Sử dụng hóa đơn điện tử: Phá bỏ "rào cản" truyền thống

  • 08:55 | Thứ Tư, 27/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12-9-2018 của Chính phủ quy định thời điểm bắt buộc tất cả các doanh nghiệp (DN) áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là ngày 1-11-2020. Nghĩa là chỉ còn một năm nữa, các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng HĐĐT trong giao dịch thay cho hóa đơn giấy.

Theo ông Đoàn Vỹ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, lợi ích của việc sử dụng HĐĐT là rất lớn vì DN gần như không cần phải in hóa đơn. Việc lưu trữ hóa đơn cũng được sử dụng bằng máy tính nên rất thuận tiện cho việc hạch toán, kế toán, đối chiếu dữ liệu và không xảy ra mất mát, hư hỏng, thất lạc hoá đơn; mặt khác, thuận tiện cho việc tra cứu khi có hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng.

Từ ngày 1-11-2020, hóa đơn giấy sẽ được thay thế bằng hóa đơn điện tử.
Từ ngày 1-11-2020, hóa đơn giấy sẽ được thay thế bằng hóa đơn điện tử.

Đối với cơ quan thuế, việc sử dụng HĐĐT sẽ tạo thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, tinh giản quy trình đối chiếu hóa đơn, dễ kiểm tra, kiểm soát. Hơn nữa, việc triển khai HĐĐTcũng góp phần ngăn chặn tình trạng sử dụng trái phép hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích, khắc phục tình trạng làm giả, ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Ông Cổ Kim Thảo, Trưởng phòng Tuyên truyền-Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh cho biết, mặc dù việc sử dụng HĐĐT có rất nhiều tiện ích, song quá trình triển khai HĐĐT đang gặp không ít khó khăn.

Một mặt, các DN cho rằng việc triển khai vẫn còn chưa bài bản nên gây khó cho DN. Ví như Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử đã ban hành hơn 1 năm nhưng đến nay chưa có Thông tư hướng dẫn. Mặt khác, nhiều DN, tổ chức kinh doanh chưa thấy rõ được lợi ích cũng như sự thuận lợi khi sử dụng HĐĐT.

Theo chúng tôi, một trong những khó khăn vướng mắc hiện nay khi triển khai HĐĐT là do thói quen của các DN. Thực tế cho thấy, phần lớn DN trên địa bàn tỉnh là các DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ hay các hộ kinh doanh từ trước đến nay đã quen sử dụng giao dịch mua bán bằng hóa đơn giấy.

Người bán quen sử dụng quyển hóa đơn để xuất cho người mua; trên khâu lưu thông, người mua hàng mang theo tờ hóa đơn mua hàng và xuất trình khi các cơ quan chức năng cần kiểm tra. Do vậy, khi phải thay đổi thói quen giao dịch này bằng hình thức giao dịch khác, cần phải mất nhiều thời gian.

Một khó khăn nữa là trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin của các DN, tổ chức kinh doanh. Giao dịch bằng HĐĐT đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức, hiểu biết về công nghệ thông tin, trong khi các DN nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh đa số có điểm xuất phát thấp, làm ăn nhỏ lẻ manh mún, trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực kém nên còn ngại khó và không muốn thay đổi. Chi phí đầu tư ban đầu cho việc thực hiện HĐĐT cũng là một khó khăn đối với các DN.

Bởi muốn triển khai sử dụng chứng từ HĐĐT cần phải có máy tính, các trang thiết bị kết nối mạng Internet và phải có dịch vụ đường truyền cùng nhiều chi phí khác. Trên thực tế, nhiều DN kinh doanh chưa thực sự minh bạch, muốn lợi dụng cách quản lý cũ để che dấu doanh thu, gian lận thuế nên đã tìm mọi lý do để ngăn cản, trì hoãn việc triển khai HĐĐT.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Ông Đoàn Vỹ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, để việc sử dụng HĐĐT trở thành thói quen mang tính bắt buộc đối với các DN, người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh đã có kế hoạch cụ thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các đối tượng nộp thuế.

Một trong những giải pháp có tính “truyền thống” nhưng khá hiệu quả mà Cục Thuế tỉnh thực hiện là phát tờ rơi trực tiếp tuyên truyền về hóa đơn điện tử khi doanh nghiệp đến giao dịch tại cơ quan thuế hoặc tại các địa điểm cấp phép đăng ký kinh doanh, như: phòng Đăng ký kinh doanh, các điểm đăng ký kinh doanh tại huyện, thị xã, thành phố.

Trong giai đoạn bùng nổ thông tin, hầu hết người nộp thuế đều sử dụng phương tiện liên lạc cá nhân, như: điện thoại thông minh, máy tính bảng…, Cục Thuế tỉnh cũng đã “bắt nhịp” tiếp cận và tuyên truyền việc sử dụng HĐĐT thông qua điện thoại, qua đó, giải đáp cụ thể, rõ ràng các vướng mắc khi người nộp thuế hỏi qua điện thoại.

Mặt khác, đơn vị chủ động phối hợp thực hiện các bài viết tuyên truyền về lợi ích của HĐĐT, hướng dẫn thủ tục đăng ký, phát hành, sử dụng, báo cáo HĐĐT gửi qua email cho DN.

Trên cơ sở kế hoạch xây dựng định kỳ hàng quý hoặc 6 tháng 1 lần, Cục Thuế tỉnh cũng sẽ tổ chức tuyên truyền sử dụng HĐĐT thông qua các hội nghị đối thoại người nộp thuế và hội nghị tập huấn sử dụng công nghệ thông tin; thành lập đoàn tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường chính, các khu trung tâm; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền trên đài phát thanh huyện, thị xã, thành phố.

Hóa đơn điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức.
Hóa đơn điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức.

Nhằm thay đổi thói quen sử dụng hóa đơn giấy của các DN, người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh sẽ phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ HĐĐT tổ chức nhiều hội nghị hoặc kết hợp với các hội nghị tập huấn để hướng dẫn cụ thể, chi tiết đến các tổ chức, DN về các bước chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật và các thao tác lập, sử dụng HĐĐT.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ Thuế kiến thức về HĐĐT để trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ cho người nộp thuế về thủ tục, các bước khi đăng ký sử dụng HĐĐT.

Trên cơ sở chương trình phối hợp tuyên truyền giữa Cục Thuế tỉnh với các cơ quan truyền thông của tỉnh, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách thuế; xây dựng các chuyên mục về HĐĐT, tăng cường đưa các tin về việc sử dụng HĐĐT.

Trong từng thời điểm cụ thể, phù hợp, Cục Thuế tỉnh sẽ chủ động phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh phát lại các chương trình về chuyên đề HĐĐT khi chủ đề các chương trình đang còn tính thời sự để tăng số lượng người xem; phối hợp với Báo Quảng Bình và các tạp chí đăng tải những nội dung tuyên truyền về HĐĐT.

Nhằm tận dụng tối đa hiệu quả sử dụng công nghệ số của người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh cũng sẽ tập trung phối hợp tuyên truyền trên báo Quảng Bình điện tử, Thời báo Tài chính, Tạp chí Thuế cũng như trên website Cục Thuế tỉnh.

Tính đến ngày 30-9-2019, số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh do Cục Thuế tỉnh quản lý là 6.700 đơn vị. Tuy nhiên, chỉ có gần 500 đơn vị sử dụng HĐĐT, nhiều nhất là khối bệnh viện, y tế (8/8 đơn vị), trường học (260/520 đơn vị). Riêng các DN ngoài quốc doanh chỉ có khoảng 120/4.600 đơn vị sử dụng HĐĐT.

Nguyễn Hoàng