Quảng Trạch: Bấp bênh hậu cần nghề biển

  • 08:26 | Thứ Năm, 28/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Thời gian qua, nhiều tàu cá trên địa bàn huyện Quảng Trạch không ra khơi đánh bắt khiến những người làm hậu cần nghề biển lâm vào cảnh lao đao. Không ít người đành bán máy móc vì sản xuất thua lỗ hoặc phải hoạt động cầm chừng.

Cảnh Dương từ lâu vốn được biết đến là làng biển với nhiều tàu thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ. Người dân ở đây bao đời đều sống gắn với nghề biển, những ai không ra khơi đánh bắt thì sống bằng các nghề liên quan đến biển. Tuy nhiên, thời gian này, nhiều tàu công suất lớn phải nằm bờ trong thời gian dài khiến người dân lúng túng trong duy trì kế sinh nhai.

Xưởng sản xuất đá của ông Lê Thành Vinh phải dừng sản xuất nhiều tháng nay vì không có đầu ra.
Xưởng sản xuất đá của ông Lê Thành Vinh phải dừng sản xuất nhiều tháng nay vì không có đầu ra.

Theo ông Cao Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, toàn xã có 640 tàu, trong đó có khoảng 200 chiếc công suất lớn thường xuyên đánh bắt xa bờ. Nhiều tháng trở lại đây, các tàu công suất lớn này đều phải nằm bờ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ngư trường đánh bắt gặp khó vì ảnh hưởng của thời tiết. Các tàu cá buộc phải cải hoán tàu thuyền theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP mới được ra khơi.

Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu không thể tìm được lao động đi biển. Nếu trước đây, lao động chủ động xuống tàu cá tìm việc thì bây giờ ngược lại, chủ tàu phải đi tìm lao động "đỏ mắt" nhưng vẫn không có.

Ngoài ra, giá thủy sản xuống thấp, thu nhập không cao khiến các chủ tàu và ngư dân không muốn ra khơi vì sợ lỗ. Hàng loạt tàu thuyền nằm bờ không chỉ khiến các chủ tàu cá lâm vào cảnh lao đao mà những người làm hậu cần nghề biển cũng chung tình cảnh.

Mặc dù kinh tế gia đình dựa hoàn toàn vào nghề sản xuất đá lạnh cung cấp cho các tàu thuyền nhưng đã mấy tháng nay, xưởng sản xuất đá của ông Lê Thành Vinh buộc phải tạm ngừng sản xuất vì không có đầu ra.

Ông Lê Thành Vinh cho biết, 15 năm gắn bó với nghề này, chưa năm nào gia đình ông gặp khó như năm nay. Nếu trước đây tàu thuyền ra khơi đánh bắt được thì trung bình mỗi ngày xưởng đá của ông sản xuất và bán ra 150 cây đá (khoảng 7,5 tấn đá), sau khi trừ mọi chi phí, vợ chồng ông lãi 1 triệu đồng/ngày. Nhưng giờ thì cả mấy tháng liền máy móc nằm im không hoạt động, xưởng sản xuất đá cũng thất thu.

Dù sản xuất ngưng trệ nhưng ông Vinh cho biết, ở Cảnh Dương, người dân chỉ trông chờ, phụ thuộc vào nghề biển. Giờ không làm nghề này thì cũng không biết chọn nghề nào khác. Hơn nữa, nghề sản xuất đá lạnh đã gắn bó với gia đình từ lâu, nên ông vẫn cố gắng duy trì, đợi đến lúc tàu thuyền ra khơi thì xưởng đá sản xuất trở lại.

Không chỉ riêng hộ gia đình ông Vinh mà nhiều hộ kinh doanh hậu cần nghề biển ở Cảnh Dương cũng lao đao. Một số hộ do không tìm được đầu ra buộc phải bán cả máy móc. Bà Trần Thanh Mai, thôn Đông Cảng tâm sự, năm 1993, gia đình bà có mở 1 cơ sở sản xuất đá lạnh và cửa hàng xăng dầu phục vụ cho các tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

Vào thời điểm tàu thuyền đánh bắt được mùa, cơ sở sản xuất đá lạnh của gia đình bà phải thuê 7-8 người làm, trung bình mỗi ngày sản xuất và bán hết 180 cây đá (khoảng 9 tấn đá lạnh/ngày), lãi thu được là 1,5 triệu đồng/ngày.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do cửa lạch ở Cảnh Dương bị cạn, tàu thuyền trong vùng không thể vào lấy hàng hóa nên sản xuất cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, mấy tháng trở lại đây, nhiều tàu thuyền không ra khơi phải nằm bờ khiến cơ sở đá lạnh càng bế tắc hơn. Sản xuất nhưng không có đầu ra, cơ sở phải bù lỗ tiền điện, tiền nhân công, nên mới đây gia đình bà buộc phải bán máy móc.

Cùng với dịch vụ sản xuất, cung cấp đá lạnh, dịch vụ kinh doanh xăng dầu của gia đình bà Mai cũng vất vả không kém. Hiện tai, gia đình bà vẫn duy trì việc kinh doanh xăng dầu, nhưng số lượng bán ra giảm chỉ còn một nửa so với trước đây.

Cảnh Dương là xã biển nên hậu cần nghề biển cũng tương đối phát triển với các nghề, như: sản xuất đá lạnh, xăng dầu, sửa chữa tàu thuyền... Việc đánh bắt của các chủ tàu gặp khó khăn khiến các nghề hậu cần biển cũng ảnh hưởng theo, nhất là các nghề như sản xuất đá lạnh, dịch vụ xăng dầu.

Trước đây, toàn xã có 12 cơ sở sản xuất đá lạnh thì hiện chỉ còn lại 7 cơ sở. Tuy nhiên, các cơ sở còn tồn tại này cũng chỉ hoạt động cầm chừng, một số cơ sở đã bị phá sản vì hoạt động thua lỗ. Đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, các chủ cơ sở cũng phải chở hàng đi các nơi khác, như: cảng Hòn La, cảng Gianh...,mới bán được cho các chủ tàu.

Xã Quảng Phú cũng đang trải qua một mùa biển gian nan như vậy. Theo ông Trương Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Phú, xã có 3/9 thôn theo nghề biển với trên 200 tàu thuyền, trong đó, có khoảng 70 chiếc có công suất lớn. Do lượng tàu thuyền ra khơi đánh bắt lớn, nên hậu cần nghề biển ở đây cũng tương đối phát triển.

 Các cơ sở kinh doanh xăng dầu cũng gặp khó khăn khi tàu thuyền nằm bờ.
Các cơ sở kinh doanh xăng dầu cũng gặp khó khăn khi tàu thuyền nằm bờ.

Tuy nhiên, cũng giống như xã Cảnh Dương, thời gian trở lại đây, tàu thuyền nằm bờ không ra khơi khiến các nghề hậu cần cũng lâm vào tình cảnh lao đao. Những cơ sở sản xuất đá lạnh, kinh doanh xăng dầu ở Quảng Phú cũng không tìm được đầu ra nên phải dừng hoạt động hoặc duy trì cầm chừng.

Vươn khơi bám biển là hoạt động không chỉ giúp ngư dân có thêm nguồn thu nhập và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn giúp kích cầu các nghề hậu cần phát triển theo. Việc tàu thuyền không ra khơi kéo theo nhiều ngành nghề khác cũng chịu tổn thất không kém.

Để hậu cần nghề biển được “hồi sinh” thì giải pháp duy nhất là gỡ khó cho các tàu thuyền, giúp ngư dân ra khơi đánh bắt trở lại. Hiện nay, chính quyền huyện Quảng Trạch đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn ngư dân khắc phục những khó khăn, hạn chế để tiếp tục vươn khơi.

Ông Cao Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho hay, theo chỉ đạo của huyện, chính quyền xã đã hướng dẫn bà con ngư dân cải hoán tàu thuyền theo đúng tiêu chuẩn Nghị định 26/2019/NĐ-CP và động viên ngư dân ra khơi bám biển. Hiện số lượng tàu thuyền ra khơi đánh bắt ở hai xã Cảnh Dương, Quảng Phú cũng bắt đầu dần tăng lên. Đây thực sự là tín hiệu tốt để các nghề hậu cần biển được “hồi sinh”. 

Đ.Nguyệt