Quảng bá du lịch địa phương qua trang thông tin điện tử:

Để không lãng phí kênh truyền thông hiệu quả

  • 08:24 | Chủ Nhật, 24/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình hiện có 8/8 thành phố, thị xã, huyện có trang thông tin điện tử để giới thiệu chung về địa phương, cập nhật những thông tin liên quan về tất cả các lĩnh vực, văn bản pháp luật, hành chính, quy định… Có thể nói, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, trang thông tin điện tử chính là kênh quảng bá hiệu quả về địa phương, nhất là đối với mảng du lịch-dịch vụ. Tuy nhiên, không ít trang thông tin vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong giới thiệu du lịch địa phương, gây lãng phí một kênh truyền thông tiềm năng.
 
Trang thông tin điện tử huyện Bố Trạch-tỉnh Quảng Bình là một trong những trang thông tin địa phương hoạt động khá hiệu quả. Nhiều thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa trên địa bàn… được cập nhật thường xuyên, liên tục. Đồng thời, các văn bản pháp luật, thủ tục hành chính, chương trình, đề án của huyện Bố Trạch đều được công khai, minh bạch. Mặc dù Bố Trạch là quê hương di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, nhưng các hoạt động, sự kiện, hình ảnh… về du lịch trên trang thông tin điện tử này lại chưa phong phú, đa dạng, hình thức thể hiện kém hấp dẫn. Dễ dàng nhận thấy, bên cạnh các thông tin liên quan đến hoạt động du lịch trên địa bàn (thường là những sự kiện nổi bật, tạo điểm nhấn), những thông tin mang tính chất giới thiệu, quảng bá, chỉ dẫn về du lịch Bố Trạch hầu như vắng bóng. 
Kho ảnh ít ỏi của một trang thông tin điện tử địa phương.
Kho ảnh ít ỏi của một trang thông tin điện tử địa phương.
Đơn cử như đối với chuyên trang "Thông tin cần biết", các mục "Nhà hàng-quán ăn", "Khách sạn-nhà nghỉ" đều trống trơn. Chuyên trang "Thư viện ảnh" là một bộ ảnh về Phong Nha-Kẻ Bàng được chụp từ cách đây khá lâu. Chuyên mục "Di tích-Danh thắng" giới thiệu các bài viết cách đây vài năm, trong đó, bài mới nhất được "cập nhật" năm 2017 (?!).
 
Ông Nguyễn Đức Ninh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bố Trạch cho biết, hầu hết các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Bố Trạch đều có trang web quảng bá riêng. Bên cạnh đó, các thông tin về du lịch Bố Trạch đều được thường xuyên "cập nhật" trên trang thông tin điện tử của huyện. Đặc biệt, các sự kiện du lịch có quy mô (Lễ hội đua thuyền sông Son, hội thi cá trắm…) đều được chuyển tải đến công chúng kịp thời, đầy đủ. Tuy nhiên, do vẫn chưa có chủ trương sử dụng trang thông tin điện tử như một kênh quảng bá du lịch nên nhiều thông tin giới thiệu du lịch Bố Trạch vẫn chưa được đầy đủ, thiết thực, cụ thể, như: phần giới thiệu về các di tích danh thắng; chỉ dẫn các điểm đến, nhà hàng, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú, góc ảnh đẹp…
 
Tương tự như vậy, trang điện tử của huyện Lệ Thủy cũng rất hạn chế thông tin về du lịch, trong khi đây lại là ngành kinh tế đang rất được quan tâm, đầu tư của huyện. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy chia sẻ, sắp tới, huyện sẽ triển khai một trang web quảng bá riêng về du lịch Lệ Thủy nhằm đưa hình ảnh quê hương lan tỏa trong và ngoài nước. Trong khi chờ đợi trang web này ra mắt, trang thông tin điện tử của huyện vẫn đang bỏ ngỏ tiềm năng quảng bá cho du lịch địa phương, như: phần thư viện ảnh chỉ có 4 ảnh; chỉ có 3 video clip từ năm 2014 và 2017, chuyên mục hò khoan Lệ Thủy không hiển thị được…
 
Không chỉ huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy mà các địa phương khác cũng chưa tận dụng lợi thế của trang thông tin điện tử địa phương để quảng bá du lịch. Các thông tin về du lịch vẫn còn ít ỏi, chung chung, thiếu điểm nhấn và thiếu hấp dẫn. Riêng trang thông tin điện tử của TP. Đồng Hới khá đầy đủ các thông tin về du lịch thông qua chuyên trang "Mảnh đất con người" với các chuyên mục mang tính chỉ dẫn cao, như: "Di tích danh thắng", "Ẩm thực", "Địa điểm du lịch", "Tuần văn hóa du lịch Đồng Hới"… Tuy nhiên, hình thức thể hiện còn chưa mới lạ, hấp dẫn, vẫn còn theo kiểu truyền thống, khó tiếp cận du khách, nhất là đối với người trẻ.
Nhiều điểm đến hấp dẫn, ấn tượng của Quảng Bình sẽ được quảng bá hiệu quả trên các trang thông tin điện tử địa phương. (Ảnh Oxalis)
Nhiều điểm đến hấp dẫn, ấn tượng của Quảng Bình sẽ được quảng bá hiệu quả trên các trang thông tin điện tử địa phương. (Ảnh Oxalis)
Thực tế cho thấy, việc tận dụng tối đa các công cụ công nghệ để quảng bá du lịch là xu thế hiện nay của các địa phương, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về kinh phí. Chính vì vậy, việc giới thiệu các điểm đến du lịch, ẩm thực, lễ hội văn hóa… thông qua các trang thông tin điện tử địa phương sẽ là một hướng đi hiệu quả, thiết thực và mang tính lâu dài. Tuy nhiên, không ít địa phương vẫn chưa có chủ trương hoặc có nhưng chưa tìm được cách thức triển khai hiệu quả, bền vững. Như ông Nguyễn Đức Ninh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bố Trạch khẳng định, đây là việc làm không khó, bởi nguồn nhân lực cũng như sự hỗ trợ tích cực từ các phía luôn có sẵn, điều quan trọng là cần có định hướng và chủ trương.
 
Thời gian tới, Quảng Bình đang đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch, hướng tới nhiều đối tượng du khách. Chính vì vậy, các trang thông tin điện tử địa phương chính là một trong những kênh quảng bá hữu hiệu nếu biết phát huy sức mạnh tiềm năng, tránh lãng phí một nguồn đầu tư. Trước mặt, các địa phương cần có chủ trương, bố trí nguồn nhân lực triển khai hợp lý, đồng thời tranh thủ sự phối kết hợp giữa các đơn vị, ban, ngành liên quan để đưa thông tin về du lịch lên trang điện tử địa phương; đặc biệt chú trọng đến hình ảnh, video clip, các thông tin chỉ dẫn điểm đến... Ngoài ra, các đường dẫn tin cậy về du lịch Quảng Bình từ trang thông tin điện tử địa phương cũng là một cách thức quảng bá hiệu quả, không nên bỏ qua.
 
Mai Nhân