, nhưng năng suất, giá trị tương đối ổn định. Với diện tích 2 sào, sản lượng đạt khoảng trên 4 tấn thân ngô tươi”.
 Bà con xã Nam Trạch thu hoạch ngô sinh khối trái vụ.
Bà con xã Nam Trạch thu hoạch ngô sinh khối trái vụ.
Cũng như nhà ông Châu, gia đình ông Nguyễn Hữu Văn, ở cùng thôn, chuyển đổi từ 2 ha cao su sang trồng ngô sinh khối, canh tác mỗi năm 3 vụ: hè-thu, thu-đông, đông-xuân, thu lãi khoảng 48-50 triệu đồng/vụ. Ông Văn cho biết, cây ngô có khả năng chịu hạn tốt, dễ thích nghi, năng suất cao, ít sâu bệnh và thị trường tiêu thụ ổn định, nên có lợi thế trong việc bố trí mùa vụ cũng như các vùng trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bình thường, nếu trồng ngô lấy hạt, bà con ở đây chỉ thu hoạch 1 vụ duy nhất trong năm. Khi trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi, mỗi năm, bà con trồng được 3 vụ, thời gian trồng đến thu hoạch ngắn hơn, chỉ khoảng trên dưới 90 ngày, mật độ cây trồng dày hơn, chi phí đầu vào thấp nên nguồn lợi thu về từ đồng ruộng cũng tăng lên đáng kể.
 
“Những năm gần đây, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài nên người trồng ngô cũng thêm phần vất vả. May mắn là bà con được cán bộ Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm... nên dù thời tiết “đỏng đảnh” khó lường, ruộng ngô vẫn cho năng suất tốt, thu nhập cao, bù đắp cho nỗi nhọc nhằn của họ”, chị Nguyễn Thị Suốt, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nam Trạch cho hay.
 
Theo ông Trần Công An, Chủ tịch UBND xã Nam Trạch, Nam Trạch là xã có diện tích trồng ngô sinh khối lớn nhất huyện Bố Trạch, mỗi năm gieo trồng hơn 100 ha. Từ vụ đông-xuân năm 2016-2017 đến nay, Nam Trạch sử dụng giống ngô NK4300 và NK7328 là giống chủ lực. Trong các giống ngô sinh khối để bán làm thức ăn chăn nuôi, thì NK7328 thuộc nhóm đứng đầu. Giống ngô này thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất sinh khối lớn, trung bình từ 45-50 tấn/ha. Theo tính toán của ông An (cũng là hộ có đất chuyển đổi để trồng ngô sinh khối), thì cứ 1 sào, trừ chi phí đầu vào, phân bón, thu lãi khoảng 1 triệu đồng, tương đương nếu trồng 1ha, lãi khoảng 25-27 triệu đồng/vụ.
 
Ngô là một trong những giống cây chủ lực ở huyện Bố Trạch, theo đó, sản xuất ngô được huyện tập trung chuyển đổi theo 3 hướng: ngô lấy hạt, ngô thực phẩm, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi. Đối với ngô lấy hạt, nhờ việc đưa vào sản xuất các giống ngô lai mới có năng suất cao, đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác theo hướng thâm canh nên năng suất và sản lượng ngô không ngừng được cải thiện, điển hình các xã nằm trong vùng truyền thống trồng ngô năng suất thường xuyên đạt trên 60 tạ/ha, có nơi đạt 75 tạ/ha, như: Cự Nẫm, Sơn Trạch. Đối với ngô thực phẩm, huyện đã đưa vào cơ cấu các giống ngô có chất lượng cao, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, như: ngô nếp Tố nữ, ngô nếp lai HN88…
  Việc liên kết chuỗi sản xuất, hợp đồng thu mua thân ngô với giá cả ổn định giúp người dân Bố Trạch yên tâm, tiếp tục sản xuất.
Việc liên kết chuỗi sản xuất, hợp đồng thu mua thân ngô với giá cả ổn định giúp người dân Bố Trạch yên tâm, tiếp tục sản xuất.
“Riêng với ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi, đây là hướng đi mới trong chuyển cơ cấu cây trồng của huyện, so với ngô lấy hạt, ngô sinh khối có hiệu quả cao hơn 1-1,5 lần. Mặt khác, ngô sinh khối thường có thời gian sinh trưởng ngắn, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết hơn so với ngô hạt nên thuận lợi cho bố trí thời vụ, phù hợp với canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu”, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch Nguyễn Trọng Tuyển khẳng định.
 
Hiện nay, mỗi năm, trên địa bàn huyện Bố Trạch gieo trồng 300 ha ngô sinh khối, tập trung ở xã Nam Trạch và Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình. Đặc biệt, xã Nam Trạch đã chuyển đổi 100 ha đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô lấy thân mang lại hiệu quả gấp 3 lần so với trồng sắn.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn trao đổi thêm, từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ giá cho người trồng ngô các địa phương với trên 35 tấn giống ngô lai các loại với tổng kinh phí 362 triệu đồng, bình quân mỗi năm hỗ trợ trên 90 triệu đồng; qua đó, góp phần nâng tỷ lệ sử dụng giống ngô lai trên địa bàn huyện đạt 100% diện tích sản xuất. Nhiều giống ngô mới có năng suất cao đã được đưa vào sử dụng, như: NK4300, NK6410, CP501, DK9955... Đối với xã Nam Trạch, trong năm 2019-2020, huyện hỗ trợ 403 triệu đồng cho xã triển khai dự án “Phát triển liên kết sản xuất ngô làm thức ăn gia súc gắn với tiêu thụ sản phẩm”; trong đó, chủ yếu hỗ trợ người dân giống, vật tư phân bón... để thực hiện dự án. Hiện Nam Trạch đã liên kết chuỗi sản xuất với Công ty Lê Dũng Linh (ở xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch), hợp đồng thu mua thân ngô với giá cả ổn định để người dân yên tâm, tiếp tục sản xuất.
 
Việc có những giống ngô tốt như ngô sinh khối, cộng thêm đầu ra ổn định, giúp người dân Nam Trạch nói riêng, huyện Bố Trạch nói chung yên tâm sản xuất, vơi bớt nỗi lo "điệp khúc" được mùa mất giá vốn thường xảy ra với các nông sản khác. Thời gian tới, huyện Bố Trạch tiếp tục tìm kiếm, liên kết với các công ty, cơ sở chăn nuôi bò quy mô lớn để hướng bà con trên địa bàn chuyển đổi số diện tích đất kém hiệu quả, đất trống sang trồng ngô lấy thân, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích.
                                                                       Hương Trà